Không mùa thi vẫn... “học căng như dây đàn”
Có những ngành học, dù không phải trong mùa thi cử nhưng lượng bài vở, đồ án, thực hành... lúc nào cũng căng như dây đàn.
"Họ nhà kiến" với gần 40 đồ án
Ngay từ năm nhất, sinh viên (SV) khoa Kiến trúc trường ĐH Kiến trúc TPHCM đã bắt đầu bước vào chuyên ngành, cũng đồng thời bắt tay vào những đồ án và các bài tập lớn. Trong số 347 tín chỉ của chương trình suốt 5 năm đào tạo thì đã có tới 1/3 là đồ án. Các đồ án trải dài trong suốt 5 năm học, thấp nhất cũng 8 tín chỉ/học kỳ, nhiều có khi lên tới 20 tín chỉ/học kỳ.
5 tuần cho 1 đồ án là khoảng thời gian để SV vừa tìm ý, nghiên cứu, vừa thiết kế và trình bày đồ án, để từ chỗ không biết gì đến chỗ thấu hiểu một công trình. Trên thực tế, chỉ có 4 tuần dành cho nghiên cứu, tuần còn lại dành cho làm đồ án tập trung. "Đến tuần làm đồ án tập trung, mỗi ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng đến tận 9 giờ đêm, cả lớp tập trung tại phòng họa thất của trường cặm cụi vẽ. Nhiều khi phương án chưa hoàn thiện nên vừa vẽ, vừa thiết kế, không có thời gian ăn uống. Về đến nhà là đầu gối muốn rụng ra, lưng như muốn gãy đôi nhưng vẫn phải tiếp tục vùi đầu vào làm mô hình, vẽ máy.
Có những tuần cao điểm, phải hoàn thành 8 đồ án trong 1 tuần nên nhiều SV nữ sau khi nộp bài xong đã ngất xỉu sau nhiều đêm thức trắng", Chí Kiên - SV năm 2 khoa Kiến trúc trường ĐH Kiến trúc TPHCM cho biết. Bước vào phòng họa thất, những bản nhạc rock được mở hết cỡ, rồi giấy nháp, vụn chì, vụn gôm tẩy... bừa bộn trên mặt đất, mới thực sự cảm nhận được không khí làm việc hăng say và cật lực của "họ nhà kiến".
Cái khó là thời gian làm đồ án kéo dài suốt 10 học kỳ, trong khi vẫn phải đến lớp học bài và học thi những môn học khác. Như ở học kỳ 2, ngoài 4 môn đồ án còn có 8 môn lý thuyết và 1 môn thực hành khác phải học và thi với tất cả 41 tín chỉ, hay học kỳ 6 cũng 5 môn đồ án, 8 môn lý thuyết, 1 môn thực hành khác với tổng cộng 40 tín chỉ. Như mọi năm việc học thi các môn khác sẽ được dồn vào cuối kỳ, nhưng năm nay khoa chuyển qua học cuốn chiếu, học xong môn nào thi liền môn đó, nên vừa phải lo chạy đồ án, vừa phải chạy thi.
Với những đồ án trang trí, hình khối, mô hình tạo dáng, nội thất, trang trí... của SV khoa Mỹ thuật công nghiệp thì tài liệu nghiên cứu ngoài sách báo, tạp chí về nội thất, thời trang, mỹ thuật còn là thực tế cuộc sống hằng ngày. Để học vẽ tạo dáng mỹ thuật công nghiệp, SV phải lưu tâm, nhạy cảm với tất cả những vật dụng xung quanh mình về cả màu sắc, chất liệu, mẫu mã, tính năng, tiện ích...
Cao Huy cho biết: "Thực tế công trình là rất cần thiết cho những đồ án. Vì vậy, nhiều khi SV tụi em phải làm giả khách hàng, mặc vest và xách cặp chỉnh tề để có cơ hội tiếp cận không gian nội thất của những công trình thực tế".
Đó là chưa kể đến những bài tập lớn, tuy nhẹ hơn đồ án một nửa và được làm ở nhà, nhưng cũng vẽ, cũng nghiên cứu để lấy điểm và được xem như điều kiện bắt buộc để được thi cuối kỳ.
6 năm tại bệnh viện
Không phải làm đồ án, nhưng với SV ĐH Y dược TPHCM thì quanh năm bận bịu với chương trình học nặng nề và lịch thực hành dày đặc tại bệnh viện. SV khoa Y học 320 đơn vị học trình (ĐVHT) trong thời gian 6 năm, nhưng với SV khoa Y học cổ truyền thì lên tới 358 ĐVHT do phải học kết hợp cả đông y và tây y. Trong đó, riêng năm 3 khoa Y học cổ truyền phải học 579 tiết lý thuyết, 34 tuần và 150 tiết thực hành, năm 4 thì 528 tiết lý thuyết và 40 tuần thực hành, năm thứ 5 là 538 tiết lý thuyết và 40 tuần thực hành, và năm thứ 6 là 430 tiết lý thuyết và 44 tuần thực hành... Bình thường 15 tiết sẽ tương đương với 1 ĐVHT, nhưng thực hành trong trường với SV ĐH Y dược TPHCM thì phải 30 tiết, thực hành trong bệnh viện thì lên tới 45 tiết, và thông thường thì 2 tuần thực hành mới xong 1 ĐVHT.
Đặc biệt, "lượng kiến thức của mỗi buổi học trên lớp rất nhiều, thầy cô chỉ đủ thời gian cập nhật những kiến thức mới nhất, còn SV phải tự học và nghiên cứu phần kiến thức phổ thông. Điều bắt buộc với SV nơi đây để có thể theo kịp bài vở là phải có quá trình tự học nghiêm túc, đọc và nghiên cứu kỹ lưỡng trước và sau khi đến lớp", Trung Hiếu - SV năm 2 khoa Y cho biết.
Cũng ngay năm nhất, SV đã bắt đầu những buổi thực hành tại trường, rồi tùy theo khoa mà thực hành tại bệnh viện. "Tuần nào cũng vậy, 5 buổi sáng đến bệnh viện thực hành, 5 buổi chiều đến trường học lý thuyết, đó là lịch học thường nhật trong 6 năm học của em. Tính sơ sơ em cũng thực tập tại... mười mấy bệnh viện rồi. Có những hôm thực hành các môn khoa nội, 12 giờ rưỡi trưa mới rời bệnh viện nên tụi em phải chạy thẳng qua trường để học hoặc thi, không kịp ăn uống gì", Nguyễn Tài - SV năm cuối khoa Y học cổ truyền cho biết.
Điểm đặc biệt của SV trường này ở chỗ, bệnh viện nào cũng có dấu chân SV đến thực tập, và ký túc xá thì hầu như đêm nào cũng sáng đèn, vì nếu không một vài nhóm người thì cũng có một vài người thức đêm học bài.
Với những SV này, lý thuyết và thực hành đều quan trọng như nhau vì 2 phần của cùng môn học tính điểm riêng biệt. Lý thuyết thường thi trắc nghiệm, điền khuyết hoặc tự luận, thực hành thi vấn đáp, làm bệnh án hoặc thi chạy bàn (Osce). Quanh năm suốt tháng, họ phải ăn ngủ tại bệnh viện, miệt mài với chuyện thực hành. Phải công nhận, thời lượng nhiều, chương trình nặng là đặc thù của những ngành học này.
Tuy nhiên, để có thể chữa bệnh tốt, hay thiết kế một ngôi nhà vừa kiên cố, vững chắc vừa có tính thẩm mỹ cao thì các kiến trúc sư, bác sĩ cần được đào tạo và thực hành kỹ lưỡng.
Theo Hà Ánh
Thanh Niên