"Không lo trẻ đi học nhiễm Covid, chỉ lo trường... rối khi có F0"
(Dân trí) - Chuyên gia truyền nhiễm, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, không nên lo lắng việc trẻ nhỏ đi học lại nhiễm Covid-19. Điều lo nhất là trường học có thể rối lên khi có F0.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) trao đổi về trẻ đi học lại tại chương trình tư vấn "Học sinh trở lại trường - Phụ huynh làm gì với nỗi sợ F0?" do Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng tổ chức.
Việc phụ huynh lo lắng, đến trường có nguy cơ lây nhiễm cao, theo bác sĩ Khanh, bây giờ ở nhà trẻ cũng có nguy cơ lây nhiễm từ bạn bè, hàng xóm, bố mẹ ra ngoài về lây cho con... Việc trẻ ở nhà lâu dài kéo theo nhiều hệ lụy trẻ không có người chăm sóc, bố mẹ không đi làm được.
Theo khảo sát của Sở GD-ĐT TPHCM, thời điểm này có gần 3.000 học sinh lớp 1 nhiễm Covid-19, gần 1.500 em đang phải cách ly. Có chưa đến 30% phụ huynh lớp 1 đồng ý và hơn 70% phụ huynh không đồng ý cho con đi học trực tiếp trở lại.
Trước đây, trẻ nghỉ học ở nhà vì chưa phủ vaccine, lo ngại nguy cơ lây nhiễm cho người lớn tuổi. Thời điểm này cần cho trẻ đi học lại để các em hòa nhập, trẻ phải nhận diện được cảm xúc vui, mặt buồn, mặt giận... của người khác mới phát triển được.
"Tôi lo là lo điều này chứ không lo trẻ không đến trường thì thất học về văn hóa", bác sĩ Trương Hữu Khanh nêu quan điểm và cho rằng, điều này có thể ảnh hưởng đến cả thế hệ.
Chuyên gia truyền nhiễm này cũng bày tỏ, việc trẻ nhiễm Covid-19 thường nhẹ, quy trình chỉ 3 - 5 - 7 ngày sẽ khỏi phụ huynh không nên quá lo lắng khi trẻ là F0. Chỉ đối tượng nguy cơ như béo phì hoặc có bệnh nền nặng như suy thận, suy gan giai đoạn cuối, chậm phát triển nặng, tim bẩm sinh nặng… mới dễ chuyển biến nặng.
Cần có kịch bản khi trường học có F0
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, ông không lo việc trẻ nhiễm bệnh khi đi học mà điều đáng lo nhất khi có trẻ F0, trường học có thể rối lên phong tỏa này kia. Đây mới là điều nguy hiểm tác động đến trẻ.
Khẳng định không có chuyện đi học không có trẻ bệnh, vậy nên theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, rất cần có một kịch bản cụ thể cho các quy trình hoạt động ở trường.
Từ việc thực hiện các pháp khử khuẩn, làm vệ sinh, rửa tay, ăn uống thế nào cho sạch sẽ, khi nào cần mang khẩu trang cho đến khoanh vùng, chia nhỏ lớp, chia cụm, sinh hoạt theo nhóm... Và kịch bản quan trọng nhất, ông cho rằng không phải là có F0 mà là khi có F0 thì cần làm gì để việc đi học của trẻ không bị xáo trộn quá nhiều.
"Điều cần quan tâm không phải là đứa trẻ F0 sẽ thế nào mà là tinh thần của những học sinh còn lại, của phụ huynh, của giáo viên cho đến anh bảo vệ... Tất cả những người liên quan cần hiểu được quy trình, được chuẩn bị về tâm lý để tránh hoảng loạn", vị bác sĩ chia sẻ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh bày tỏ, bản thân ông trông đợi một hướng dẫn cụ thể cho tình huống này. Không thể giao phó cho nhà trường vì không phải trường nào cũng đủ khả năng để tự ứng phó. Các trường cần được hướng dẫn và cả diễn tập, tránh "đụng trận" là rối tung lên.
Ngoài ra, việc trẻ đi học lại, sự hợp tác của gia đình rất cần thiết. Nếu gia đình có người F0, hay trẻ có các triệu chứng nóng sốt, bố mẹ hãy giữ trẻ ở nhà theo dõi.