Không được cộng điểm, chỉ 3% học sinh nông thôn đỗ ĐH

Theo Luật Giáo dục Việt Nam 2005, bắt đầu từ mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2006, sẽ chỉ có những thí sinh thuộc khu vực đặc biệt khó khăn mới được hưởng điểm ưu tiên khu vực.

Như thế cũng có nghĩa là gần 82% thí sinh trên toàn quốc (gồm những thí sinh ở KV2, KV2-NT, KV1, KV1ƯT1) sẽ bị thiệt thòi vì không còn được hưởng điểm ưu tiên khu vực?

Ông Đỗ Duy Dự, thành viên BCĐ tuyển sinh Bộ GD-ĐT trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

Thưa ông, trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ tới, rất ít thí sinh được hưởng điểm ưu tiên khu vực?

Ông Đỗ Duy Dự: Đúng là quy định như vậy sẽ dẫn đến nhiều bất hợp lý đối với thí sinh.

Theo tính toán của chúng tôi qua các kỳ tuyển sinh, trong tổng số gần 1 triệu lượt thí sinh dự thi vào các trường ĐH, CĐ thì có tới hơn 82% thí sinh sinh sống ở nông thôn và miền núi (bao gồm KV2, KV2-NT, KV1ƯT1, KV1ƯT2), số thí sinh ở TP chỉ chiếm khoảng 18%.

Hằng năm, số thí sinh trúng tuyển chỉ chiếm khoảng 20% tổng số thí sinh dự thi vào các trường ĐH, CĐ. Như thế, nếu thực hiện theo đúng quy định này, phần lớn thí sinh học tập tại TP (với điều kiện học tập tốt hơn, thầy cô giỏi hơn, cơ sở vật chất đầy đủ) chắc chắn sẽ trúng tuyển.

Điều này cũng có nghĩa là cơ hội vào ĐH, CĐ đối với học sinh nông thôn trở nên rất mong manh. Chúng tôi dự đoán nếu không được cộng điểm ưu tiên, số thí sinh nông thôn trúng tuyển vào ĐH không quá 3%.

3% có vẻ là một con số không thực tế lắm?

Nhưng mà lại đúng là như thế đấy. Theo quy định hiện nay, điểm chênh lệch giữa khu vực không được ưu tiên và khu vực được ưu tiên nhiều nhất là 3,5 điểm. Mà trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, nửa điểm đã là cả một vấn đề quyết định thí sinh trượt hay đỗ ĐH.

Nếu áp dụng rập khuôn quy định của Luật Giáo dục mới, không những thí sinh ở nông thôn, miền núi chịu nhiều thiệt thòi mà còn dẫn đến tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng trong đào tạo.

Vậy thì theo ông, cần phải làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục 2005 vẫn chỉ quy định những đối tượng sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn mới được ưu tiên.

Chúng tôi đã nhiều lần làm việc (cả bằng văn bản và trực tiếp) với ban soạn thảo đề nghị đối tượng được hưởng ưu tiên là con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Chúng tôi chưa nhận được phản hồi nhưng chúng tôi hy vọng là sẽ được tiếp thu.

Theo Hoàng Dung
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm