Không có học trò hư...
“Hơn 13 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi luôn quan niệm: Không có học sinh hư, chỉ có học sinh chưa được giáo dục trong môi trường tốt”.
Đó là tâm sự của cô Nguyễn Thị Thương Hiền, giáo viên Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (TP Nha Trang), người vừa đạt giải xuất sắc hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
Cô Nguyễn Thị Thương Hiền đã khiến nhiều người nể phục, tin tưởng khi nói về cách ứng xử với học trò của mình. Cô kể: Ngay trong ngày đầu tiên làm quen với lớp 12A2, Kiều Chinh - một học sinh nữ trong lớp - đã không đứng dậy chào khi cô bước vào lớp. Qua tìm hiểu, cô được biết cha mẹ Chinh đã ly hôn. Mẹ em sau đó lại bỏ đi để lại 2 anh em Chinh. Em gần như không trò chuyện với ai và tính bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Cô đã báo cáo với ban giám hiệu nhà trường. Được sự giúp đỡ kịp thời của thầy cô và bạn bè, Chinh có đủ tiền đóng học phí cho cả năm học 2014-2015.
Bằng lối dẫn chuyện tự nhiên, chân thành, cô Hiền tiếp tục khiến cả hội trường chăm chú lắng nghe: “Tuy đi học lại nhưng Chinh vẫn buồn và sống khép kín. Tôi lại tìm cách tiếp cận em. Thi thoảng, tôi chở Chinh về nhà, nhờ em sắp xếp lại tủ sách, dạy cách tết tóc cho con gái hay cùng nấu nướng, ăn cơm cùng gia đình tôi để giúp em tìm được cảm giác được sống trong môi trường gia đình. Dần dà, tôi phát hiện Chinh có năng khiếu văn nghệ. Tôi động viên em tham gia hoạt động phong trào. Sau đó, Chinh đoạt giải nhất hội thi duyên dáng, giải nhất hội thi văn nghệ do Đoàn trường tổ chức... Chinh còn đề xuất tôi trích quỹ lớp để đến thăm các em ở làng trẻ em SOS...”.
Kết thúc câu chuyện của mình, cô Hiền gửi gắm: “Muốn thực hiện tốt thiên chức của mình thì ngoài việc truyền thụ cho học sinh kiến thức, giáo viên chủ nhiệm phải có một năng lực sư phạm tốt, hãy chú ý rèn giũa thêm cho các em những kỹ năng cần thiết. Và trên hết, hãy đến với các em bằng sự sẻ chia, yêu thương chân thành”.
Những câu chuyện đúc kết từ thực tế dạy học sinh động được các thí sinh chia sẻ qua hội thi là những minh chứng sinh động cho triết lý giáo dục: Trong quá trình hiện thực hóa các chủ trương, bản thân mỗi giáo viên cần tự nghiên cứu, tìm cho mình những phương pháp giáo dục phù hợp nhất.
Trước hết, giáo viên chủ nhiệm luôn biết hy sinh, hết lòng tận tụy với học sinh. Qua trao đổi, hầu hết giáo viên dự thi đều thừa nhận: Để đáp ứng yêu cầu quản lý tốt lớp mình, ngoài việc đầu tư thời gian, đi sớm về muộn hơn so với những đồng nghiệp khác, mỗi giáo viên chủ nhiệm cần phải tìm hiểu kỹ điều kiện, hoàn cảnh của từng học sinh, hiểu rõ tâm lý đối tượng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và phải đối xử công bằng, vô tư với tất cả học sinh trong lớp. Có như thế mới tạo sự tin tưởng cho các em.
Điểm mấu chốt vô cùng quan trọng nữa là sự gần gũi, cảm thông, yêu thương học sinh chân thành; luôn để ý quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; sẵn sàng chia sẻ, động viên, giúp đỡ các em vượt qua khó khăn trong học tập, sinh hoạt bằng tấm lòng của người cha, người mẹ...
Theo Dương Thành
Người Lao Động