Không có đột phá thì đừng làm!

Giữa tháng 4, thời điểm đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 đã đến, thế nhưng ngành GD-ĐT đang đứng trước nhiều việc còn ngổn ngang: Trường công lập tự chủ về tài chính là gì, bao giờ chuyển, ở đâu, thi hay xét...

Theo phác thảo của ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, bản chất của trường công lập tự chủ về tài chính không khác gì so với trường bán công hiện nay.

 

Trong đợt khảo sát hoạt động các trường của Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TPHCM hồi giữa tháng 3/2006, nhận xét của một trưởng phòng giáo dục làm mọi người chú ý: Chuyển trường bán công sang trường công lập tự chủ về tài chính chỉ phù hợp ở bậc THPT, ở bậc THCS và mầm non sẽ không phù hợp.

 

Không ổn

 

Trưởng phòng giáo dục vừa nêu trên cho biết tình hình hoạt động hiện nay của các trường bán công đang rất khó khăn. Nếu thực hiện, trường công lập tự chủ về tài chính, lấy thu bù chi thì trường không biết phải hoạt động như thế nào.

 

Trường THCS Bán công Kiến Thiết là một trong 2 trường THCS bán công còn lại của quận 3. Trong nhiều năm qua, trường luôn trong tình trạng thu không đủ chi, mọi hoạt động của trường phải tiết kiệm ở mức độ không thể tiết kiệm hơn. Ông Lý Văn Ru, hiệu trưởng nhà trường cho biết, thực thu của nhà trường mỗi năm chỉ đạt khoảng 90% so với yêu cầu. Học phí 9 tháng nhưng trường phải trả lương 12 tháng cho 40 giáo viên biên chế và 9 tháng lương cho 40 giáo viên hợp đồng... Thu nhập của giáo viên ở đây thuộc loại thấp nhất so với giáo viên các trường công lập và giáo viên dân lập, tư thục khác.

 

Khó khăn của Trường THCS Bán công Kiến Thiết cũng là khó khăn chung của các trường bán công khác. Một trưởng phòng giáo dục cho biết, vốn phân cho các quận hiện nay tập trung cho các trường công lập là chủ yếu. Việc tự chủ về tài chính trong các trường công lập là không thể thực hiện được vì thu đã có trong quy định, trường lại phải chi theo định mức.

 

Thực hiện công lập hoàn toàn, tại sao không?

Theo ông Lý Văn Ru, song song với việc chuyển trường bán công sang công lập, Nhà nước cần điều chỉnh học phí công lập để cho phù hợp là sẽ giải quyết được bài toán các trường bán công.

Ông Lý Văn Ru cho biết, mức học phí công lập được quy định từ năm 1998 đến nay chưa có một sự điều chỉnh nào, trong khi đó lương giáo viên đã 3 lần được điều chỉnh. Tuy nhiên, sự điều chỉnh học phí này không phải áp dụng đại trà cho cả nước mà cho từng khu vực cụ thể. Khi đó, mọi học sinh công lập sẽ được bình đẳng với nhau.

Bình mới, rượu cũ?

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Công Minh nói: “Trường công lập tự chủ tài chính so với trường bán công có nhiều ưu việt”. Ông Minh nhấn mạnh đến ưu việt đầu tiên là học sinh và giáo viên sẽ không còn mặc cảm về 2 chữ “bán công”. Còn những ưu việt khác được ông Minh kể đến như hiệu trưởng được tự chủ một phần hay toàn phần tùy theo điều kiện của trường. Về vấn đề học phí của học sinh, ông Minh cho biết về cơ bản vẫn không cao hơn học phí bán công. Với những gì ông Minh cho biết thì trường công lập tự chủ về tài chính không khác gì trường bán công. Có khác chăng là cái mác trường công lập tự chủ sẽ thay cho 2 chữ bán công.

 

Bất bình đẳng giữa học sinh công lập

 

Tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT ngày 24/3, ông Nguyễn Thành Rum, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TPHCM, nhấn mạnh chuyển từ trường bán công sang trường công lập tự chủ về tài chính phải chú ý tạo ra bước đột phá, nếu sự chuyển đổi chỉ đơn thuần là vấn đề hình thức thì không nên làm.

 

Từ nay đến năm 2010, TPHCM sẽ xóa bỏ mô hình trường bán công, trong hệ thống giáo dục chỉ còn hệ trường công lập và ngoài công lập (dân lập và tư thục). Theo ông Minh, thực hiện chuyển đổi trường bán công sang trường công lập tự chủ về tài chính sẽ trả học sinh, giáo viên về với trường công lập. Ông Ru cho rằng, trả học sinh về với trường công lập nhưng lại phân biệt học sinh này đóng học phí 15.000 đồng/tháng, học sinh kia lại phải đóng 90.000 đồng (khối THCS) là một sự đối xử không bình đẳng. Đó là chưa nói đến việc tuyển sinh lớp 6 sẽ như thế nào...

 

Theo Huy Lân

Người Lao Động