“Không có chuẩn đầu ra cho cái tâm”
Vấn đề đặt ra tại hội thảo Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 27/12.
Bất cập
PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM nhấn mạnh, chính việc đào tạo giáo viên từ nhiều nguồn khác nhau như trường ĐH sư phạm, trường ĐH đa ngành có khoa sư phạm, CĐ, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho cử nhân ngoài sư phạm mà không cần thực tập… dẫn đến chất lượng giáo viên hiện tại không đồng đều. Hơn nữa việc tuyển sinh chỉ căn cứ các môn văn hóa, gọi nhập học không kiểm tra được ngoại hình, hạnh kiểm trong khi trường phổ thông chỉ lo “dạy chữ” ít quan tâm đến “dạy người”.
“Những cử nhân ngoài sư phạm chỉ học vài tháng bồi dưỡng nghiệp vụ một số môn như tâm lý, giáo dục học…được hướng dẫn dạy một số tiết, không có chương trình thực tập vẫn có thể “bình đẳng” nộp hồ sơ tại các cơ sở giáo dục phổ thông”- ông Oanh nói.
Ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu Biên, Trường ĐH Phạm Văn Đồng cho hay: “Hiện các trường sư phạm đang ‘bói” có người giỏi dự thi. Các trường sư phạm địa phương chỉ thu hút học sinh học tập trung bình, thậm chí yếu kém, thí sinh đạt 10 điểm là trúng tuyển (hệ CĐ) học làm cô, làm thầy… Hệ cử nhân sư phạm phải học những giáo trình cũ kĩ, lạc hậu…tình trạng này khiến lượng giáo viên ra trường không có chất lượng, dư thừa giáo viên. Chỉ riêng một tỉnh tuyển 100 GV nhưng có tới 3.000 hồ sơ đăng kí dự tuyển.”
Thầy Cao Văn Quang, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ, tôi là người được học sư phạm nhưng lại làm công tác xã hội. Lớp tôi học ra trường chỉ có 2 người làm giáo viên vì không phù hợp với phẩm chất của người làm sư phạm. Tại sao các trường không thay đổi cách tuyển dụng sinh viên vào trường sư phạm để hạn chế điều này?”
Theo thống kê của PGS Ngô Minh Oanh, hiện cả nước có 14 trường ĐH Sư phạm, 23 trường ĐH đa ngành có khoa sư phạm, 45 trường CĐ sư phạm, 4 trường CĐ có khoa sư phạm, và và 7 trường trung cấp sư phạm. Hằng năm có 22.500 đến 23.000 SV đại học chính quy, 24.500-26.000 sinh viên cao đẳng tốt nghiệp sư phạm và có khoảng 35.000 giáo viên thất nghiệp.
“Về cái tâm, thầy là mô hình mẫu cho học trò, cách hành xử của thầy ảnh hưởng đến hành vi nhân cách của trò, người thầy phải biết làm chủ bản thân, giữ được bình tĩnh, tự tại trong mỗi tương giao với học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh; biết kiên nhẫn và cố gắng hành động khi gặp trở ngại hoặc thất bại; Mở tâm trí và tìm tòi cái mới, say mê, trách nhiệm và cống hiến giáo dục…
Về năng lực sư phạm, người thầy nhận thức rõ sứ mạng dạy chữ và dạy người, biết quản lý, tổ chức lớp học, thiết kế hoạch định tổ chức bài giảng và giảng dạy. Không xem học trò như chiếc thùng rỗng để đổ kiến thức và thùng bằng những bài giảng độc thoại, nhồi nhét. Quan tâm theo dõi sự tiến triển nơi học trò và năng lực của trò, lắng nghe phản hồi của sinh viên.
Người thầy phải có năng lực chuyên môn, có kiến thức chuyên sâu và kiến thức nền tảng.
Trước thắc mắc, “có thể đào tạo được năng lực sư phạm, chuyên môn, nhưng đào tạo cái tâm như thế nào để trở thành người thầy toàn diện?
TS Vũ Quang Tuyên cho rằng “ không có chuẩn đầu ra cho cái tâm, cái tâm được đo thông qua năng lực và hoạt động, đó là một bộ chuẩn giá trị- chuẩn đầu ra cho ngành sư phạm.