Đề án phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 của Đà Nẵng:

Không có chính sách đặc thù cho hệ đào tạo TCCN, khó đạt mục tiêu

(Dân trí) - “Thành phố Đà Nẵng cần có chính sách đặc thù về tuyển sinh, tuyển dụng, tìm kiếm thị trường lao động đối với hệ đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thì mới có thể đạt được mục tiêu của Đề án phát triển nguồn nhân lực của thành phố tới năm 2020”.

Trên đây là ý kiến tham luận của ông Nguyễn Minh Hùng - phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, đại diện Sở tại Hội nghị “công bố và triển khai quy hoạch phát triển nhân lực TP Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020”. Hội nghị do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng nay 19/12.

Đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng phát biểu tham luận của Sở tại hội nghị.
Đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng phát biểu tham luận của Sở tại hội nghị.

Theo mục tiêu của Đề án, tới năm 2020, Đà Nẵng cần có 70% lao động (trong tổng số lao động cần dự báo tới 2020 là hơn 900 nghìn người) qua đào tạo. Trong số lao động qua đào tạo, có 21% lao động có trình độ ĐH-CĐ, 2% có trình độ Thạc sĩ, 16% có trình độ Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và 33% công nhân kỹ thuật (CNKT) (có nghề).

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Đà Nẵng nói riêng, và rộng hơn là khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Đề án của Đà Nẵng đặt mục tiêu tới năm 2020, sẽ đào tạo mới thêm 8.000 thạc sĩ và tiến sĩ (trong này có 1.000 người làm công tác giảng dạy ở các cơ sở đào tạo; 2.000 người làm việc cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở Đà Nẵng, 5.000 người cho khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, các địa phương khác trong nước và xuất khẩu lao động qua đào tạo); đào tạo mới 200 thạc sĩ, tiến sĩ làm việc trong khu vực công của TP.

Theo đó, sẽ hình thành các nhóm chuyên gia đầu ngành có trình độ cao, tư vấn hoạch định, triển khai thực hiện được các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án phát triển trong tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Với mục tiêu 70% lao động qua đào tạo, mà gần phân nửa trong đó cần có trình độ TCCN và CNKT, ông Nguyễn Minh Hùng cho biết trong nhiều năm qua, các trường TCCN trên địa bàn đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay của các trường này là hằng năm không tuyển đủ chỉ tiêu. Đây là vấn đề khó khăn để đạt được mục tiêu Đề án của TP.

Đại diện Sở GD-ĐT kiến nghị TP cần có chính sách đặc thù về tuyển sinh, tuyển dụng, tìm kiếm thị trường lao động đối với hệ đào tạo TCCN và dạy nghề thì mới có thể đạt được mục tiêu của Đề án.

Tham gia vào Đề án với vai trò đào tạo nguồn nhân lực có trình độ từ CĐ-ĐH đến Tiến sĩ, PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đại diện ĐH vùng này nói chắc: “Với quy mô đào tạo hiện nay, cùng định hướng phát triển trong thời gian tới, ĐH Đà Nẵng đủ sức góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của TP”.

Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng nói chắc đủ sức góp phần đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng nói chắc đủ sức góp phần đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.

Theo đề xuất của ĐH Đà Nẵng, để Đề án được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác thống kê, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực. Trong dự báo, phải chỉ ra nhu cầu về số lượng, trình độ lao động của từng ngành cụ thể, một cách có khoa học; chứ đừng như đa số dự báo hiện nay hay thiên về cảm tính, không xác thực và chưa phản ánh đúng thực tế.

Thêm nữa, cần xác định rõ tiêu chuẩn đào tạo. Ở nước ta hiện nay có rất nhiều đơn vị đào tạo ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng chưa theo một tiêu chuẩn nào cả. Điều này dẫn đến tính trạng “trắng đen lẫn lộn” và bằng cấp không được công nhận, nhất là trong thời hội nhập quốc tế.

Phía Sở lao động - Thương binh - Xã hội TP Đà Nẵng cũng góp ý đề nghị TP quan tâm hơn việc đầu tư và các chính sách phát triển dạy nghề; tăng cường kiểm tra và kiểm soát chất lượng cơ sở dạy nghề, kiểm định kỹ năng nghề để đánh giá cho đúng chất lượng đào tạo.

Sở cũng có đề nghị đối với doanh nghiệp và các hiệp hội, cần tăng cường hợp tác thông tin nhu cầu đào tạo, để kết nối hiệu quả giữa Nhà nước, nhà đào tạo và nhà sử dụng lao động, đảm bảo cân đối cung- cầu lao động. Doanh nghiệp cũng nên có thiện chí về sử dụng lao động, xem trách nhiệm đào tạo và cung cấp lao động cho đơn vị mình là của mình chứ không phải phó thác cho xã hội và nhà đào tạo. Đồng thời, có cơ chế tiền lương, đãi ngộ phù hợp, hấp dẫn để thu hút được những người tài giỏi thực sự, đừng để “chảy máu chất xám”.

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm