Không chấp nhận sức ì kìm hãm giáo dục

GS Hoàng Tụy nhấn mạnh trong một thế giới thay đổi cực nhanh, không thể chấp nhận sức ì kìm hãm sự phát triển của giáo dục. Năm 2008 là thời điểm giáo dục VN cần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có.

Dưới đây là những chia sẻ của GS Hoàng Tụy về những băn khoăn của ngành giáo dục nhân dịp năm mới 2008.

 

Cần phân biệt trường tư "vị lợi" hay "vô vị lợi"

 

Năm 2007 đánh dấu một số chuyển biến tích cực đáng trân trọng của ngành giáo dục qua các cuộc vận động hai không, bốn không. Tuy nhiên, những tiến bộ còn ít và mới ở vòng ngoài, có tính chất bề nổi, chưa thật sự động đến cốt lõi cơ bản.

 

Điều người dân mong đợi là các vấn đề cơ bản dù chưa kịp động đến nhưng phải thấy hướng ra, phải thấy triển vọng sáng sủa để tin tưởng. Mong sao năm 2008, Bộ GD-ĐT sẽ chú ý điều đó. Sau đây chỉ xin nêu một số vấn đề cấp bách nhất.

 

Đầu tiên là chuyện học phí. Cần hết sức cẩn trọng vì đây là việc thể hiện quốc sách giáo dục mà chúng ta thường nêu cao. Xin nhắc lại rằng người dân hiện đã đóng góp 40% chi phí giáo dục (chứ không phải 25% như thống kê của Bộ GD-ĐT) và hiện còn tới hàng triệu người thu nhập mỗi tháng dưới 200.000 đồng. Nguyên tắc công bằng xã hội đòi hỏi trường công lập không thể dùng tiền đóng thuế của dân để ưu tiên phục vụ nhóm người có thu nhập cao.

 

Rộng hơn là vấn đề xã hội hóa giáo dục và trường tư thục. Trong khi khả năng ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, để đáp ứng nhu cầu của xã hội rất cần khuyến khích và giúp đỡ mở nhiều trường tư thục, nhưng chủ yếu là trường tư thục vô vị lợi như ở các nước phát triển (lợi nhuận không chia cho người góp vốn, mà chỉ để phát triển trường, còn vốn góp của tư nhân là vốn cho hẳn hoặc cho vay với một lãi suất nhất định).

 

Còn trường tư thục vị lợi thì phải được đối xử như các doanh nghiệp tư nhân khác. Đồng thời phải có biện pháp kiểm tra, quản lý chất lượng, để bảo vệ lợi ích người học.

 

Đối với đại học công lập cần tích cực cải cách quản lý theo hướng mở rộng tự chủ về mọi mặt, kể cả về tài chính, nhưng trong nhiều năm trước mắt chưa nên cổ phần hóa.

 

Việc kết hợp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH làm một tuy bớt được một kỳ thi nhưng không hợp lý. Nên theo gương nhiều nước, bỏ thi tốt nghiệp THPT mà thay vào đó thực hiện nghiêm túc thi học kỳ trong từng năm ở THPT và kiểm tra thường xuyên để tránh nạn ngồi nhầm lớp. Hết lớp 12, HS nào đạt yêu cầu thì được công nhận tốt nghiệp, không phải thi.

 

Còn để tuyển sinh ĐH, chỉ nên có một kỳ thi sơ tuyển nhẹ nhàng kiểu SAT ở Mỹ, sau đó từng đại học tổ chức xét tuyển theo yêu cầu của mình, dựa trên kết quả kỳ thi này và học bạ THPT. Làm như vậy vừa đỡ tốn kém vừa có hiệu quả hơn.

 

Một vấn đề lớn khác là chương trình THPT phân ban có nhiều bất hợp lý. Nên bỏ cách chia ban cứng nhắc, tiến tới tổ chức chương trình THPT giống như ở nhiều nước tiên tiến, vừa chú ý sở thích, xu hướng của học sinh, vừa mềm dẻo cho phép họ điều chỉnh sự lựa chọn. Phân ban THPT theo kiểu cứng nhắc là cách làm lạc hậu, vừa nặng nề đối với số đông, vừa không tạo điều kiện cho nhóm có năng khiếu rút ngắn thời gian học tập.

 

Vượt qua sức ì kìm hãm giáo dục

 

Về ĐH, thiếu sót lớn nhất của chúng ta từ hàng chục năm nay là chưa nhận thức rõ vai trò người thầy trong việc nâng cao chất lượng ĐH và sự cần thiết phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế khi xây dựng đội ngũ giáo viên.

 

Hiệu trưởng một đại học lớn mà còn quan niệm luận án tiến sĩ không cần chứa đựng gì mới về khoa học “vì mọi cái mới đều do nước ngoài làm hết cả rồi”, thì việc hàng trăm, hàng nghìn tiến sĩ của ta chỉ là tiến sĩ giấy là điều rất dễ hiểu. Ngay ở Hội đồng chức danh GS Nhà nước còn tranh cãi thế nào là một bài báo khoa học thì có lạ gì khi hàng nghìn GS, PGS của ta thua xa chuẩn mực quốc tế.

 

Điều trớ trêu là trong khi đó người ta vẫn cố tình gạt ra không ít người trẻ có tài. Như trong đợt xét GS, PGS mới rồi, riêng về toán học có một giảng viên ĐH trẻ, năm nay 36 tuổi, bảo vệ tiến sĩ ở Pháp năm 2000. Đến nay, thầy giáo này đã có 10 năm giảng dạy ĐH trong nước và trong 8 năm qua đã có 15 công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, được chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. Nếu theo chuẩn mực quốc tế thì hoàn toàn xứng đáng là PGS giỏi, nhưng ở ta đã bị rớt khi đưa lên Hội đồng chức danh GS Nhà nước, vì không đạt tiêu chuẩn PGS Hội đồng đã đề ra.

 

Thật đáng hổ thẹn cho nền đại học của ta! Không đánh giá nổi thế nào là một PGS thì làm sao chỉ trong mấy năm tới sẽ xây dựng được một ĐH đẳng cấp quốc tế?

 

Với cách tuyển chọn GS, PGS vô trách nhiệm như vậy, tiến sĩ trẻ giỏi cứ tiếp tục bị cản đường, thì đào tạo thêm 20.000 tiến sĩ nữa có ích gì ? Đây là một sự lãng phí lớn, chưa kể nó đi ngược hẳn lại quyền lợi đất nước và tiếp tục làm thối chí mọi trí thức tài năng ở nước ngoài đang ngóng trông  về nước phục vụ.

 

Đương nhiên ĐH của ta tụt hậu, xuống cấp là do nhiều nguyên nhân, song một nguyên nhân cơ bản chính là sai lầm trong chính sách đối với người thầy, và trong chính sách này thì trước hết là sai lầm trong việc tuyển chọn GS, PGS ngày càng kéo tụt chất lượng và hướng đại học của ta đi chệch khá xa con đường chung của thế giới. Trong lúc yêu cầu nhân lực rất gắt gao, mà hệ thống đào tạo nhân lực bất cập ngay từ khâu tuyển chọn giáo viên, thì hậu quả tai hại thật khó lường.

 

Cuối cùng, vấn đề sử dụng tài chính trong giáo dục là chuyện rất khó nói, nhưng cần nói, vì nó là gốc của mọi sự trì trệ, mọi sự lãng phí, mọi sự bảo thủ trong ngành. Chừng nào còn duy trì tình trạng chỉ một phần nhỏ thu nhập của các quan chức giáo dục là do lương cơ bản, còn phần chính do phong bì, phụ cấp đủ loại, thiếu minh bạch, thì sẽ không thể có một nền giáo dục lành mạnh.

 

20 năm qua ngành giáo dục VN đã trì trệ vì một sức ì bảo thủ kỳ lạ: Mất 8 năm trời mới bỏ được việc thi theo bộ đề; sau 10 năm mới bỏ được hai kỳ thi (tiểu học và THCS), cũng một thời gian như thế mới chịu sửa đổi quy chế đào tạo TS, mới bắt đầu xét lại việc phân ban ở THPT, cải tổ công tác chức danh GS, PGS, và tuy cải tổ mới nửa vời nhưng cũng lùi thời hạn thực hiện để chờ các vị đương trách nghỉ hưu.

 

Trong một thế giới đổi thay cực nhanh, đã đến lúc không thể chấp nhận để sức ì bảo thủ đó tiếp tục kìm hãm ngành giáo dục, từ đó kìm hãm sự phát triển của đất nước.

 

Theo Lan Hương
Vietnamnet