Chỗ ở cho sinh viên:

Không “an cư”, làm sao “lạc nghiệp”?

Sinh viên - đội ngũ nhân lực chất lượng cao của đất nước trong tương lai, phần lớn đang phải ở nhà trọ tư nhân với nhiều điều kiện sinh hoạt không bảo đảm. Việc này phát sinh khá nhiều vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa của SV...

Ký túc xá: Chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu

Theo Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 325 trường ĐH, học viện, CĐ với khoảng 1,5 triệu sinh viên (SV). Phần lớn SV có nguyện vọng được ở kí túc xá (KTX) nhưng trên thực tế, các trường mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu, thậm chí nhiều trường còn không có KTX. Trong khi đó, tổng số SV mỗi năm tăng khoảng 10% nhưng số lượng được ở KTX lại tiến với tốc độ “rùa”.

Bên cạnh một số trường có cách quản lý tốt SV nội trú, vẫn còn không ít nơi thiếu quan tâm sâu sát. Hầu hết KTX đều đã quá cũ và chật chội so với yêu cầu. Chuyện một phòng rộng chưa đầy 20m2 nhưng có tới 14 người ở không quá hiếm nên chỉ đủ kê giường. Khuôn viên, vườn hoa, sân chơi trong KTX thì ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho sân tennis hoặc kinh doanh dịch vụ. SV hiện rất thiếu địa điểm để tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể. Do quá chật chội nên KTX thường ồn ào, không có chỗ học tập công cộng, ảnh hưởng nhiều đến môi trường học tập của SV.

Khảo sát gần đây tại một số trường ĐH khu vực Hà Nội cho thấy hầu hết đều thiếu KTX. ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị có nhiều suất KTX nhất nhưng cũng chỉ đủ bảo đảm cho 22% SV. Tiếp đó là ĐH Bách khoa (17%), ĐH Xây dựng (12%), ĐH Kiến trúc (8,27%), ĐH Luật (6,12%), HV Hành chính quốc gia (4%)... Nhóm trường dân lập hiện chỉ có trường Phương Đông lo KTX được cho khoảng 6% SV, số còn lại như trường Đông Đô, FPT, Thăng Long, Kinh doanh và Công nghệ, Đại Nam, Bắc Hà thì số SV được ở KTX là bằng không.

Vấn đề bảo vệ trật tự an ninh ở KTX cũng chưa được coi trọng. Có KTX nam, SV năm trước bắt nạt SV mới bằng những “luật riêng”. Nạn bạo lực xảy ra ngay trong phòng ở nhưng Ban quản lý KTX không hay biết trong khi SV không dám tố giác do sợ liên lụy. Cũng không hiếm gặp những “cậu cử” khi mới vào trường chưa biết rượu chè, lô đề, thuốc lá nhưng sau vài năm ở trọ đã thông tường “đủ bộ”. Cái được lớn nhất khi vào ở KTX là phải đóng tiền ít hơn nhiều so với thuê trọ ở ngoài.

Nhà trọ không đạt tiêu chuẩn

Thiếu KTX khiến phần lớn SV phải thuê nhà trọ không đạt tiêu chuẩn, đồng nghĩa với việc họ ít được tiếp cận với đời sống văn hóa tinh thần. Tình trạng SV “sống thử”, cờ bạc, rượu chè... dễ dàng bắt gặp ở bất kì một xóm trọ nào. SV ở các nhà trọ, KTX do dân tự xây lại càng chịu nhiều cực hình như điều kiện sinh hoạt tối thiểu không bảo đảm, thiếu ánh sáng, không vệ sinh. Thời buổi tăng giá, giá phòng trọ vẫn là nỗi lo lớn nhất với SV.

“Trước kia, một phòng 8m2 kê được chiếc giường nhỏ, bàn học, vài thứ linh tinh, không có chỗ đi lại có giá 350.000 đồng chưa kể điện nước thì nay tăng lên 500.000 đồng. Tính trung bình, giá thuê trọ sau Tết tăng khoảng 20-30%. Nhiều SV khắc phục bằng cách ở nhiều người để đỡ kinh phí. Nếu không thương lượng giá được với chủ đành đi chỗ khác” - Đỗ Hữu Khuê, SV ĐH KHXH&NV tâm sự.

Đã thế, SV hay bị mất trộm, dân nghiện vào phá quấy, gây đánh cãi chửi nhau. Hầu như SV khó có thể ở ổn định một chỗ trong suốt thời gian học. Việc tìm nhà trọ, chuyển nơi ở liên tục là câu chuyện thường ngày của họ. Trong khi đó, những cái gọi là “làng SV” do một số doanh nghiệp lập ra thực chất không phù hợp với phần đông SV vì giá thuê đắt đỏ cũng như không có được môi trường sống thích hợp để các em học tập.

Từ chỗ thiếu chỗ ở và môi trường học tập tốt, đời sống văn hóa của SV rõ ràng ảnh hưởng rất nhiều. Ai cũng thấy rằng vấn đề này nếu không được quan tâm đúng mực, bỏ lỏng như thời gian qua sẽ có nhiều hệ lụy (mà thực tế thì đã xuất hiện). Nhưng bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào là câu hỏi dài mà bản thân các trường không dễ trả lời. Hàng vạn SV đang gồng mình với cảnh thuê trọ trong khi nhiều năm trời hiếm có một KTX lớn nào được xây bổ sung, trái ngược với các dự án cao ốc, khách sạn mọc lên như nấm.

Một cuộc khảo sát của Vụ Văn hóa (Ban Tuyên giáo Trung ương) trong năm 2006 cho thấy, hầu hết SV được hỏi (78,5%) đều cho biết họ không có điều kiện đến rạp chiếu phim do giá vé cao, nơi ở cách xa các trung tâm văn hóa... 35,4% SV cho rằng các hoạt động liên quan đến đời sống văn hóa do trường tổ chức chưa đáp ứng đúng nhu cầu. Ở một số trường dân lập, do thiếu cơ sở vật chất nên các sinh hoạt tập thể, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho SV ít được quan tâm, nhiều hoạt động đã bị “bỏ qua”. Việc tổ chức các hoạt động chủ yếu vẫn theo tính chất “góp mặt với phong trào” nhân các kì cuộc là chính, bởi thế chưa thành nếp thường xuyên dành cho SV. Chắc hẳn sẽ chẳng ai có thể vui với thực trạng này.

Đời sống của một bộ phận không nhỏ SV đang là thế và nếu không được quan tâm đúng mức e rằng đến một lúc nào đó, câu chuyện sẽ không chỉ là như ngày hôm nay nữa!

Theo Trà My
Hà Nội mới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm