Bạc Liêu:

Khởi sắc phong trào xã hội hóa giáo dục, nuôi heo đất tiết kiệm

(Dân trí) - Phong trào xã hội hóa giáo dục, nuôi heo đất tiết kiệm trong năm 2015 được Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu chú trọng và đã đạt nhiều kết quả tốt. Năm 2016, Tỉnh Hội tiếp tục đẩy mạnh các phong trào này để góp phần vào phát triển công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập địa phương.

Ngày 30/12, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khuyến học năm 2015 và triển khai chương trình công tác năm 2016. Ông Vương Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tham dự và chỉ đạo tại hội nghị.

Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khuyến học năm 2015.
Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khuyến học năm 2015.

Phát triển mới trên 34.000 hội viên

Theo báo cáo của Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, năm 2015, Hội Khuyến học tỉnh đã phát triển được 34.244 hội viên, nâng tổng số hội viên trong toàn tỉnh là 171.931 hội viên, đạt tỷ lệ 19,51% so với dân số trong toàn tỉnh và tăng 3,98% so với năm 2014.

Việc xây dựng, củng cố các Chi hội ở ấp, khóm, trường học, cơ quan, đơn vị, cơ sở luôn được quan tâm. Trong năm qua, các cấp Hội đã phát triển mới 50 Chi hội cơ quan, trường học, nâng tổng số Chi hội cơ quan, trường học trong toàn tỉnh là 1.752 Chi hội.

Số Gia đình học tập được xét công nhận trong năm 2015 là 17.921 gia đình, nâng tổng số Gia đình học tập hiện có là 33.758 gia đình (đạt tỷ lệ 17,16% so với số hộ trong toàn tỉnh, tăng 9,16% so với năm 2014); Số Dòng họ học tập đã xét công nhận là 218 dòng họ, nâng tổng số Dòng họ học tập trong tỉnh là 674 dòng họ; Cộng đồng học tập trong tỉnh hiện có là 34 đơn vị. Bên cạnh đó, Hội Khuyến học huyện Vĩnh Lợi còn phối hợp Phòng GD-ĐT phát động đăng ký xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” trong trường học, hiện có 29 đơn vị được công nhận.

Trong năm qua, các Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động khá tích cực khi có 992 lớp học được mở với trên 65.800 lượt người tham dự. Các lớp học đã tập trung phổ biến, tuyên truyền thông qua nhiều lĩnh vực như chuyển giao khoa học công nghệ, chăn nuôi, trồng trọt, dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất; mở các lớp học bổ túc văn hóa,  xóa mù chữ cho nhiều người dân trong tỉnh…

Năm qua, Hội Khuyến học tỉnh cũng đã liên kết, phối hợp với ngành giáo dục vận động các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân tham gia ủng hộ tiền và vật chất để cấp phát hàng ngàn suất học bổng và dụng cụ học tập cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn thêm điều kiện tiếp bước đến trường.

“Bội thu” xã hội hóa giáo dục

Nổi bật nhất trong công tác khuyến học, khuyến tài của Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu trong năm 2015 có thể nói là công tác vận động Quỹ Khuyến học và xã hội hóa giáo dục. Qua thống kê của Hội Khuyến học tỉnh cho thấy, các cấp Hội đã vận động Quỹ Khuyến học và xã hội hóa giáo dục được trên 70,763 tỷ đồng. Trong đó, vận động Quỹ Khuyến học là trên 9,182 tỷ đồng và xã hội hóa giáo dục trên 49 tỷ đồng.

Điển hình như các tổ chức, doanh nghiệp đã hỗ trợ TP.Bạc Liêu đầu tư, mở rộng xây dựng một trường mầm non trên 4,5 tỷ đồng; huyện Vĩnh Lợi xây dựng một trường tiểu học 5 tỷ đồng; huyện Phước Long đầu tư xây dựng 16 phòng học và các phòng chức năng tại một trường tiểu học trị giá 10 tỷ đồng; thị xã Giá Rai đầu tư xây dựng một trường tiểu học 5 tỷ đồng; huyện Hồng Dân hiến đất xây dựng trường học trên 10.400m2 với giá trị tiền trê 2,4 tỷ đồng…

Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm qua cũng là năm mà mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học” đạt được kết quả rất khả quan. Toàn tỉnh đã tổ chức khui trên 37.000 con heo đất với tổng số tiền trên 12,566 tỷ đồng. “Bước đầu cho thấy phong trào nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học đã từng bước phát triển và nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực trong nhân dân, nhất là trong trường học, Hội cha mẹ học sinh, Hội liên hiệp phụ nữ và các cơ quan, đoàn thể các cấp”, Phó Chủ tịch Hội KHuyến học tỉnh Bạc Liêu đánh giá.

Trong năm 2015, các cấp Hội trong tỉnh đã trao tặng 11.123 suất học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 5,337 tỷ đồng (bình quân mỗi suất gần 500.000 đồng). Việc trao tặng các suất học bổng đã tạo động lực thúc đẩy các em học sinh nghèo nỗ lực học tập tốt hơn. Và cua các suất học bổng này, các em cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm của địa phương và cộng đồng đối với việc học của các em.

Khui heo đất tiết kiệm khuyến học tại huyện Phước Long (Ảnh: HKHBL)
Khui heo đất tiết kiệm khuyến học tại huyện Phước Long (Ảnh: HKHBL)

Đẩy mạnh phong trào nuôi heo đất khuyến học

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Quế Phượng - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, nhìn chung hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập năm 2015 có bước phát triển mới. Vai trò tham mưu của Hội Khuyến học các cấp với cấp ủy, chính quyền từng bước được nâng lên. Cấp ủy, chính quyền đã có nhiều công văn lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Khuyến học, từ đó giúp cho hoạt động khuyến học ở địa phương ngày càng khởi sắc.

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học các cấp nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của tỉnh, từng bước khẳng định được vai trò, uy tín và vị trí trong xã hội, góp phần làm cho công tác vận động Quỹ Khuyến học và xã hội hóa giáo dục có những chuyển biến tích cực, tạo được lòng tin trong các tầng lớp nhân dân. “Sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa Hội Khuyến học các cấp với chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ hoạt động khuyến học và phong trào khuyến học phát triển toàn diện”, bà Nguyễn Thị Quế Phượng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận, vấn đề còn vướng mắc trong công tác khuyến học hiện nay là phần lớn cấp Hội cơ sở chưa có cán bộ chuyên trách khuyến học. Nơi bố trí được cán bộ chuyên trách thì vẫn chưa có chế độ thù lao, kinh phí hoạt động, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Hội. Việc ra quyết định công nhận cấp Hội Khuyến học xã là hội mang tính đặc thì một số nơi thực hiện còn chậm, từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ, chính sách, kinh phí hoạt động cũng như các chế độ khác của cán bộ làm công tác khuyến học ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.

Với công tác khuyến học trong năm 2016, lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho biết sẽ quan tâm phát triển tổ chức Hội ở cơ sở, nhất là các Chi hội ở ấp, khóm, cơ quan, trường học. Tăng cường phát triển hội viên theo hướng mỗi hộ gia đình đều có người là hội viên khuyến học. Tích cực nhân rộng các mô hình học tập tiêu biểu, gương sáng hiếu học, mở rộng phong trào xây dựng Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, cơ quan, đơn vị học tập đến tận khóm, ấp, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, tổ dân phố, nhà chùa, họ đạo,…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội là tăng cường vận động và phát triển Quỹ Khuyến học của tỉnh và các địa phương; tranh thủ sự hỗ trợ và tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đi đôi với việc vận động và phát triển là coi trọng công tác quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng, đúng mục đích, đúng pháp luật, quy chế, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, tiêu cực trong việc sử dụng Quỹ Khuyến học.

Ông Vương Phương Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- đề nghị các cấp Hội Khuyến học cần nhân rộng mô hình Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học trên toàn tỉnh.
Ông Vương Phương Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- đề nghị các cấp Hội Khuyến học cần nhân rộng mô hình "Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học" trên toàn tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Vương Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các cấp Hội trong phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trong năm 2015.

Ông Vương Phương Nam đánh giá cao mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học” mà các cấp Hội đang triển khai. Ông Nam nói: “Năm qua, nuôi heo đất với số tiền trên 12 tỷ đồng, đây là con số không nhỏ, đã góp phần rất lớn vào phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh”. Ông Nam đề nghị các cấp Hội cần khuyến khích nhân rộng mô hình này, đặc biệt là trong các trường học trên địa bàn. Các Sở ngành cần có sự phối hợp, chủ trì là Sở GD-ĐT chỉ đạo ủng hộ phong trào này trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng đề ghị các cấp ủy, chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm, hỗ trợ các điều kiện cho các cấp Hội họat động nhằm đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập phát triển.

Về chế độ cho các cán bộ Hội Khuyến học ở cơ sở, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết sẽ ghi nhận, trao đổi với các cơ quan liên quan xem xét để có hướng tháo gỡ, giải quyết tạo điều kiện tốt nhất cho các cán bộ này an tâm hoạt động khuyến học.

Ông Nguyễn Kiên Nhẫn- Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu (giữa) trao Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho đại diện các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập năm 2015.
Ông Nguyễn Kiên Nhẫn- Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu (giữa) trao Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho đại diện các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập năm 2015.

Nhân hội nghị tổng kết, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 8 cá nhân; UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen cho 11 tập thể, 15 cá nhân; Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tặng Giấy khen cho 23 tập thể, 22 cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trong năm 2015.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm