Khoảng 20% trẻ học đường bị rối loạn lo âu vì áp lực học tập

(Dân trí) - Theo con số do PGS. TS Trần Thành Nam (Trường ĐHKH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cung cấp, tỉ lệ trẻ tuổi học đường bị rối loạn lo âu hiện khoảng 20% và đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân do áp lực học tập hoặc cha mẹ kì vọng quá nhiều.

Lo âu vì áp lực học tập

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và xóa bỏ những định kiến, những kỳ thị của xã hội về rối loạn tâm thần, tối 19/01/2018, Trường ĐHKH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức tọa đàm “Trầm cảm - chuyện không của riêng ai”.

Buổi trò chuyện có sự tham gia của nhiều chuyên gia, bác sĩ tâm lý cùng hàng trăm sinh viên đến từ các trường đại học tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, trầm cảm ảnh hưởng tất cả mọi người từ mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp và địa vị trong xã hội nhưng không mấy ai nhận thấy hoặc biết cách vượt qua.

Trầm cảm gây ra những cản trở rất lớn trong cuộc sống, cho chính bản thân họ và cả với những người xung quanh. Số người mắc bệnh trầm cảm ngày càng có dấu hiệu tăng nhanh, tăng cao, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ em và vị thành niên.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Việt, Nguyên Trưởng Bộ môn Tâm thần - ĐH Y Hà Nội, trong gần 300 bệnh lý về sức khỏe tâm thần, trầm cảm là bệnh lý phổ biến nhất.

Hàng năm ở Việt Nam, có tới hơn 3 triệu trẻ em cần trị liệu tâm lý vì đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

tram cam2.JPG

Các chuyên gia tại tọa đàm

 

Tại tọa đàm, một số chuyên gia cho rằng, đối với trẻ em, áp lực học tập và kì vọng của bố mẹ là một trong những gánh nặng đè lên vai con cái, khiến chúng bị lo âu. Bố mẹ vô tình tạo áp lực khiến trẻ bị trầm cảm.

Chia sẻ với PV Dân trí, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa các Khoa học Giáo dục (Trường ĐHKH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) cho hay, tỉ lệ trẻ tuổi học đường bị rối loạn lo âu được các nghiên cứu chỉ ra khoảng 20% và con số này đang có chiều hướng gia tăng.

Lo âu lứa tuổi học đường đến từ nhiều phía như: quan hệ bạn bè, thầy cô, áp lực học tập, nhu cầu đạt được thành tích, sự tự đánh giá, áp lực đánh giá từ người khác và nhu cầu thể hiện bản thân…

Nghiên cứu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Lạng Sơn, tỉ lệ trẻ rối loạn lo âu vì các lý do trên đây ở mức cao (gần 20%). Đặc biệt ở Hà Nội, nghiên cứu lý do lo âu ở học đường đối với học sinh lớp 1, có gần 27% trẻ em độ tuổi này bị rối loạn vì kiểm tra bài cũ, bài kiểm tra trên bảng, làm bài tập về nhà…

Một nghiên cứu khác với học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu (Bình Thuận) cho thấy, có khoảng 38% học sinh lo âu, áp lực vì điểm số học tập.

Đối với học sinh lớp 9 trong giai đoạn thi chuyển cấp, nghiên cứu khác chỉ ra, số học sinh có rối loạn lo âu chiếm tới 33,6% và tỉ lệ học sinh có nguy cơ cao rối loạn lo âu lên tới 47,8%.

cang-thang-15438030058511485877670.jpg

Khoảng 20% trẻ học đường bị rối loạn lo âu và con số này có dấu hiệu gia tăng. (Ảnh minh họa)

 

Những dấu hiệu không nên bỏ qua

 Tại tọa đàm, các chuyên gia chỉ ra, Việt Nam có gần 13% trẻ ở độ tuổi đi học có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tuy nhiên, những dấu hiệu trẻ bị trầm cảm vẫn chưa được phát hiện sớm để kịp thời can thiệp.

Theo MC Phan Anh, nhà anh có 3 đứa con nhưng mỗi con một tính. Với đứa trẻ mong manh và yếu đuối, gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của trẻ.

Ông bố này cho hay, nhiều lần mình trót chê nhưng không biết vô tình đã tạo áp lực lớn cho con. Và cảm giác con như thu mình lại. "Chính những dấu hiệu nhỏ này hàng ngày nhưng chúng ta không quan tâm và chăm lo, cứ để nặng hơn, một ngày nào đó, sẽ là nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm", MC Phan Anh chia sẻ.

PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm thông tin hướng nghiệp và nghiên cứu ứng dụng tâm lý, ĐH Giáo dục cho biết, nhiều học sinh tự nhiên không có hứng thú học, không thích học, học sa sút, nhiều khi không phải do các em lười mà có thể đang gặp vấn đề gì đó về tâm lý.

tram-cam-15184068695991640858012.jpg

Học sinh tự nhiên không có hứng thú học, đôi khi không phải là do các em lười mà có thể đang gặp vấn đề gì đó về tâm lý.

 

Theo chuyên gia này, việc trẻ bị trầm cảm có thể là một phần do tâm lý bất ổn, do môi trường sống, do hoàn cảnh sống hoặc do rất nhiều lý do tác động lên các em. Việc các em bị trầm cảm có thể gây ra những hệ lụy rất lớn nhưng nhận thức của cộng đồng và nhà trường chưa cao dẫn đến nhiều học sinh trầm cảm chưa được phát hiện sớm.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng chỉ ra, từ kết quả nghiên cứu trên đây và với kết luận của các nghiên cứu đi trước về tỉ lệ rối loạn lo âu học đường, có thể khẳng định: Lo âu học đường là phổ biến và chúng ta chưa quan tâm đúng mức về vấn đề này.

Chuyên gia này đề xuất, nên có chính sách truyền thông để thay đổi nhận thức hành vi của những đối tượng có mối quan hệ thường xuyên với học sinh gồm thầy cô, cha mẹ và bạn bè đồng trang lứa về những vấn đề các em hay lo lắng, những dấu hiệu của rối loạn lo âu, hệ lụy của lo âu học đường và những biện pháp ứng phó hiệu quả với nó.

Đồng thời, cần thiết phải có cán bộ tâm lý học đường làm việc tại trường học để hỗ trợ giáo viên nắm bắt kịp thời tâm lý học sinh cũng như phối hợp với gia đình và các cơ quan tổ chức xã hội đánh giá phát hiện và can thiệp kịp thời những trường hợp rối loạn lo âu.

Mỹ Hà