Khó với tới trường tiên tiến!
Việc xây dựng trường tiên tiến tại TPHCM gặp nhiều khó khăn, có quận chấp nhận chậm một năm mới trình kế hoạch vì mọi điều kiện hiện có khó đạt theo chuẩn... tiên tiến.
Theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM ngày 20-6-2014, UBND TP HCM đã có Quyết định số 3036 về tiêu chí trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TP HCM. Theo quyết định này, đối tượng áp dụng là các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp, CĐ công lập thuộc TP quản lý; mỗi quận, huyện tùy theo điều kiện cụ thể sẽ có 1 đến 2 trường tiên tiến.
Sẽ có ít nhất 24 trường tiên tiến
Theo Quyết định 3036, mục đích của trường tiên tiến là đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của xã hội; tiếp cận được với giáo dục ở các nước trong khu vực và quốc tế nhưng vẫn bảo đảm mang đậm bản sắc dân tộc. Các trường này sẽ tham gia đào tạo đội ngũ học sinh năng động, có năng lực sáng tạo, thực hành, ngoại ngữ và tin học đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Mỗi trường tiên tiến ở từng cấp học, từ mầm non trở đi sẽ có những tiêu chí riêng từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Chẳng hạn ở bậc mầm non: 100% giáo viên tốt nghiệp CĐ sư phạm mầm non trở lên, có y sĩ hoặc bác sĩ. Có thể hợp đồng với nhà tư vấn về tâm lý giáo dục trẻ em. Ở bậc tiểu học: Có 100% giáo viên đạt chuẩn và 70% giáo viên trên chuẩn; giáo viên dạy tiếng Anh phải đạt trình độ B2.
Hiện TP HCM chỉ có 3 trường THPT thực hiện mô hình tiên tiến là Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du; các bậc học khác chưa thực hiện mô hình này. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn Ảnh: TẤN THẠNH
Số lớp, lượng trẻ bảo đảm theo quy định tại điều lệ trường mầm non. Diện tích sân chơi được quy hoạch, thiết kế phù hợp. Có cây xanh, có vườn cây dành riêng cho trẻ chăm sóc. Sân vườn có ít nhất 10 loại thiết bị và đồ chơi, có khu chơi giao thông và sân khấu ngoài trời. Số lớp trong một trường không quá 30 lớp, số học sinh trong mỗi lớp không quá 30 học sinh. Ở bậc THCS, số phòng học đủ cho học sinh học 2 buổi/ngày; sĩ số tối đa không quá 30 học sinh. Học lực: 100% học sinh xếp loại từ trung bình trở lên; trong đó, số học sinh xếp loại giỏi đạt từ 20% trở lên, số học sinh xếp loại khá giỏi đạt từ 70% trở lên...
Theo lãnh đạo một phòng GD-ĐT, theo chủ trương này, TP HCM sẽ có ít nhất 24 trường tiên tiến tại mỗi quận, huyện, chưa kể bậc THPT. Theo lộ trình bắt đầu thực hiện từ năm học 2016-2017 nhưng cho đến thời điểm này, qua các lần họp cụm, nhiều quận, huyện đã xin “khất” hoặc lùi thời hạn xây dựng đề án. Theo vị này, ngoài yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên..., trường tiên tiến bắt buộc sĩ số bảo đảm 30 học sinh/lớp. Trong khi nhiều nơi chưa giải quyết được bài toán đủ chỗ học cho học sinh trên địa bàn thì trường học với sĩ số lý tưởng như trên không phải dễ dàng làm được.
Chưa xong đại trà sao làm tiên tiến?
Tại quận 6, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng GD-ĐT, cho biết dự kiến xây dựng Trường Mầm non Rạng Đông và Trường Tiểu học Võ Văn Tần thành trường tiên tiến. Sở dĩ mới chỉ thực hiện được ở bậc mầm non và tiểu học bởi có thuận lợi về sĩ số, còn ở bậc THCS tại quận 6 tạm thời chưa thể thực hiện do sĩ số khá cao, ưu tiên hàng đầu vẫn là bảo đảm chỗ học cho học sinh trong quận.
Không riêng gì quận 6, áp lực chỗ học là vấn đề lấn cấn nhất khi các quận, huyện thực hiện Quyết định 3036. Ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 11, cho biết đang tiến hành từng bước và hiện nay đang ở giai đoạn xây dựng kế hoạch để trình UBND quận. Kế hoạch của phòng là xây dựng Trường THCS Lê Quý Đôn thành trường tiên tiến. “Sở dĩ đây là trường được chọn vì tương đối đáp ứng cơ sở vật chất, vị trí thuận lợi. Nhưng quan trọng nhất là vì trường nằm trên địa bàn phường 5, tại phường này hiện nay có 2 trường là THCS Lê Quý Đôn và THCS Nguyễn Huệ. Chỉ khi có trường lân cận san sẻ áp lực tuyển sinh, phụ huynh có nhiều lựa chọn thì mới xây dựng được trường tiên tiến” - ông Hoàng nói.
Ông Phạm Xuân Đông, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 7, cho biết quận 7 chấp nhận trễ hơn các đơn vị khác 1 năm vì không thể làm kế hoạch cho qua chuyện, đồng thời phải có cơ sở mới thuyết phục được lãnh đạo quận. Hiện nay, khó khăn nhất là phải giải quyết chỗ học vì tốc độ tăng dân số quận 7 gấp nhiều lần các quận, huyện khác. Trong năm học tới, khi quận 7 khởi công xây dựng một trường mới tại phường Phú Thuận thì Trường Tiểu học Võ Thị Sáu mới có thể có điều kiện đáp ứng.
“Dự án có rồi, xây dựng 12 tháng là xong nên dù muốn cũng phải chờ 1 năm nữa. Còn ở bậc THCS, nếu quận đồng ý, chúng tôi xin Trường THPT Nam Sài Gòn cũ (trường mới xây xong) vì nhìn đi nhìn lại chỉ có trường này mới có thể đáp ứng các tiêu chuẩn trường tiên tiến, làm gấp thì không được vì cần phải có đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phù hợp. Xây dựng thì tốt nhưng chúng ta đang hướng đến giáo dục đại trà, phải giải quyết chuyện tuyển sinh cái đã” - ông Đông cho biết.
Cơ sở vật chất khó đáp ứng
Ông Đặng Đức Hoàng nêu thực trạng: “Yêu cầu của trường tiên tiến là phải đầu tư đúng theo chuẩn quy định. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết cơ sở vật chất các trường khó đáp ứng. Chẳng hạn yêu cầu mỗi phòng học phải có máy tính nối mạng kết nối với máy in với mục đích để học sinh, giáo viên tìm thêm tài nguyên học tập nhưng giờ chưa có thì chúng tôi sẽ bố trí từng dãy phòng học có một máy tính nối mạng. Nói chung là làm từng bước”.
Theo Đặng Trinh
Người Lao Động