Kho vàng vô giá của ông “Kim thú y”
(Dân trí) - 30 năm lăn lộn vất vả mưu sinh, ông Nguyễn Kim thu về được một “kho vàng” vô giá là năm người con học giỏi nhất vùng quê nghèo của huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Nghề “hoạn lợn” rất đỗi bình thường đã giúp ông nuôi các con khôn lớn, học các trường CĐ, ĐH.
Đặc biệt, hai trong số năm người con của ông Kim hiện đang là nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Năm đứa con lần lượt ra đời càng làm cho cuộc mưu sinh của hai vợ chồng nghèo trở nên vất vả bội phần trong thời buổi bao cấp. Năm 1989, ông Kim nghỉ việc HTX để lăn lộn cật lực với đời nuôi các con ăn học.
Dân ở Cổ Thành đã quá quen với bóng dáng vợ chồng ông Kim dắt nhau tranh thủ đi chợ khi trời mới tờ mờ sáng để mua rau dưa, bán lại kiếm lời. Tan chợ, ông Kim lại vác đồ nghề đi khắp làng trên xóm dưới khám chữa bệnh cho heo, trâu bò… để kiếm từng lon gạo, cân khoai lang hay mớ rau về cho những cái bụng luôn háu đói của đàn con. Chiều xế bóng, vác cuốc từ ruộng về nhà là ông lại lên rừng đốn củi đến tối mò mới về để bán kiếm thêm từng đồng gạo, mắm muối nuôi con.
Nghề thú y chuyên chích thuốc, hoạn lợn của ông Kim chỉ đem lại cho gia đình mình những tem phiếu với bột mì, bột sắn, hạt bo bo nhiều hơn gạo. Vài sào ruộng lúa mùa được mùa mất không đủ cho đàn con no bữa nhưng vợ chồng ông Kim luôn nhắc nhở nhau cố gắng hết sức để cho các con được đến trường đều đặn, học lấy cái chữ. “Hồi đó, chúng tôi gắng nhịn ăn nhưng bọn trẻ vẫn không đủ no cơm mỗi bữa. Nhìn các con phải ăn cháo rau má, cơm độn sắn mà vợ chồng tôi cùng ứa nước mắt, tự nhủ nhau gắng sức làm việc cật lực để chúng đỡ thiếu thốn về miếng ăn, áo mặc và đảm bảo việc học”, ông Kim nhớ lại.
Việc nhà nông vất vả, lam lũ nhưng vợ chồng, con cái chung sức cũng đem lại những niềm vui giúp đôi vợ chồng nghèo quên đi mệt nhọc. “Cả gia đình tôi dắt nhau ra ruộng. Khi thì cuốc đất, đào mương, tát nước trên ruộng lúa. Làm màu thì thì chồng cày vợ cuốc, bọn trẻ đứa bẻ sắn, đứa nhặt cỏ, đứa cắt rau, đứa hái ớt. Cả nhà xúm lại vừa làm việc vừa trò chuyện rôm rả nên cũng nhanh xong việc. Làm ruộng vất vả nhưng nhiều lúc cũng rất vui” - ông Kim kể. Cứ thế, từ trong đói nghèo vợ chồng ông Kim quanh năm tần tảo nuôi con lớn lên.
Giàu con
Kho vàng vô giá mà ông Kim tích góp được chính là năm người con ngoan hiền, học hành giỏi giang không phụ công cha mẹ lam lũ một đời. Cả năm người đều chăm chỉ học hành, nối tiếp nhau vào CĐ, ĐH.
Người anh cả Nguyễn Xuân Huy (SN 1979) là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó học giỏi cho đàn em noi theo. Huy vừa siêng năng làm mọi việc mà vẫn luôn là học sinh khá, giỏi. Ngay từ những ngày mới 8-9 tuổi, cậu bé Huy đã biết lẽo đẽo theo mẹ ra đồng nhặt cỏ, hái rau. Lớn hơn một chút, Huy trở thành “đầu tàu” thay cha mẹ bảo ban các em học hành. Dù một buổi tới trường, một buổi luôn bận rộn giúp cha mẹ việc nhà, việc đồng áng nhưng Huy luôn đạt thành tích cao trong học tập khiến chúng bạn phải nể phục. Và chuyện thi đỗ ĐH là điều tất yếu đối với Huy. Anh đỗ Khoa Sinh của Trường ĐH Sư phạm Huế với số điểm rất cao, ra trường với tấm bằng xuất sắc và được giữ lại trường giảng dạy. Anh đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Trường ĐH Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) theo chương trình hợp tác của trường này với Trường ĐH Huế.
Bốn người em của Huy cũng tiếp bước theo anh, thi nhau vào CĐ, ĐH. Nguyễn Thị Hằng (SN 1980) học xong Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị và đang dạy học ở Trường THCS Triệu Đại (Triệu Phong). Cô em gái thứ 3, Nguyễn Thị Xuân Hà cũng là một tấm gương học giỏi từ cấp 1 đến cấp 3. Hà tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa Hà Nội với tấm bằng loại giỏi, được nhận vào giảng dạy tại Trường CĐ Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định). Cậu em út Nguyễn Xuân Hoàng thì đang là sinh viên năm thứ 3, nghành Nhiệt điện lạnh của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Học giỏi nhất trong số năm người con của ông Kim là cô con gái thứ tư Nguyễn Thị Xuân Hiền (SN 1986). Chín năm liền là học sinh giỏi với rất nhiều giải thưởng, cô bé thi đỗ liền vào Trường Quốc học Huế. Tiếp đó, Hiền giành ngôi thủ khoa vào Khoa Hóa, Trường ĐH Sư phạm Huế. Hết năm thứ nhất ĐH, Hiền giành được học bổng đào tạo kỹ sư Công nghệ Hóa hữu cơ ở Nga nhưng lựa chọn ở lại trong nước học tiếp. Bốn năm sinh viên, cô gái có dáng người dong dỏng ấy giành được nhiều học bổng của trường, rồi học bổng Vallet (Pháp), học bổng JBAV (Hiệp hội doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam), rồi cả Bằng khen của Bộ trường Nguyễn Thiện Nhân cho thành tích nghiên cứu khoa học… Hiền tốt nghiệp ĐH với tấm bằng đỏ chói, được trường giữ lại giảng dạy nhưng nghe cô đã về quê dạy học vì thương cha. Dạy học chưa đầy hai tháng, Hiền được chọn đi học Thạc sỹ ở Trường ĐH Chonbuk với anh trai sau khi từ chối lời mời làm giảng viên của Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi).
Luôn tự hào với những đứa con của mình, ông Kim xem đó chính là tài sản lớn nhất của hai vợ chồng. “Ai cũng nghĩ tôi có hai đứa con đi Hàn Quốc chắc giàu lắm, của này của nọ nhiều. Không ai chịu hiểu thằng Huy và con Hiền chỉ làm thêm đủ chi tiêu, ăn học ở nước ngoài đắt đỏ. Mỗi năm, tôi phải vay tiền ngân hàng 8 triệu cho thằng Hoàng học ở Đà Nẵng. Nếu có giàu, vợ chồng tôi chỉ giàu con thôi”, ông cười hiền.
Tạm biệt căn nhà cấp bốn nửa nền đất, nửa nền xi măng của người cha vừa giản dị nhưng cũng rất phi thường ấy, chợt thấy cảm phục nghị lực tuyệt vời của vợ chồng ông khi nuôi dạy con cái trưởng thành.
Bài và ảnh: Văn Được