Khi visa du học Úc bị hủy trong… ngỡ ngàng
(Dân trí) - Kết hôn giả, “nhảy trường”, “say mê” trốn học kiếm tiền… Những trò cố ý gian lận nhằm “lách” hoặc vô tình vi phạm luật do thiếu hiểu biết, đều có thể khiến du học sinh quốc tế bị Bộ Di trú Úc hủy visa ngay lập tức.
“Rộng cửa” nhưng không dễ dãi
Với chủ trương đẩy mạnh thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, Chính phủ Úc đã có chính sách mở cửa visa từ năm 2012. Ngày 26/03/2012, Bộ Di trú Úc đã ban hành một chính sách mới về điều kiện xét visa có lợi cho sinh viên quốc tế cũng như Việt Nam.
Theo đó, hồ sơ xin visa của sinh viên nước ngoài tới 41 trường Đại học nằm trong danh sách ưu tiên và các trường liên kết được xét visa ở cấp độ 1 - mức xét thấp nhất với thời gian xét ngắn (khoảng 1 tuần) và yêu cầu về hồ sơ chứng minh tài chính đơn giản, không yêu cầu chứng minh nguồn gốc thu nhập. So với các quốc gia ngặt nghèo việc chứng minh tài chính như Mỹ, Canada, Anh… thì “đường” visa đến Úc được xem là “dễ thở” hơn.
Ngày 23/3/2014, Bộ Di trú Úc tiếp tục công bố thêm 19 trường được đưa vào danh sách xét visa ưu tiên, nâng tổng số trường lên 60. Đặc biệt, sinh viên nước ngoài cũng được phép làm thêm không quá 20 giờ/tuần để kiếm thêm thu nhập ngoài thời gian học tập.
Chính sách “mở cửa” visa của Úc tạo điều kiện dễ dàng để học sinh, sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam có cơ hội học tập và làm việc tại đất nước xinh đẹp này.
Tuy nhiên, không vì thế mà sinh viên quốc tế có thể xem nhẹ quy định về visa nếu không muốn bị hủy visa vào một ngày đẹp trời.
Những trò gian lận dễ bị… trục xuất nhất
Hiện số lượng sinh viên quốc tế du học Úc tăng hơn 27% trong năm 2013-2014. Riêng Việt Nam có hơn 26.000 học sinh đang theo học tại Úc, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Và cũng không hiếm trường hợp visa du học trong số đó bị hủy.
Cũng theo thông tin mới được đăng tải trên AsiaOne, quốc gia bị huỷ visa nhiều nhất là Trung Quốc, với 1.120 trường hợp; theo sau đó là Việt Nam (896 trường hợp); Hàn Quốc (787); Ấn Độ (548)…
Về vấn đề du học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam bị Úc hủy visa, bạn Hoàng Minh (24 tuổi) du học sinh Việt Nam tại trường ĐH Deakin University chia sẻ: “Không ít du học sinh Việt qua bên này làm kết hôn giả với người thường trú hoặc công dân Úc (nhất là thời điểm sắp tốt nghiệp – hết hạn visa) để xin được ở lại theo diện hôn nhân, chi phí phát sinh là khoảng 80.000 USA cho một suất kết hôn giả, nếu Bộ Di trú phát hiện sẽ bị cắt visa và đuổi về nước.
Cũng có trường hợp du học sinh thi rớt quá nhiều môn, bị trường hủy ECOE (giấy chứng nhận lưu trú học tập - PV) hoặc do làm giả bằng thi tiếng Anh, thiếu giấy tờ chứng minh tài chính… Du học sinh không đủ tiền học phí cũng bị hủy visa.
Ngoài ra, cũng có trường hợp gian lận visa bằng cách nhận con nuôi dưới 18 tuổi (không mồ côi). Gia đình du học sinh sẽ chi trả một khoản phí để gia đình người Úc nhận làm con nuôi. Muốn vậy, phải bỏ chi phí để làm giả giấy tờ nhằm chứng minh học sinh đó thuộc diện mồ côi ở quê hương trước tiên”.
Bạn Phạm Vũ Minh Tuấn (27 tuổi), du học sinh hệ Cao học, trường ĐH Melbourn chia sẻ: “Một nguyên nhân khá nhức nhối là các bạn xin visa du học nhưng mục đích là để sang Úc… kiếm tiền.
Mình biết không ít bạn đăng kí visa học trường ưu tiên, nhưng khi tới Úc lại thuê người tư vấn nhằm tìm cách “lách luật” chuyển sang trường rẻ học phí hơn/ không phải đi học nhiều hoặc trốn học để đi làm thuê kiếm tiền ở các nhà hàng chủ xưởng, nông trại.
Như vậy là trái luật sinh viên học tập toàn thời gian ở Úc, tức làm thêm vượt quá 20h/tuần. Khi du học sinh quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng vi phạm các quy định chuyển trường về visa nếu Bộ Di trú phát hiện đều sẽ gửi thư cảnh báo và thậm chí, hủy visa”.
Đừng vô tình hay cố ý tự “đóng cửa”
Một chuyên gia giáo dục tại Úc (xin được giấu tên) cho hay, một số không ít visa của du học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam bị hủy không vì gian lận mà do thiếu hiểu biết về luật chuyển trường.
Anh cho biết: “Việc chuyển trường không hẳn là một điều không đúng. Chuyển trường có thể do trường mình học không có khóa mình yêu thích hay do gia đình làm ăn suy sút thì việc đóng học phí ở những trường ban đầu là khó khăn. Những yếu tố này là có thể xem xét được.
Tuy nhiên, khi chuyển trường, các em lại thường không hỏi rõ trung tâm tư vấn chuyển thế nào là đúng, là hợp lý; dẫn đến hậu quả hàng loạt bạn chuyển trường khi visa chưa được 1 năm.
Và những bạn này luôn sống trong tình trạng một ngày bất ngờ nhận được thư cảnh báo hủy visa của Bộ Di trú Úc. Hơn nữa, việc gia hạn visa sau này là vô cùng khó khăn. Thậm chí, việc nộp một loại visa khác như partner visa (visa diện kết hôn) cũng không hề đơn giản. Bạn chuyển trường, bạn sẽ không còn là sinh viên chính thức – có nghĩa là không còn đáp ứng được yêu cầu về visa”.
“Nếu chẳng may bị nhận thông báo hủy visa thì những đối tượng này phải xin 1 giấy chứng nhận lưu trú học tập đại học để giải thích với Bộ Di trú. Năm ngoái thì xem ra cách này có vẻ chấp nhận được, vì sau khi giải thích hầu như không thấy di trú đả động gì. Nhưng bắt đầu từ đầu năm nay thì Bộ Di trú đã “sờ” đến những trường hợp đấy. Lần này, họ không còn cảnh cáo nữa mà hủy visa luôn.
Lý do hủy chỉ nằm ở 1 lỗi là từ thời điểm khi bị hủy ECOE khóa học theo visa ưu tiên đầu tiên đến thời điểm nhận cảnh báo hủy visa, bạn đã học ở sai cấp. Bạn được cấp visa sang học 573 (đại học hay thạc sỹ) nhưng lại đang học ở 572 (các trường nghề). Với lý do này thì không luật sư tài ba nào có thể “cãi” nổi giúp du học sinh ấy”, chuyên gia nhấn mạnh.
Chuyên gia giáo dục này đưa ra lời khuyên cho các du học sinh Việt Nam: “Điều tuyệt đối là không nên gian dối, lách luật ở Úc. Đồng thời, để tránh tình trạng bị hủy visa do không nắm vững luật, các bạn cần hỏi kĩ trung tâm tư vấn để làm đúng luật khi chuyển trường.
Visa dưới 1 năm thì tốt nhất không nên chuyển trường. Xứ sở chuột túi đã mở cửa chào đón bạn, bạn đừng tự… đóng cửa của chính mình”.
Lệ Thu