Khi trẻ mẫu giáo “nghiền” ca khúc tình yêu
(Dân trí) - Không phải do thiếu bài hát thiếu nhi mà do cách dạy nhạc ở trường còn khá đơn điệu, chưa tạo được sự thích thú cho trẻ và không đủ sức để “lấn át” dòng nhạc người lớn sôi động mà trẻ có thể tiếp xúc mọi lúc mọi nơi.
Thế nên mới xảy ra chuyện, bài dành cho tuổi mình không thuộc nhưng các em lại có thể hát nhạc người lớn rất bài bản.
Bé thuộc làu bài hát người lớn
Chỉ đến khi, giáo viên ở trường nhắc nhở chuyện con gái anh chị ở lớp thường xuyên biểu diễn ca khúc tình yêu cho các bạn nghe và dạy các hát theo trong khi các bài hát cho thiếu nhi cháu lại thuộc rất ít, họ mới giật mình chỉnh đốn lại.
Tuy nhiên chị Diễm thú nhận, hình như“những giai điệu tình yêu” đã ngấm vào tâm thức của cô con gái nhỏ. Chị bật đĩa nhạc thiếu nhi cháu không thích nghe mà chạy sang hàng xóm chơi. Trong khi, giờ chiều tối, gần như gia đình nào trong dãy nhà chị bật nhạc trẻ ầm ầm. Từ nhạc teen, cháu lại chuyển qua một số bài hát tình yêu “cứng” hơn như của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng…
Khá nghiêm khắc trong việc dạy con nên chị Tâm, nhà ở Củ Chi, TPHCM “sốc” khi tận mắt chứng kiến cậu con trai 6 tuổi cùng bạn bè trong xóm thi hát ca khúc có từ yêu. Yêu cha, yêu mẹ, yêu thầy cô, trường lớp ở đâu không thấy mà các cháu chỉ toàn hát bài tình yêu đôi lứa. Bây giờ, chị Tâm mới hiểu những thắc mắc về “chuyện người lớn” của con lâu nay đều mang dáng dấp của bài hát yêu đương nào đó.
Chị lôi con về, nhắc nhở một hồi và yêu cầu con hát những bài thiếu nhi thì cháu chỉ thuộc một số bài cơ bản. Còn nữa bài nào cũng chỉ hát được bài vài ba câu. Cháu bé cũng nói thẳng “Bài người lớn hay hơn”.
Nhạc trẻ lấn át nhạc thiếu nhi
Các giáo viên, phụ huynh có lẽ chẳng còn quá xa lạ với cảnh trẻ nhỏ nghêu ngao hát những bài tình cảm yêu đương, thất tình mùi mẫn. Nhiều ông bố mà mẹ biết điều đó sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc, tình cảm của trẻ thì cũng rất nhiều người hoàn toàn cho là bình thường. Có phụ huynh còn khích lệ con bằng cách mở đĩa nhạc người lớn để bé hát, nhảy theo, hay cho con hát karaoke những bài tình yêu dễ hát, dễ thuộc.
Hơn thế, gần đây còn xuất hiện nhiều clip quay lại cảnh các em bé nhỏ, cầm micro chưa chặt nhưng hát bài tình yêu thuộc làu cùng sự cỗ vũ rất nhiệt tình của người lớn. Quay lại cảnh này, có phụ huynh còn tự hào đem khoe con với đồng nghiệp như câu chuyện vui, thú vị.
Nhiều giáo viên chia sẻ trước đây họ cũng rất “choáng” khi thấy những trẻ thuộc làu những bài hát về tình yêu nhưng bây giờ cũng quen. Khi thấy các cháu như vậy, giáo viên cũng chỉ thể khuyên bảo cháu đó không phải bài hát của mình và hướng các cháu đến các bài hát thiếu nhi.
Theo cô Nguyễn Thanh Vy, hiệu trưởng trường mần non An Điềm (Q.5, TPHCM), đây là do các cháu ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là từ gia đình. Nhiều gia đình có con nhỏ nhưng vẫn thường xuyên bật nhạc người lớn. Nhà trường không thể nào quản các cháu mọi lúc mọi nơi để có thể ngăn dòng nhạc này ảnh hưởng đến trẻ.
Cô Vy đánh giá, không phải bài hát thiếu nhi thiếu mà do cách dạy nhạc ở trường còn khá đơn điệu, chưa tạo được sự thích thú cho trẻ và không đủ sức để “lấn át” dòng nhạc người lớn sôi động mà trẻ có thể tiếp xúc mọi lúc mọi nơi. Thế nên mới xảy ra chuyện, bài dành cho tuổi mình không thuộc nhưng các em lại có thể hát nhạc người lớn một cách bài bản.
Nhiều gia đình nhận thức rõ vai trò của mình trong việc định hướng âm nhạc cho trẻ nhưng họ cũng gặp rất nhiều khó khăn để ngăn cản dòng nhạc này với con mình. Như trường hợp của chị Tâm, sau lần thấy con thi hát ca khúc tình yêu, chị chú ý mua những đĩa hát thiếu nhi cho con nghe nhưng chị cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Chỉ giảm được phần nào thôi chứ thời buổi này làm sao tránh để con không “đụng” nhạc người lớn được khi mà cứ mở truyền hình, phát thanh… lên là lại nghe nhạc “yêu”. Rồi đến nhà hàng xóm, siêu thị, quán xá…lúc nào cũng xập xình. Mình đâu có bịt tai cháu được?”
Hoài Nam