Khi thầy cô cư xử thiếu chuẩn mực

Thiếu kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm trong môi trường giáo dục hiện đại dẫn đến những vụ việc giáo viên không kiểm soát được hành vi, xử lý thiếu chuẩn mực, gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh.

Vừa qua, Báo Người Lao Động nhận được phản ánh của phụ huynh về một học sinh nữ tại Trường THCS Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM bị thầy thể dục đánh bầm chân chỉ vì quên buộc dây giày trong giờ học.

Cư xử kiểu chợ búa

Trao đổi với chúng tôi, phụ huynh em B., lớp 7.4 Trường THCS Hưng Long, cho biết trong tiết thể dục ngày 25/9, lúc cúi xuống buộc dây giày, không hiểu vì lý do gì B. bị thầy T. dùng cây thước có đinh đánh vào mông và chân, gây bầm tím và đau đớn. Khi về nhà, B. kêu đau, gia đình gặng hỏi thì mới biết chuyện. Qua hôm sau, học sinh này phải nhờ gia đình đưa đến trường vì đau không thể tự đi.

Cô và trò Trường THCS Hưng Long trao đổi trong giờ nghỉ giải lao
Cô và trò Trường THCS Hưng Long trao đổi trong giờ nghỉ giải lao.

Đến trường tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết trong tiết thể dục của lớp 7.4 sáng 25/9, B. gặp “chuyện con gái”. Theo quy định của nhà trường, với trường hợp này, học sinh được nghỉ học thể dục nhưng phải trực tiếp báo cho giáo viên. Tuy nhiên, B. vẫn tham gia tiết học nhưng không chịu xếp hàng theo hiệu lệnh của thầy giáo. Thầy T. trong lúc không kiềm chế đã dùng thước đánh vào chân của B.

Mới đây, một người phản ánh về việc một giáo viên Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TP HCM) công khai “tuyên chiến” với phụ huynh và học sinh trên Facebook cá nhân bằng những lời lẽ phản sư phạm, như gọi phụ huynh là… ác nhân. Ở phần bình luận, giáo viên này còn công khai sẽ “đì” học sinh bằng điểm số. “Gặp thứ khùng khùng chịu không nổi, phen này bà cho con nó biết tay hết. Thi cuối học kỳ này cho chết luôn, coi con mẹ nó có nhảy lên không. Lúc đó vào điểm hết rồi, muốn sửa cũng không được…” - giáo viên này viết.

Sau khi đọc những dòng chữ này trên trang cá nhân của giáo viên, phụ huynh nêu trên cho biết bà có cảm giác bàng hoàng. “Cô giáo mà chửi rủa học sinh, mắng mỏ phụ huynh, nói tục, chửi thề như mấy bà bán hàng ngoài chợ thì trường học sẽ ra sao, con tôi sẽ ra sao?”- vị phụ huynh bức xúc.

Thiếu kỹ năng từ trường sư phạm

Bà Phạm Thị Thu Thảo, tổng phụ trách đội kiêm quản sinh Trường THCS Hưng Long, cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, gia đình học sinh B. đã tìm đến trường yêu cầu giải quyết. Ngay sau đó, hiệu trưởng và hiệu phó đã ghi nhận tình hình, trực tiếp xin lỗi gia đình và học sinh. Trước sự chứng kiến của toàn trường, ban giám hiệu và thầy T. đã trực tiếp nhận sai và xin lỗi”.

Là người phụ trách quản sinh lâu năm, bà Thảo cho rằng ngày nay, môi trường giáo dục phức tạp hơn nhiều, gặp học sinh trong giai đoạn biến chuyển tâm lý, rồi hội chứng con cưng. Bất kể chuyện gì thì gia đình cũng đổ lỗi cho nhà trường, cho thầy cô, nếu giáo viên thiếu bản lĩnh thì rất nguy hiểm. Trong những tình huống như mâu thuẫn với học trò, người thầy vừa đáng thương vừa đáng trách.

Ở một góc độ khác, theo ThS Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM - thời nào cũng có học trò tinh nghịch nhưng tinh nghịch khác với hỗn láo. Tuy vậy, cũng khó trách học trò vì hình tượng người thầy lý tưởng hiện nay trong mắt các em đã không còn bởi nhiều giáo viên để xảy ra những tình huống sư phạm không tốt.

“Lỗi này lại do các trường sư phạm đào tạo ra đội ngũ nhà giáo nhưng lại chưa trang bị cho sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm cần thiết. Chính vì thế, phải có chuẩn trường sư phạm, chuẩn giáo viên” - ông Điệp đề xuất.

Hiệu trưởng một trường phổ thông tại TP HCM phân tích: Nhiều trường ĐH trên thế giới có chương trình đào tạo giáo viên thiên về kỹ năng hơn là kiến thức chuyên ngành. Chính vì mục đích này nên việc tuyển dụng giáo viên ở nước ngoài rất khắt khe. Người thầy phải có khả năng tương tác với học sinh, kỹ năng tâm lý, sáng tạo phương pháp giảng dạy... Dạy học chỉ là một nửa của nghề giáo.

Trong khi đó, ở các trường sư phạm tại nước ta hiện nay, những môn nghiệp vụ chiếm tỉ lệ rất ít so với môn kiến thức chuyên ngành. Nghịch lý còn ở chỗ có những môn học là nghiệp vụ sư phạm nhưng sinh viên chủ yếu chỉ được truyền đạt lý thuyết. Vì thế, khi đi vào thực tế, giáo viên lúng túng nếu gặp những tình huống ngoài sách vở.  

Lệch lạc trong đào tạo giáo viên

TS Phạm Xuân Bình, giảng viên Trường CĐ Sư phạm Kiên Giang, cho rằng nếu người thầy không phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo thì tốt nhất đừng bước chân vào ngưỡng cửa sư phạm. Học sinh thường có khuynh hướng tìm sự chỉ dẫn từ giáo viên, nghe theo giáo viên. Nếu các em thấy người thầy là tấm gương tốt về đạo đức thì sẽ noi theo. Vì thế, các trường sư phạm cần đẩy mạnh những biện pháp lồng ghép vào hoạt động giáo dục, can thiệp vào chương trình đào tạo sinh viên sư phạm, theo quan điểm nhân cách người thầy ảnh hưởng đến nhân cách học trò, nhằm khắc phục những lệch lạc trong chương trình đào tạo giáo viên hiện nay.

 

Theo Đặng Trinh

Người Lao Động

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm