Khi Thạc sĩ Toán viết Văn
Bức hình bí mật trong bóp, những mâu thuẫn nhà trọ, hoạt động phong trào nơi giảng đường, phát tờ rơi, dạy thêm, thất tình, vê quê ăn Tết, thi lấy bằng lái xe… những lát cắt ấy đã dựng nên bức tranh đa sắc màu về đời sinh viên ở trọ Sài Gòn của Nguyễn Hoàng Vũ.
Chàng trai sinh 1988 tại Nha Trang (Khánh Hòa) vừa hoàn thành chương trình Thạc sĩ Phương pháp giảng dạy Toán ở ĐH Sư phạm TP. HCM, cũng vừa ra mắt truyện dài Ở trọ Sài Gòn đậm chất sinh viên.
Súc tích và bật cười khúc khích
Dù học Toán, nhưng những buổi giao lưu văn học của khoa Văn, Vũ cũng lọ mọ vào tham gia nghe nói chuyện. Vũ yêu thơ từ nhỏ, đọc đến độ thuộc nhiều thơ của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh…
Ở đại học, anh chàng mạnh dạn cộng tác với một số báo và tham gia một bút nhóm văn chương trẻ tại Sài Gòn. Mỗi sáng tác được đăng đều làm Vũ phấn khởi và tràn đầy động lực viết tiếp. Vũ quen nhiều bạn sinh viên yêu thích sáng tác. Trong khi một số bạn bày tỏ muốn sáng tác những tác phẩm hoành tráng nhưng luôn dừng lại ở việc… thai nghén thì Vũ cặm cụi sáng tác từ những gì thân quen của đời sống sinh viên. Vũ bén duyên với văn xuôi từ đây.
Vũ mất 1 năm để lên ý tưởng cho Ở trọ Sài Gòn và 2 tháng để viết xong truyện dài này. Anh chàng kể: “Một bạn cùng phòng trọ năm nhất nói với mình, sao không viết về đời sống sinh viên, có vô vàn chuyện để viết kia mà. Mình thấy có lý quá, lên dàn ý và viết luôn…”.
“Một sinh viên khoa Toán thì viết Văn có khó không?” - Vũ vui vẻ: “Về chữ nghĩa cũng không đến nỗi thiếu thốn vì mình đọc sách từ nhỏ mà. Lên giảng đường đi thư viện thì đọc sách Toán, về nhà có thời gian mình cũng đọc nhiều tác phẩm kinh điển thế giới như Cái trống thiếc của Günter Grass, Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez… Những tác phẩm đó gợi cảm hứng và chỉ ra phong cách viết cho mình. Ngoài ra, bạn bè cùng hội bút cũng hay “đàm đạo văn chương”. Bên cạnh việc giới thiệu sách hay, các bạn cũng hay cập nhật về tình hình viết lách. Thấy bạn bè sáng tác, mình cũng đâu chịu thua”.
Vũ tâm sự, bản thân chưa đủ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật để viết những điều cao siêu, khó hiểu. Văn của Vũ gần gũi, mang tính trải nghiệm. Anh chàng tâm sự: “Những trải nghiệm hiện nay, nhất là khi mình vừa qua thời sinh viên là tư liệu sinh động mà mình có thể nắm bắt ngay để mang vào tác phẩm. Nó dung dị, nhẹ nhàng và hóm hỉnh mang đậm chất sinh viên. Những ai từng trải qua đời sinh viên đều có thể cảm nhận được và thấy như chính mình trong đó”.
Đôi khi Vũ tự hỏi: “Một người học Toán viết Văn thì thế nào?” rồi tự trả lời luôn: “Súc tích, logic và đôi khi khiến bạn bật cười khúc khích”. Năng khiếu viết Văn, làm thơ giúp Vũ được nhiều mến mộ trong lớp Toán thời sinh viên. Anh chàng bật mí: “Dân Toán ít làm được thơ nhưng nhiều người rất yêu thơ”.
Xôn xao cộng đồng mạng vì “Ông nội chết rồi”
Một truyện ngắn của Vũ châm biếm các thông tin lá cải, các thói quen tiêu cực của giới trẻ trên mạng có tên Ông nội chết rồi… Sau khi truyện đăng trên trang online của một tờ báo, nhiều trang web cũng đăng lại với những cái tít sốc hơn như: Ông nội chết rồi. Mừng quá!. Ngay lập tức, truyện ngắn này gây chú ý với những dư luận trái chiều.
Vũ cho biết: “Truyện lấy cảm hứng từ cách viết giễu nhại của Günter Grass khi mình đọc Cái trống thiếc. Mình cũng hay lên mạng xem những sự kiện giật gân. Những thông tin đó đa phần là bịa tạc, gây sốc. Khổ nỗi, người trẻ hiện nay không mấy bạn tự trang bị được trang kỹ năng lọc thông tin. Các bạn dễ dàng ném đá, hùa theo chỉ vì tin những câu chuyện lá cải. Mình đã viết câu chuyện của nhân vật tuổi teen là Đạt Đít Đỏ. Cậu này nổi tiếng thoáng chốc vì status trên Facebook của mình: “Ông nội chết rồi. Mừng quá!”. Cộng đồng mạng nhìn Đạt Đít Đỏ như một người cháu bất hiếu, vô cảm, xuống cấp đạo đức… Từ một status ngắn như thế, dưới nhiều góc nhìn của truyền thông lá cải, của “anh hùng bàn phím”, của chính nhân vật bị dư luận “ném đá” đã cho ra một bi hài kịch”.
“Những khen ngợi dành cho Ông nội chết rồi chính mình cũng không nghĩ tới - Vũ nói - Còn chê bai và “gạch đá” cũng nhiều không kém. Một số bạn chưa đọc xong truyện, chỉ thấy tiêu đề Ông nội chết rồi. Mừng quá! đã phán ngay bằng comment bên dưới rằng “Tác giả… là thằng bất hiếu”. Một tác phẩm ra đời, trước dư luận đôi khi cũng mang số phận hơi phức tạp. Mình là người viết, triển khai ý tưởng thành tác phẩm là xong nhiệm vụ. Việc còn lại là góc nhìn độc giả”.
* * * Ở trọ Sài Gòn của Nguyễn Hoàng Vũ cùng 4 tác phẩm khác Hạt hòa bình (Minh Moon), Anh đã đợi em, từng ngày (Nguyễn Thị Thanh Bình), Ngôi nhà không cửa sổ (Khiêm Nhu), Urem - Người đang mơ (Phạm Bá Diệp) là 5 bản thảo tiêu biểu đợt 1 dự thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5 được NXB Trẻ in thành sách.
Theo Sinh Viên Việt Nam