Khi phụ huynh “tra tấn” con thi trượt

(Dân trí) - Thi trượt đại học là điều không ai muốn, thế nhưng điều khó khăn nhất với nhiều sĩ tử không hẳn là vấn đề đậu - trượt mà là đối mặt với sự thất vọng, kèm theo là sự chì chiết, chê bai của những chính những người thân trong gia đình.

“Mày làm nhục bố mẹ quá!”

Cả tuần nay, khi đứa con đầu có điểm thi ĐH, nhà chú Mai ở Q.4, TPHCM như diễn ra “chiến tranh đơn phương”. Dù nhà trường chưa công bố điểm chuẩn nhưng chỉ đạt 15 điểm nên cháu Tuấn con chú Mai đã biết là mình trượt. Hôm biết điểm thi, Tuấn buồn bã giam mình trong phòng nhưng cũng phải “xanh mặt” khi chứng kiến cơn tam bành của bố mẹ. Người bố như lên cơn điên đập vừa đập phá đồ đạc vừa không tiếc lời chửi bới thằng con ăn hại, vô tích sự. Còn mẹ Tuấn thì nằm lăn ra nhà khóc như ăn vạ vì “Mày làm nhục bố mẹ quá Tuấn ơi”.

Khi phụ huynh “tra tấn” con thi trượt - 1

Áp lực nhất khi không thể vào đại học với nhiều em chính là sự thất vọng của bố mẹ. (Ảnh minh họa)

Tiếp theo đó là những ngày kinh hoàng với Tuấn. Cứ đến bữa ăn, sau khi trách móc, dè bỉu con chán chê, chú Mai lại quay sang vặn vẹo chuyện điểm thi của con và đặt ra nghi vấn bài làm con mình có thể bị chấm nhầm, cần làm đơn phúc khảo. Khi Tuấn khẳng định điểm khớp với bài làm của mình liền bị bố chửi "có mỗi việc học mà cũng không xong". Trách con chán, chú Mai quay sang trách vợ không biết dạy con nên không khí gia đình vô cùng căng thẳng.

Tuấn vô cùng chán chường không biết phải giải thích thế nào để bố mẹ hiểu và chấp nhận lực học của mình chỉ mức đó chứ không thể theo kỳ vọng của họ là phải đỗ vào trường tốp trên. Thi trượt chỉ buồn một vì Tuấn ít nhiều đã lường được từ trước nhưng lại vô cùng lo sợ trước sự đay nghiến của bố mẹ.

Trong khi Tuấn thường xuyên chịu cơn lôi đình của bố mẹ thì em N.T.Thanh - thí sinh ở Đồng Nai vừa thi vào ĐH Kinh tế TPHCM - lại đang phải chịu đựng sự im lặng đến sợ của bố mẹ. Biết điểm thi con quá thấp so với điểm đỗ vào trường, bố mẹ Thanh không thèm nói với con nửa lời. Chính Thanh đã chủ động than vãn về nỗi buồn của mình mong được nghe ý kiến và lời động viên của bố mẹ nhưng đổi lại vẫn chỉ là im lặng đáng sợ. Đến lúc đó, Thanh mới hay họ làm vậy để “dằn mặt” con vì đã phụ công sức mình.

Lực học của Thanh không phải ở mức xuất sắc nhưng tương đối khá, được bố mẹ kỳ vọng rất nhiều. Đợt Thanh ôn thi, bố mẹ thay nhau chăm sóc sức khỏe mùa thi cho con gái bằng việc lên lịch thời gian học, đồ ăn, thuốc tẩm bổ… với hy vọng con gái sẽ đỗ đạt để có thể sáng mày sáng mặt với đồng nghiệp. Thanh đi thi với quyết tâm cao nên khi thi được điểm thấp, mọi thứ trước mắt như sụp đổ, nên giờ đây cô không phải làm thế nào để bố mẹ "bỏ qua" không dằn vặt mình nữa.

Điều Thanh sợ nhất là bố mẹ im lặng với mình nhưng lại “tuôn” ra với người ngoài. Họ hàng hay hàng xóm hỏi han kết quả thi của con gay lập tức họ lôi con gái ra để chê mai, mỉa mai… đã phụ công sức của mình. Nghe vậy, Thanh không dám ra ngoài thì lại nghe mẹ nói với cô hàng xóm: “Thi trượt rồi giờ ở nhà ăn bám ra đấy!” nên cô gái nhiều lúc chỉ muốn chết cho xong.

Cùng con đối mặt với thất bại

Đặt kỳ vọng của mình vào con nên khi con không thực hiện được mục tiêu, không ít phụ huynh bị "sốc" nên thường có những thái độ như trách móc, chê bai con. Họ không hiểu hết rằng, lúc thi trượt, đứa con là người đau buồn nhất. Lúc này, con rất cần sự an ủi, động viên của bố mẹ để vượt qua khủng hoảng, còn sự trách móc sẽ càng đẩy ức chế của con vào đường cùng. Con trẻ rất dễ tìm đến những hành động dại dột như một cách trốn tránh sự thất bại cũng như sự thất vọng của gia đình.

Khi phụ huynh “tra tấn” con thi trượt - 2

Nhiều phụ huynh không chấp nhận sự thất bại của con mình. (Ảnh minh họa)

Hàng năm, sau các kỳ thi quan trọng, chúng ta vẫn nhận những tin đau lòng là thí sinh tự vẫn. Năm 2010, em Trịnh Công S, học sinh trường chuyên tại tỉnh Quảng Ngãi uống thuốc rầy tự tử trước cả lúc biết điểm thi vì đối chiếu đáp án em cho rằng mình làm bài không tốt. Hay các trước năm trước đó, việc những em chọn cái chết vì không vào được đại học đã trở thành một điều cần cảnh báo.

Theo các chuyên gia tâm lý, nói rằng các em tự vẫn vì trượt đại học nhưng thật ra đó chỉ là một phần nguyên nhân mà hầu hết là do các em không chịu được áp lực từ sự kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trường Hân cho hay, trong cách giáo dục con, lâu nay phụ huynh chủ yếu chỉ hướng con đến chiến thắng, thành công chứ ít chú ý giúp con biết cách đối đầu vượt qua thất bại. Thậm chí nhiều người còn không chấp nhận thất bại của con, nhất là khi họ quá kỳ vọng vào con mà không nhìn nhận vào khả năng thực sự của con.

Theo bà Trường Hân, khi thi trượt, nỗi lo lớn nhất của mỗi đứa con chính là sự thất bại trong mắt bố mẹ, người thân. Vì thế, để giúp con vượt qua, trước hết bố mẹ cần chấp nhận kết quả của con và thể hiện cho con thấy, thất bại là một điều bình thường trong cuộc sống mà ai cũng có thể gặp phải, quan trọng là mình biết cách vượt qua.

Kèm theo sự động viên an ủi, bố mẹ hãy ngồi lại cùng con để tìm hiểu nguyên nhân việc con bài chưa được tốt với thái độ xây dựng chứ không phải trách móc để con rút ra những kinh nghiệm quý báu cho mình và trẻ sẽ hiểu bố mẹ đã chấp nhận việc mình thi trượt. Qua đó, cũng là dịp để phụ huynh nhìn nhận đúng khả năng của con để tìm các phương án phù hợp nhất cho tương lai con cái chứ không nên bắt con theo đuổi những mục tiêu, yêu cầu quá cao. Có nhiều con đường để lựa chọn trẻ sẽ tránh được những suy nghĩ tiêu cực và hành động đáng tiếc.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm