Du học sinh kể chuyện:

Khi gặp khó khăn cần bình tĩnh giải quyết!

(Dân trí) - Bất kể một du học sinh nào cũng sẽ trải qua những khó khăn ban đầu, từ trong cuộc sống đến học tập, Hương Trần Phương Nam - chàng trai 29 tuổi, đang theo học chương trình Tiến sỹ về vật liệu tại ĐH New South Wales - Sydney, Australia cũng vậy.

Dưới đây là câu chuyện khá hấp dẫn và lý thú về cuộc sống nơi xứ người của Phương Nam.

 

Tháng 2/2003, tôi đã rời Hà nội để đến với Sydney. Theo lời khuyên của một người bạn đang học tập tại đây, tôi đã chuyển về gần trường ĐH New South Wales (UNSW), ở cùng  với một gia đình người Czech. Kể ra, những khó khăn ban đầu cũng không phải là ít. Từ chỗ ở, cái ăn, đến việc học hành, cái gì cũng mới toanh toe. Tôi may mắn đã tìm được chỗ ở với giá phòng hợp lý (100 AUD per week), lại ở với người nước ngoài nên vốn tiếng Anh “chết” của tôi mới có cơ hội sống lại. Nhưng ăn uống thế nào đây khi mà ở nhà tôi chưa bao giờ vào bếp?

 

Sau 2 tuần đầu “nghiền ngẫm” với bánh mỳ, xúc xích, bơ, khoai tây, tôi đã tìm được một shop Châu Á và mua được đồ ăn hợp với mình hơn. Thú thực, khi mới qua, đến cả việc dùng thẻ bank card cũng là “quá” mới mẻ với tôi - người vốn chỉ ưa xài tiền mặt. Về giao tiếp, nghe ai nói  cũng “choáng”.

 

Giáo sư của tôi là người Úc nên “giọng điệu” của ông luôn tạo thử thách cho tôi. Mỗi khi nói chuyện với Giáo sư, tai tôi cứ ù ù cạc cạc, chỉ được cái luôn mỉm cười để đáp lại “tính kiên nhẫn” của ông. Khi hỏi thấy tôi không hiểu, ông lại diễn đạt lại để tôi có thể tiếp thu. Sau này, không biết hay không hiểu, tôi thường hỏi luôn mà không cần đợi. Việc đọc tài liệu và viết báo cáo bằng tiếng Anh cũng xoay tôi như chong chóng, nhưng rồi tôi quen dần.

 

Thực chất những khó khăn chẳng qua đều là  những gì mà mình chưa từng trải qua. Tự mình sống trên xứ người đã làm cho bản lĩnh của tôi được tôi rèn, và tôi thấy mình lớn hơn từ đó, tự tin hơn và cũng chững chạc hơn. “Khi bạn gặp khó khăn gì, hãy bình tĩnh giải quyết, bạn sẽ vượt qua được bằng chính sức của bạn”. Tôi luôn nghĩ vậy.

 

Trước lạ sau quen, mọi thứ trong cuộc sống ở Sydney dần trở nên “bình dị”, “thân thuộc”. Chi tiêu ở Sydney vốn thuộc loại đắt đỏ ở Úc, nào tiền thuê nhà cao, tiền đi lại, ăn uống, tiêu vặt... trong khi học bổng chỉ có vậy. Trước tiên, để giảm thiểu chi phí, cần phải giảm được khoản tiền thuê nhà. Vậy làm thế nào nhỉ?

 

Bước đầu, tôi “share” phòng với một bạn người miền Nam, tên Xuân Vũ - người đã trở thành anh em thân thiết của tôi. Sau này, chúng tôi cùng thuê nhà rồi cho các bạn quốc tế thuê các phòng còn lại, tiền nhà giảm đi đáng kể, đó cũng là một cách hay phải không nào. Về ăn uống, tự nấu ăn là tốt nhất. Tôi cũng hay đi chợ ở khu người Việt hay các shop Châu Á, vừa mua được đồ rẻ hơn, lại dễ chọn lựa. Từ dưa muối, rau cải, cho đến giò chả... cái gì cũng sẵn có.

 

Ăn ở là vậy, nhưng còn chuyện tình cảm, còn nỗi nhớ nhà thì sao. Ai đi xa mà chẳng đau đáu nhớ về quê hương. Trong những tháng đầu ở Úc, những buổi chiều tôi thường bâng khuâng một mình ra biển Coogee, nghe sóng biển rì rào để tìm đâu đó tiếng lòng của người con xa xứ. Sau những khoảng thời gian trống vắng đó, tôi đã có được rất nhiều bè bạn, cả ta và tây. Những buổi party ngoài trời (BBQ), cắm trại, hay đi du lịch đã làm cuộc sống của tôi sinh động hơn. Nếu thiếu chúng, chắc hẳn cuộc đời tôi sẽ có nhiều “khoảng vắng”.

 

Trong khi “xen lấn, xô đẩy” trong lòng biết bao kỷ niệm muốn nói, tôi vẫn không thể quên được cái đêm “lạc rừng” khi cắm trại ở Blue Mountain. Chúng tôi một tốp 6 người đã xuống “vực” khi chiều tà, lang thang trong rừng dưới ánh sáng le lói của “sâu đá”, “nhờ nhờ” của cell-phone, và tưởng như phải ở lại trong đêm hoang lạnh của rừng. Cuối cùng, sau 6 tiếng ròng rã “mò mẫm”, chúng tôi đã thoát khỏi “đêm giá”, được trả lại cho đời trong hai chữ “bình yên”. Những cảm xúc ngập tràn đã được tôi gửi vào bài thơ “Dạ hội đêm trường”.

 

Chúng tôi đây những chàng trai cô gái

Việt, Nam, Hoàng, Hương, Thảo và Loan

Đã hội tụ nơi miền đất rộng

Núi thênh thang, tim tím cả đất trời...

 

huongtpnam@yahoo.com