Khi đồ dùng học tập là... chất nổ

Một cậu học trò vô tình bỗng trở thành "sát thủ", khi sở hữu 22 lọ hoá chất. Đống hoá chất này được cậu "thó" dễ dàng từ phòng thí nghiệm của trường. Đến một ngày, lọ hoá chất cậu mang theo người bất ngờ bị vỡ và phát nổ, gây đứt gân 2 ngón tay của cậu và đứt lìa 3 ngón tay của người bạn học...

Thuốc nổ tự chế

 

Đó là vụ nổ hoá chất dùng trong thí nghiệm xảy ra tại sân Trường Tiểu học xã Đức Bình Tây vào đêm 28/3/2005. Tác giả của "phi vụ" là em Phạm Xuân Thương (14 tuổi, học lớp 8A, Trường THCS xã Đức Bình Tây).

 

Đầu năm học lớp 8, học môn hoá do thầy Trần Phước Linh giảng dạy, Thương cảm thấy rất mê các lọ hoá chất đủ màu, khi pha lại với nhau thì xảy ra nhiều phản ứng rất lạ mắt, lại còn có thể... cháy, nổ! Thế là trong thời gian mấy tháng, Thương đã âm thầm sưu tập... từ phòng thí nghiệm của trường đến 22 lọ hoá chất.

 

Theo biên bản của công an xã và huyện này, tang vật hoá chất gồm: MnO2, BaCl2, H2SO4, CaCO3,... có lọ dạng bột, có lọ dạng lỏng, có cả những lọ không nhãn hiệu; Thương đã dần dần "tạo dựng" thành một "kho báu" tại... đống gạch ống trong vườn nhà. Một số bạn học đã từng thấy Thương pha trộn, chế tạo ra những thứ phát cháy, nổ... ngoạn mục!

 

Và tai nạn khủng khiếp đã đến. Buổi chiều đi học về, Thương ra "đống gạch ống" pha chế một lọ hoá chất, rồi bỏ túi quần mang đến lớp học taekwondo, với ý định học xong sẽ... biểu diễn vài pha cháy, nổ! Trong lúc tập các động tác võ thuật, Thương bỗng thấy lọ hoá chất trong túi nóng ran, bèn lấy ra và đưa cho một bạn đứng cạnh là Lưu Chí Hảo (cùng học lớp 8), bất thần một tiếng nổ lớn xảy ra,... Em Hảo đã bị đứt rời mấy ngón tay, còn bàn tay em Thương cũng bị giập nát...

 

Đến giờ, vết thương của hai em đã tạm ổn; bàn tay phải của Hảo bị tiện đứt 3 ngón, 2 ngón còn lại bị dị tật; bàn tay phải của Thương thì bị đứt gân 2 ngón và vài vết sẹo trong lòng tay. Đợt thi học kỳ II vừa qua, Hảo buộc phải tập viết bằng tay trái...

 

Công an huyện Sông Hinh đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự, vì "hành vi trên của em Thương không cấu thành tội phạm". Tuy nhiên, vụ việc này không thể dừng lại ở đó...

 

Quản sao đây?

 

Cô Nguyễn Thị Tuyết Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Đức Bình Tây thì cho biết: Nhà trường đã xử lý kiểm điểm giáo viên Trần Phước Linh vì đã buông lỏng quản lý hoá chất thí nghiệm dùng trong giảng dạy. Tuy nhiên, cô Tuyết cũng cho rằng, đồ dùng dạy học - trong đó có các loại hoá chất hiện rất nhiều, nhưng cơ sở phòng chứa thì thiếu thốn, tạm bợ, nhà trường đã nhiều lần đề nghị xây cất thêm, nhưng chẳng thấy động tĩnh gì; chúng tôi được biết vấn đề này cũng đang là chuyện đau đầu không chỉ ở Trường THCS Đức Bình Tây...

 

Ông Trần Văn Chương - Giám đốc Sở GDĐT Phú Yên - nói: Để quản lý chặt chẽ các loại hoá chất thí nghiệm dùng trong nhà trường là chuyện không hề đơn giản, riêng chuyện xây dựng phòng ốc để bảo quản dụng cụ học tập quá nhiều theo chương trình cũng là chuyện không thể đáp ứng ngày một ngày hai...

 

Sau vụ nổ này, điều dư luận quan tâm là làm sao thống nhất trong toàn ngành giáo dục cung cách quản lý an toàn các loại hoá chất có thể gây nguy hiểm đến tính mạng? Bên cạnh việc nhắc nhở giáo dục các em nhỏ, cần ràng buộc trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý giáo dục, giáo viên bộ môn về sử dụng đồ dùng dạy học.

 

Theo Lao động