Khi con công nhân nghèo đi học
Khoảng 4 giờ chiều, một bác xe ôm chở 2-3 học sinh về thẳng nhà cô giáo để nhờ cô cho ăn tối và trông giúp, bởi nhiều phụ huynh là công nhân phải tăng ca đến 8-9 giờ tối.
Đó là tình cảnh chung của nhiều công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TPHCM. Một số công nhân khác phải gửi con về quê vì học ở thành phố tốn kém hơn.
4 giờ chiều là giờ tan trường của Trường Tiểu học Bình Chiểu (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức), nhưng nhiều học sinh vẫn ở lại trường đến khoảng 5 giờ chiều. Giờ tan ca của công nhân thường từ 4 giờ 30 đến 5 giờ chiều.
Cô Lê Hà Mẫu Mến, giáo viên của trường kể, học sinh đa số là con công nhân, thường phải làm thêm, tăng ca. “Trước tình thế này, nhiều phụ huynh nhờ tôi dẫn con về nhà trông giúp, thậm chí có phụ huynh còn nhờ nấu cơm cho ăn, chứ bố mẹ không có thời gian”, cô Mến nói.
Cô Mến dẫn học sinh về nhà sau giờ tan học đã 4-5 năm nay. Trường chỉ học một buổi nên sau khi tan học, cô Mến thường nhờ các bác xe ôm đón học sinh về nhà để trông giúp.
Tại nhà cô Mến, học sinh được cô cho ăn trưa, sau đó ngủ đến 3 giờ dậy học bài và đến tối bố mẹ đến đón. Nếu phụ huynh thường xuyên tăng ca, cô Mến cho con họ ăn thêm buổi tối.
Vợ chồng anh Lê Văn An (35 tuổi, quê Vĩnh Long) làm công nhân tại khu công nghiệp Bình Chiểu có hai con học tiểu học thường xuyên gửi tại nhà cô Mến.
“Vợ chồng thường xuyên tăng ca nên không ai đón con, bí quá, vợ chồng tôi phải gửi con cho bà ngoại, mỗi tháng chu cấp 2 triệu đồng nhờ ngoại trông giúp. Mỗi năm gặp được hai lần nên nhiều lúc nhớ con, vợ chồng tôi ôm nhau khóc chứ không biết làm sao hết”. - Chị Lê Thị Hiền, công nhân khu chế xuất Linh Trung 2, Thủ Đức, TPHCM |
Theo anh An, lương công nhân hai vợ chồng một tháng chưa được 10 triệu đồng trong khi tiền nhà trọ, tiền con đi học, ăn uống… mỗi tháng ngốn hết 7-8 triệu đồng, nên phải thường xuyên tăng ca. Nhưng nếu tăng ca thì không có ai chăm con nên được một thời gian, vợ chồng anh phải tìm nhờ cô Mến trông giúp.
Anh Nguyễn Văn Phát (quê Vĩnh Long) có con học lớp một nhưng do không đủ điều kiện vào lớp bán trú của trường, nên đành gửi con ở nhà người dân. Theo anh Phát, lương công nhân ba cọc ba đồng, nếu không làm thêm thì không đủ sống, còn nếu làm thêm thì không ai trông con.
“Nói thiệt, làm thêm chẳng qua là để kiếm tiền trả công gửi con chứ cũng chẳng dư nhiều nhưng được cái là yên tâm hơn”, anh Phát tâm sự.
Một số giáo viên khác của trường cũng phải làm công việc “bảo mẫu” như cô Mến sau giờ tan học, bởi nhiều công nhân nài nỉ các cô trông con giúp để có thêm thời gian tăng ca.
Thậm chí, một số giáo viên phải thuê nhà dân để trông học sinh giúp phụ huynh. Một giáo viên tâm sư: “Quả thật, sau giờ dạy trên lớp, tôi cũng mệt lắm, muốn về với gia đình nhưng phụ huynh năn nỉ quá, thấy thương nên tôi phải thuê một phòng trọ ở gần trường để trông giúp”.'
Gửi con về quê học vì không có tiền…
Vợ chồng chị Lê Thị Hiền (quê Bến Tre, công nhân khu chế xuất Linh Trung 2, quận Thủ Đức) phải gửi con về cho bà ngoại trông và đi học ở quê sau khi học mẫu giáo xong, bởi “học ở thành phố tốn kém quá”.
“Vợ chồng thường xuyên tăng ca nên không ai đón con, bí quá, vợ chồng tôi phải gửi con cho bà ngoại, mỗi tháng chu cấp 2 triệu đồng nhờ ngoại trông giúp. Mỗi năm gặp được hai lần nên nhiều lúc nhớ con, vợ chồng tôi ôm nhau khóc chứ không biết làm sao hết”, chị Hiền mếu máo.
Chị Lê Thị Mỹ Tiên, công nhân khu công nghiệp chế xuất Linh Trung 2, phải đưa mẹ lên thành phố để phụ giúp trông con cho chị đi làm. Chị Tiên năm nay 35 tuổi, chồng mất cách đây gần 8 năm, để lại hai con nhỏ.
Một đứa học lớp năm, một đứa học lớp sáu nên đến đầu năm học, chị luôn phải chạy đôn chạy đáo để xoay tiền nhập học cho con. Lúc đầu, khi con nhỏ, chị phải thường xuyên gửi con cho người quen sau khi con tan học, bởi ngày nào chị cũng tăng ca. Về sau, chị dẫn mẹ lên ở cùng để trông con giúp chị. “Cuộc sống tuy có chật vật hơn nhưng bù lại, yên tâm hơn về mặt con cái”, chị Tiên tâm sự.
Chị Lê Thị Nga (quê Quảng Ngãi, công nhân khu chế xuất Linh Trung 2) năm nay có con gái vào lớp một. Đợt nhập học vừa rồi, chưa tính tiền học phí, các chi phí khác như áo quần, sách vở… đã là hơn 1 triệu đồng.
“Trước đây, hai vợ chồng cùng làm nên cũng không đến nỗi, giờ tôi nghỉ thai sản nên mọi thứ chồng phải lo hết. Chắc tới đây phải kiếm việc gì để vừa làm vừa trông con chứ không để một mình anh gánh, sợ anh kiệt sức quá”, chị Nga nói.
Tại nhà cô Mến, học sinh được cô cho ăn trưa, sau đó ngủ đến 3 giờ dậy học bài và đến tối bố mẹ đến đón. Nếu phụ huynh thường xuyên tăng ca, cô Mến cho con họ ăn thêm buổi tối. |
Theo Nguyễn Dũng
Tiền Phong