Bạn đọc viết:
Khi cha mẹ luôn ước ao “con được điểm càng cao càng tốt”
(Dân trí) - Có lẽ chưa bao giờ, điểm số của con trẻ trở thành nỗi khát khao của nhiều ông bố, bà mẹ như hiện nay. Quan niệm “Con học giỏi qua điểm số” dường như đã ngấm vào xương tủy của bao thế hệ phụ huynh.
Chính quan điểm đó trở thành gánh nặng trên những đôi vai, trong những suy nghĩ của lứa tuổi mà vốn được hưởng sự hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, vui chơi thay vào đó là sự lo lắng, u sầu khi không đạt điểm cao như bố mẹ mong muốn.
Có phải người lớn đang cướp mất tuổi thơ của các em? Hai câu chuyện sau là minh chứng cho điều đó.
Sáng nay, khi vào một quán quen dùng điểm tâm sáng, đang loay hoay tìm chỗ ngồi thì tôi bỗng nhận ra một cậu học trò nhỏ cách đây hai năm tôi từng dạy. Bây giờ em đang là học sinh lớp 8 của một trường thành phố. Vốn thân thiện giữa cô trò, em tiến lại gần chào tôi.
Em nhanh chóng khoe điểm Văn cho tôi biết: “Cô ơi, em làm bài thi Văn được 8,5 điểm.” Đôi mắt em ánh lên niềm vui. Rồi em nói tiếp: “ Năm nay, em đạt học sinh giỏi như năm trước cô à, nhưng tổng phẩy em chỉ đạt 8,6 thôi.” Đôi mắt em cụp xuống, khuôn mặt xị ra.
Tôi nhanh chóng chúc mùng em vì thành tích trên nhưng em lại miễn cưỡng: “Chúc mừng gì cô ơi, ba mẹ em bảo rằng phải đạt 9 phẩy mới có thưởng.” Tôi ngạc nhiên đến nghẹn lời.
Em cúi mặt xuống món điểm tâm với vẻ mặt buồn rười rượi và nói lí nhí: “Có phải siêu nhân đâu mà đạt đến 9 phẩy”. Tôi lại có dịp quan sát em - cậu học trò ngây thơ của tôi năm nào với bao suy nghĩ miên man.
Em xuất thân trong một gia đình danh giá với truyền thống hiếu học, hai năm trước dạy em, tôi có đôi lần tiếp xúc với cha mẹ em. Đó là trí thức, họ không tiếc tiền bạc, đầu tư công sức, thời gian để cho con học. Từ học chính khóa, ngoại khóa, học thêm tại nhà cô, học kèm tại nhà mình… miễn sao con mình đạt học sinh giỏi. Tôi nhớ chắc rằng, hè vào đầu năm lớp 6, cậu học trò nhỏ này đã học thêm như ca sĩ “chạy xô” rồi chứ chưa kể đến năm học lớp 8 này, em càng học bất chấp ngày đêm.
Gặp lại em, khác vẻ mập mạp, to con, phốp pháp thời xưa, em bây giờ ốm hẳn và dong dỏng cao. Em cúi đầu bên tô bún còn bốc khói: “Em buồn quá cô ơi, em rất cố gắng nhưng không tài nào đạt đến 9 phẩy”. Thế là năm nay, em không có phần thưởng gì từ bố mẹ rồi.
Nghe em nói và hiểu được nỗi lòng của cậu học trò cũ, tự nhiên món điểm tâm sáng trong miệng tôi trở nên đắng chát.
Cùng cảnh ngộ, cạnh nhà tôi có cô bé đang học lớp 9, là con của một gia đình lao động bình thường. Bố em làm nghề điện nước, mẹ buôn bán lặt vặt kiếm sống. Ước mơ của họ gửi gắm qua đứa con gái này vô cùng lớn lao. Mục tiêu cuối cùng là con phải đậu vào một trường cấp ba danh giá. Còn mục tiêu trước mắt là cô bé phải đạt điểm cao trong tất cả các môn học.
Cô bé học giỏi đều các môn, em có chân trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Ở sát cạnh nhà nhưng tôi rất hiếm khi thấy em vì em đi học thêm suốt ngày. Có những lúc ở nhà thì cô bé lại đóng cửa. Hỏi sao con không ra ngoài chơi, tôi luôn nhận được câu trả lời: “Con bận học bài cô ạ.”
Với con bé, lúc nào cũng học vì tôi nghe con bé bảo: “Nếu con đạt điểm 10 thì bố hoặc mẹ sẽ thưởng cho con một món quà.”
Khi biết con bé có nhiều quà là chắc rằng, tuần vừa rồi nó được nhiều điểm 10.
Hôm rồi, vừa dừng xe trước cửa nhà, tôi thấy con bé hớn hở chạy sang bảo: “Cô chúc mừng con đi, con thi Văn được 9,8 điểm, nhất khối 9 của trường con.” Con bé nhảy cẫng lên vui sướng vô cùng và la lớn: “Tới đây, con được thưởng nhiều lắm cô ơi.”
Con bé tiếp tục huyên thuyên với vẻ mặt sung sướng khó tả: “Con được 9,8 điểm mà lúc đầu con nhìn ngược điểm, tưởng mình được 6,8 điểm mà hết hồn hết vía. Con mà bị điểm thấp chắc con nhừ xương với bố con quá.”
Tôi đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, vừa mừng, lại vừa lo lắng cho cô bé: “Chẳng may nó bị điểm thấp thì sao?”.
Thời điểm này, cô bé tiếp tục vùi đầu vào ôn thi để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp lớp 9 và thi vào lớp 10 sắp tới, gặp được cô bé lại còn khó hơn.
Chúng ta vốn không xa lạ gì với câu hỏi cửa miệng nghe rất quen thuộc trong những lần gặp gỡ của các ông bố bà mẹ: “Con anh/chị học trường nào? Con bé/thằng bé đạt học sinh gì…?”. Những câu hỏi này vô hình trung làm cho phụ huynh càng đặt áp lực học tập, áp lực thành tích lên vai con.
Cả cậu bé và cô bé kể trên giờ như những con rô bốt, chẳng biết làm gì ngoài ăn và học, ngay giờ chơi cũng trở nên xa xỉ với các em.
Thế đó, tuổi thơ của con ai đánh cắp? Đến bao giờ tuổi thơ của các con mới trở về đúng nghĩa?
Thanh Thanh
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!