Nghệ An:
Khâm phục ý chí của cậu bé mồ côi không tay
(Dân trí) -Lúc Nhẫn lọt lòng, chị Vinh suýt ngất xỉu khi thấy con mình không có tay. Nhưng rồi Nhẫn dần lớn lên, chẳng có gì có thể khuất phục được ý chí sống và khát vọng học hành của cậu bé sớm mồ côi cha. Thiếu đôi cánh tay, Nhẫn luyện tập để viết bằng chân...
Số phận không may
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nép mình giữa xóm, chị Nguyễn Thị Vinh (SN 1965, trú xóm 10, xã Nghi Kim, Tp Vinh, Nghệ An) không ít lần rơi nước mắt khi kể về cậu con trai tật nguyễn Nguyễn Đình Nhẫn. Chị mang thai Nhẫn cũng bình thường như 4 đứa con trước. Một đêm, cơn đau bụng kéo tới, chị chỉ kịp bảo đứa con đầu đi gọi bố. Khi chồng về đến nhà thì chị đã hạ sinh. Cuộc vượt cạn tại nhà nhanh chóng và thuận lợi đến nỗi chính chị cũng không ngờ.
Chỉ đến khi vươn cổ nhìn xuống phía dưới, chị suýt ngất lịm khi đứa con mới sinh không có tay. “Thằng bé đỏ hỏn, hai cánh tay cụt đến vai, đôi chân huơ huơ nhìn đến tội. Nhìn con tật nguyền lại có biểu hiện thở khó khăn, lúc đó tôi đã nghĩ chắc trời không cho mình nuôi đứa con này”, chị Vinh kể.
Nhìn đứa con khiếm khuyết đôi cánh tay, chị Vinh đã khóc rất nhiều. Nhưng rồi, vượt qua những khắc nghiệt của số phận, vượt qua sự hoài nghi của mẹ, thằng bé cứ lớn lên như cây cỏ, chẳng biết ốm đau là gì. Chị Vinh kể tiếp: “Nhìn con mà nước mắt cứ rơi, thương đứt ruột mà không biết làm răng. Rồi nó lớn lên, vui chơi, học hành thế nào… bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu. Nhiều đêm vắt tay lên trán, tôi mới chọn được cái tên phù hợp cho con. Cuộc đời sẽ rất khó khăn, đặc biệt là một đứa không có hình hài trọn vẹn như nó. Bởi thế, tôi đặt tên con là Nhẫn, chỉ mong con đủ nhẫn nại, kiên trì trong cuộc đời này”.
Không có tay, Nhẫn chẳng biết đến lẫy hay bò. Cậu cứ nằm ngửa giữa giường, hích đôi vai lên ý chừng như muốn đứng dậy. Rồi bỗng một hôm, Nhẫn “bật dậy”, đứng vững vàng trên đôi chân của mình khiến bố mẹ mừng đến phát khóc. Đứng lên rồi tự mình tập những bước đi đầu đời, cũng ngã lên ngã xuống vì không có tay để giữ cho cơ thể cân bằng. Ngã rồi lại đứng dậy, cứ thế Nhẫn đi lại, chạy nhảy bình thường như những đứa khác trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Khát vọng con chữ của cậu bé không tay
Rồi Nhẫn cũng đến tuổi đi học. Nhìn hình hài con, chị Vinh cũng chẳng dám hy vọng gì nhiều nhưng cứ nhìn nó hì hụi cặp cái que giữa 2 ngón chân, bặm mồm đưa từng nét nguệch ngoạc xuống sân, chị đau như cắt từng khúc ruột. Chị đưa con sang lớp mẫu giáo đóng ở nhà văn hóa xóm nhờ cậy cô giáo. Thế là Nhẫn đi học. Và con đường đến trường của em cứ tiếp diễn như thế cho đến tận hôm nay.
Vào lớp mẫu giáo, Nhẫn được cô giáo tập cho cầm phấn, rồi chuyển sang cầm bút. Nét chữ ban đầu còn ngoằn ngèo, sau mãi cũng chịu ngay hàng thẳng lối và tròn trịa dần. Nhưng do cúi nhiều, sử dụng toàn bộ sức lực để điều khiển đôi chân nên lưng của Nhẫn đã bị cong vẹo đi, vai nhô ra như mang cục bướu. “Nhiều khi tập viết, chân cặp bút tê cứng, người cứ cúi gập xuống nên vai mỏi, lưng đau tê dại đi, em đã định vứt bút rồi. Tập mãi nó cũng quen, lần đầu tiên viết được chữ O tròn trịa, được cô giáo khen, em mừng đến phát khóc”, Nhẫn kể.
Hết mẫu giáo, Nhẫn được lên lớp 1. Con đường đến trường xa hơn. Hôm nào bố mẹ rảnh thì chở đi, nếu không Nhẫn đến trường bằng yên xe đạp của người em họ học cùng lớp. Nhẫn lên lớp 3 thì bố đột ngột qua đời. Một nách 6 đứa con, chị Vinh tưởng mình không đủ sức nuôi các con ăn học.
Thiếu thốn về vật chất, lại gặp cú sốc tinh thần khi bố qua đời nhưng Nhẫn vẫn không gục ngã, em vẫn tiếp tục đến trường, dù hành trình đến với con chữ của em khó khăn hơn trước. Viết chậm nhưng tiếp thu nhanh nên suốt năm cấp 1, năm nào Nhẫn cũng được nhận giấy khen. Sang cấp 2, chương trình học nặng hơn, Nhẫn viết không kịp thành ra chữ cứ xấu dần đi, học cũng chỉ ở mức trung bình khá.
Lên cấp 3 (hiện Nhẫn đang học lớp 10D, Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), trường xa nhà, mẹ bận bịu với 4 sào ruộng, chị gái lấy chồng, anh trai đi học đại học xa, Nhẫn lại đến trường cùng những người bạn tốt của mình. Thương con, thương bạn con oằn lưng đạp xe, chị Vinh xoay sở mua cho Nhẫn chiếc xe đạp điện để hành trình tới trường của con đỡ vất vả hơn.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đặng Thị Đào Tĩnh - giáo viên chủ nhiệm lớp 10D, Trường THPT Nguyễn Duy Trinh cho biết: “So với các bạn trong lóp thì Nhẫn học tương đối, khả năng tiếp thu tốt, đặc biệt là môn Văn. Học kỳ một vừa qua Nhẫn cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Ngoài ra em cũng khá hòa đồng và tích cực tham gia xây dựng bài. Biết hoàn cảnh của Nhẫn nên nhà trường và tập thể lớp luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho em”.
Viết bằng chân nên việc ghi bài của Nhẫn khó khăn hơn các bạn khác, bởi vậy nó đã hạn chế phần nào khả năng tiếp thu kiến thức của em. Tuy vậy, cậu học trò này lại có năng khiếu về môn văn học và đạt được điểm số khá cao. Nhưng tâm sự về ước mơ, Nhẫn cười: “Em mong sau này trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. Có lẽ nghề này phù hợp với người như em hơn. Nhưng hiện giờ đến cái máy tính cũng chưa có nên không biết bao giờ em mới với tới ước mơ...”.
Đôi mắt chị Vinh ngấn nước khi nghe cậu con trai tội nghiệp của mình chia sẻ ước mơ. Chồng mất sớm, hiện giờ một mình chị tần tảo nuôi 1 người con học đại học, một con học nghề, Nhẫn và đứa út đang học lớp 3. Thương con lắm nhưng chị cũng chẳng biết làm gì hơn.
“Hiện giờ Nhẫn cũng có thể tự làm một số công việc vệ sinh cá nhân, quét nhà cửa hay đi chăn bò giúp mẹ nhưng sau này không biết lấy ai chăm sóc Nhẫn. Làm mẹ, không cho con một hình hài lành lặn đã là có tội lắm rồi, không nuôi con ăn học được đến nơi đến chốn thì… Chị chỉ mong Nhẫn có đủ sức khỏe để học tập và nuôi dưỡng ước mơ của mình”, chị Vinh tâm sự.
Nhìn tấm lưng gầy còng rạp xuống để điều khiển đôi chân làm việc thay đôi tay, những dòng chữ hiện ra trên trang giấy, tôi biết, Nhẫn sẽ có đủ nghị lực, quyết tâm và cả nhẫn nại kiên trì để theo đuổi ước mơ của mình.
Video Nhẫn quét nhà, chăn bò giúp mẹ.
Hoàng Lam