Quảng Nam:

Khâm phục cậu SV tật nguyền tốt nghiệp loại Giỏi

(Dân trí)-Mẹ mất ngay khi em mới sinh ra. Ba năm sau đó, bố cũng mất vì lao lực… Nhờ cưu mang của những người thân trong gia đình, Gia Bảo lớn lên với di chứng bại não, nhưng em đã vượt qua mọi khó khăn để tốt nghiệp đạt loại Giỏi Trường CĐ Công nghệ Việt Hàn.

Có gặp Nguyễn Hoàng Gia Bảo mới hiểu rằng rất khó để em có thể học hành đến nơi đến chốn chứ đừng nói đến chuyện em vừa tốt nghiệp loại Giỏi Trường CĐ Công nghệ Việt Hàn, chuyên ngành Mạng máy tính.
 
Nguyễn Hoàng Gia Bảo với tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi.
Nguyễn Hoàng Gia Bảo với tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi.

Ông Nguyễn Văn Đẩu - chú ruột Gia Bảo tâm sự: Khi vừa mới sinh con, mẹ của Gia Bảo là Nguyễn Thị Bê đã không may mắn bị tai biến hậu sản và tử vong. Bản thân Gia Bảo bị di chứng bại não ngay từ lúc chào đời.

Ba năm sau, bố của Gia Bảo là Nguyễn Đăng Khoa cũng đã mất vì quá lao lực. Vậy là cậu bé Bảo mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Cả nhà nội cùng ngoại của Bảo đều dồn tình yêu thương và chữa chạy cho Bảo di chứng bại não. Nhưng vì bệnh quá nặng, Bảo không thể đi đứng và sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường khác.

Nhưng hoàn cảnh tật nguyền không thể cướp đi ước mơ được đến trường của Bảo. Suốt từ lớp 1 đến lớp 9, Bảo đi học với sự dìu dắt của người thân trong gia đình và bạn bè.

Nếu có tận mắt chứng kiến Gia Bảo đi đứng như thế nào mới thấy Bảo được đi học là cả một sự cố gắng không chỉ của riêng em mà của rất nhiều người. Đi học phải có người dìu đến trường, mọi sinh hoạt của Bảo cần phải có sự giúp đỡ của người khác. Thế nhưng khi học hết THCS, Bảo thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu - ngôi trường ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) mà những học sinh có học lực khá trở lên mới thi đậu.
 
Bảo viết rất khó khăn.
Bảo viết rất khó khăn.

Ba năm học, được chú ruột nuôi ăn ở, được sự chăm sóc tận tình của gia đình chú nhưng Bảo cũng đã tự thân vượt qua rất nhiều khó khăn, và nhận tấm bằng tốt nghiệp THPT loại Khá. Ước mơ của Bảo chưa dừng ở đó. Theo lời khuyên của người thân, thầy cô và bạn bè, với hoàn cảnh tật nguyền của mình, Bảo chỉ có thể thi vào những ngành nghề phù hợp. Thế là Bảo nộp hồ sơ thi vào ngành CNTT Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng.

Tiếc là Bảo còn thiếu nửa điểm mới đậu. Không nản chí, Bảo tìm hiểu thông tin và được biết, với số điểm đó Bảo có thể nộp hồ sơ vào Trường CĐ Công nghệ Việt Hàn đóng tại quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Thế là Bảo trở thành sinh viên trường này.

Ba năm học vất vả, ngày nhận bằng tốt nghiệp ai cũng ngỡ ngàng với tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi của Bảo. Chú ruột Bảo tâm sự: "Phải nói trong thời gian đi học, gia đình tôi thật sự vất vả. Một mình cháu không thể tự đi lại và sinh hoạt bình thường nên khi cháu vào trường, gia đình tôi rất lo lắng. Khi cháu còn học ở cấp 3 thì dễ, mọi chuyện đều có hai vợ chồng tôi lo lắng từng chút, từ khi cháu vào học ở trường CĐ, mọi chuyện cháu đều phải tự thân vận động là chính. Ngoài ra, các bạn bè cũng giúp đỡ rất nhiều cho Bảo".

Mỗi tuần vào chiều thứ 6, ông Đẩu chạy xe máy từ huyện Điện Bàn ra trường đón Bảo về nhà sinh hoạt, sáng thứ 2 ông lại chở Bảo ra trường. Ông bảo làm như vậy vất vả một chút nhưng để hạn chế tiền sinh hoạt của Bảo ở trường vì hoàn cảnh quá khó khăn.

“Mỗi tháng cháu được lãnh 360 ngàn tiền của Nhà nước hỗ trợ người tàn tật, còn lại gia đình tôi phải lo. Mà tôi thì chỉ làm đại ký vé số, vợ thì buôn bán ở chợ không có điều kiện để lo cho cháu nhiều được nên sức đến đâu tôi lo cho cháu đến đó”, ông Đẩu tâm sự.
 
Bảo viết rất khó khăn.
Với hoàn cảnh của mình, Bảo rất khó khăn khi tiếp cận với CNTT. Vượt lên khó khăn, em đã tốt nghiệp loại Giỏi.

Sau khi tốt nghiệp ngành Mạng máy tính Trường CĐ Công nghệ Việt Hàn, Bảo không muốn dừng lại ở đó. Tôi hỏi: "Sao Bảo không tìm một công việc với ngành nghề đã học để tự nuôi sống bản thân?", Bảo cho biết: "Khi tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi, em đã thử đi xin việc một vài nơi nhưng đã bị từ chối vì nhìn em họ không yên tâm giao công việc. Hơn nữa, emo thấy kiến thức của mình chưa đủ đáp ứng với thực tế hiện nay nên muốn đi học tiếp".

“Ước mơ của Bảo là muốn đi học tiếp nếu có điều kiện để hoàn thiện và nâng cao kiến thức, sau đó mới đi kiếm việc làm tự nuôi sống bản thân rồi giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh như mình”, Bảo tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Đẩu cho biết, sau khi Bảo nhận bằng tốt nghiệp và nghe Bảo trình bày nguyện vọng, gia đình đã liên lạc với trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng. Sau khi nộp hồ sơ, ĐH Bách khoa đã đồng ý tuyển thẳng để Bảo học liên thông lên ĐH mà không phải thi tuyển với ngành mà Bảo đã chọn.

“Nghe cháu được lên học ĐH, tôi mừng nhưng cũng lo lắm. Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn quá, không biết có đủ sức lo cho cháu không? Nếu có mạnh thường quân hay nhà hảo tâm nào giúp cháu một phần thì tôi đỡ lo biết mấy”, ông Đẩu tâm sự.
 
Chiếc xe đẩy, vật bất ly thân của Bảo ở trường cũng như ở nhà.
Chiếc xe đẩy, vật bất ly thân của Bảo ở trường cũng như ở nhà.

Nói về cậu học trò tật nguyền học giỏi, cô Dương Thị Thu Hiền - GV chủ nhiệm lớp của bảo đánh giá: "Đối với em Gia Bảo, không những tôi mà toàn bộ thầy cô ở Trường CĐ Công nghệ Việt Hàn đều cảm phục em vì tấm gương vươn lên trong học tập. Trong quá trình học tập, Bảo không chùn bước mà luôn cố gắng khắc phục những khó khăn của bản thân để hòa đồng cùng bạn bè".

Cô Hiền cũng tâm sự, bên cạnh sự cố gắng của Bảo, bạn bè và nhà trường luôn luôn động viên chia sẻ em trong việc học tập cũng như trong sinh hoạt hằng ngày. Đối với việc học, Bảo cũng cạnh tranh bình đẳng như các bạn sinh viên khác. Khi Bảo không hiểu bài thì Bảo cũng đưa tay lên hỏi dù em nói rất khó khăn khiến thầy cô và bạn bè đều cảm động và mến phục.

“Dù gặp khó khăn về nhiều mặt nhưng Bảo cũng rất siêng năng trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa của lớp, Bảo cũng muốn sống cho mọi người chứ không cho riêng mình. Em đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng và tình cảm”, cô Hiền nói về Gia Bảo.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm