Nghệ An:
Khai bút đầu xuân trên quê hương bà chúa thơ Nôm
(Dân trí) - Vùng đất khoa bảng - đất học nổi tiếng xứ Nghệ, quê hương của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu) long trọng tổ chức Lễ khai bút đầu xuân vào dịp Tết Bính Thân 2016.
Lễ khai bút đầu xuân được xã Quỳnh Đôi phối hợp với Hội Khuyến học xã tổ chức đã 7 năm nay. Lễ khai bút cũng đã trở thành truyền thống tốt đẹp của quê hương làng Quỳnh trong những năm qua.
Lễ khai bút đầu xuân Bính Thân 2016 có 60 em học sinh đại diện cho hơn 800 em học sinh của toàn xã Quỳnh Đôi tham gia, trở thành ngày hội thường niên và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các em học sinh.
Cũng nhờ đó mà truyền thống quê hương được giữ gìn tiếp nối, thành tích giáo dục của địa phương ngày càng có bước phát triển mới.
Trong ngày hội khai bút đầu xuân các em học sinh còn được nghe kể về truyền thống khoa bảng, cùng nhau viết nên những dòng thơ, câu văn nhằm ca ngợi sự đổi mới của quê hương.
“Khai bút đầu Xuân là một nét đẹp văn hóa ở vùng đất học Xứ Nghệ nói chung và xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) nói riêng. Xưa nay, ở Quỳnh Đôi “đi học” được xem như một nghề. Lễ khai bút đầu Xuân được người dân nơi đây đặc biệt coi trọng, gìn giữ phát huy và mong muốn cho các em một năm mới luôn học hành tấn tới, đạt kết quả tốt đẹp mà những bậc sinh thành mong đợi”, đại diện một cán bộ hội khuyến học chia sẻ.
Trong văn hóa và thói quen của người Việt Nam, mọi người quan niệm rằng, ngày đầu tiên của năm là ngày quan trọng cho một khởi đầu mới. Những ngày đầu tiêu của năm, nếu mọi việc suôn sẻ, ai nấy vui vẻ thì cả năm sẽ luôn được may mắn. Trong khoảng thời gian đó, mọi người thường tranh thủ làm nhiều việc lấy may cho năm, trong đó, tục chắp bút (hay khai bút) đầu năm luôn luôn được nhân dân ta để ý, nhắc nhở nhau thực hiện, mong cho một năm mới phát tài.
Tục khai bút thường chỉ có giới học giả trong xã hội mới thực hiện. Tục này xưa có ông đồ, thầy đồ, học sĩ, ngày nay có học sinh, giới văn sĩ, thi sĩ, người làm nghề viết. Thường thì sau giao thừa, mọi người sẽ chọn một giờ tốt để làm lễ khai bút.
Đây là một lễ tượng trưng, gọi là để bắt đầu sự nghiệp, sự học, sự viết cho một năm mới. Có người chỉ viết lên ngày, tháng đánh dấu việc khai bút, nhưng cũng có người sáng tác cả một tác phẩm đầu năm cho lúc khởi đầu này.
Cũng có người viết lên những mong muốn cho một năm mới nhiều thuận lợi, học hành được tiến bộ và tương lai nghề nghiệp rộng mở. Những ông đồ hay Nho sĩ khai bút thường viết câu đối hoặc một chữ đẹp để treo trong nhà.
Tục khai bút không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết, nhưng từ bao lâu nay, nó vẫn được mọi người đề cập đến nhiều trong cuộc sống, nhất là những ngày đầu năm. Và, không nhất thiết phải khai bút vào ngay sau giao thừa, mà có thể chọn một ngày hay một giờ thích hợp nào đó để Ịàm việc này, từ ngày mồng một Tết cho đến những ngày sau đó.
Khai bút đại cát - người xưa thường viết như thế khi đưa những nét chữ đầu tiên của năm, với ý nghĩa là khai bút để gặp những điều tốt lành, đồng thời thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa, đề cao sự học. Đây là một tập tục đẹp, một nét văn hóa Tết đáng được nhân dân ta gìn giữ, phát huy cho đến tận mãi về sau.
Nói chung, lễ khai bút là một phong tục đẹp của người Việt Nam với mong muốn hướng tới tinh thần trọng ngôn quý ngữ.
Dưới đây là một số hình ảnh Lễ khai bút đầu xuân tại làng Quỳnh Đôi:
Các em suy tư, thể hiện bài viết tốt trong ngày khai bút.
Những nét chữ trong ngày khai bút đầu xuân 2016 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Nguyễn Duy