Khắc phục tình trạng xa rời tiếng mẹ đẻ ở nước ngoài
(Dân trí) - Hiện có khoảng gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài nhưng phần đông giới trẻ trong các cộng đồng người Việt quên dần hoặc không biết tiếng Việt, có nguy cơ trở thành lớp người ngày càng xa rời bản sắc văn hoá và cội nguồn dân tộc.
Ngày 22/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Hội thảo “Báo chí với việc nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài". Chương trình nằm trong khuôn khổ chương trình Đoàn phóng viên, báo chí kiều bào về nước làm việc năm 2013.
Nhạt nhòa tiếng mẹ đẻ
Theo Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu của các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, những hoạt động này diễn ra với các mức độ và kết quả khác nhau.
Ở một số quốc gia như Australia, Canada, Mỹ, Nhật, Pháp..., tiếng Việt khá được coi trọng, thậm chí tiếng Việt còn được chính quyền sở tại nhiều nước công nhận như một ngôn ngữ chính thức, được giảng dạy ở cấp tiểu học, trung học và đại học. như ở Pháp, tiếng Việt được Bộ giáo dục Pháp công nhận như một ngoại ngữ chính thức trong các kỳ thi tú tài hoặc tuyển sinh vào đại học…
Phân tích nguyên nhân trên, nhà báo Ngô Tiếp Điệp cho hay: “Người Việt ở Nga hiện nay chủ yếu là những tiểu thương, mưu sinh bằng công việc buôn bán, không có nhiều thời gian gần gũi để chăm sóc, chỉ bảo thường xuyên cho con cái mình. Đa phần trẻ Việt được gửi cho các bảo mẫu người Nga nuôi từ khi bắt đầu chập chững biết đi. Khi đến tuổi đi học, trẻ Việt cả ngày ở trường, học nét ăn, nét ở, nét sinh hoạt của người Nga. Hơn nữa, phần đông cha mẹ các cháu không đánh giá cao tầm quan trọng của việc giáo dục ngôn ngữ, về nết ăn, nết ở theo phong tục Việt cho trẻ em, thường xuyên phó mặc cho nhà trường, xã hội. Sự nhận thức hời hợt đó đã dẫn đến việc nhiều thanh, thiếu niên Việt ở Nga hiện nay không hiểu về lối sống, văn hóa Việt Nam”.
![Khắc phục tình trạng xa rời tiếng mẹ đẻ ở nước ngoài - 1 Phải thực sự coi tiếng Việt là một tài sản!](https://icdn.dantri.com.vn/vtfPRccccccccccccodZ/Image/2013/10/tieng-Viet-6e420.jpg)
Phải thực sự coi tiếng Việt là một tài sản!
Tại hội thảo, TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng ban Tuyên giáo TƯ cho biết: “Trước hết, là trách nhiệm của các cơ quan liên quan như Bộ GD-ĐT, Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan làm công tác giáo dục, báo chí, truyền thông cần nhận thức rõ một vấn đề quan trọng mà chúng ta đang đề cập đến. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ, giáo dục các thế hệ người Việt ở nước ngoài quan tâm tới việc giữ gìn bản sắc dân tộc bắt đầu bằng việc giữ gìn tiếng nói. Phải thực sự coi tiếng Việt là một tài sản, "một của cải lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc" (Hồ Chí Minh) thì mới thấy có trách nhiệm giữ gìn và yêu quý tiếng Việt đã có từ hàng ngàn năm nay”.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Viện trưởng, Viện KHGD Việt Nam cho biết: “Bộ GD-ĐT đã tổ chức biên soạn, thẩm định và phê duyệt hai chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm Chương trình dạy tiếng Việt cho thanh, thiếu niên (Tiếng Việt vui) và Chương trình dạy tiếng Việt cho người lớn (Quê Việt). Trước khi hai bộ sách được in chính thức để phát hành rộng rãi, ba đoàn dạy thử nghiệm sách đã được cử đi Thái Lan, Cộng hòa Pháp, Mỹ và một số nước Trung và Đông Âu (CHLB Đức, CH Séc và Ba Lan) để tìm hiểu về nhu cầu học tiếng Việt, giới thiệu về hai bộ sách tiếng Việt của Đề án và dạy mẫu, hướng dẫn cho giáo viên dạy tiếng Việt tại các nước này.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, khâu khó khăn nhất đối với việc triển khai dạy theo hai chương trình và hai bộ sách mới (Tiếng Việt vui và Quê Việt) chính là đội ngũ giáo viên đảm nhiệm việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
“Với đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt của Hội người Việt Nam ở hầu hết các nước hiện nay là những người không được đào tạo theo các khoa sư phạm, không có chuyên môn về tiếng Việt nên việc dạy tiếng Việt khó đảm bảo được chất lượng. Rất mong Nhà nước có chương trình hỗ trợ để nâng cao hiệu quả việc đạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” - bà Yến kiến nghị.
Hồng Hạnh