Hiệu trưởng ĐHDL Hải Phòng:

“Kết quả kiểm định đã quá cũ so với thực tế”

(Dân trí) - Xã hội đang nóng lòng chờ Bộ GD-ĐT công bố kết quả kiểm định chất lượng 20 trường ĐH đầu tiên. Tuy nhiên, GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng cho rằng: “Kết luận này đã quá cũ, khác xa với thực tế, nếu Bộ công bố thì đã quá muộn”.

Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Hữu Nghị về vấn đề này.

“Kết quả kiểm định đã quá cũ so với thực tế” - 1
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Theo GSTS Trần Hữu Nghị, kiểm định năm 2006-2007 mà đến cuối 2009 mới công bố thì kết luận đã quá khác thực tế.
Theo dự thảo kết luận của Hội đồng quốc gia Kiểm định chất lượng giáo dục thì trường ĐH Dân lập Hải Phòng đứng thứ 18/20 trường được kiểm định, ông nghĩ gì về kết quả này?

Sau 8 năm xây dựng và phát triển, trường ĐH Dân lập Hải Phòng (HPU) đã được Bộ GD-ĐT chọn là một trong 20 trường đầu tiên của cả nước được tham gia kiểm định chất lượng. Sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá và nộp cho Bộ đúng thời hạn, HPU là một trong 12 trường đầu tiên được Bộ chọn để đánh giá ngoài vào cuối năm 2006. 

Chúng tôi rất vui mừng vì Bộ đã tạo điều kiện cho trường tự đánh giá mình một cách có hệ thống dựa trên 53 tiêu chí của 10 tiêu chuẩn để nhà trường tự nhận ra thực trạng, những điểm mạnh, điểm yếu, những tồn tại, để có biện pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục tồn tại.

Đặc biệt, trong đợt đánh giá ngoài, chúng tôi đã đươc đón những chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước giàu kinh nghiệm về làm việc. Đoàn đã nghiên cứu chi tiết báo cáo tự đánh giá, kiểm tra minh chứng, khảo sát thực tế để nhận xét, đánh giá chỉ ra mặt tích cực và hạn chế để trường khắc phục.

Năm 2009, Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục công bố quyết định thẩm định kết quả tự đánh giá, đánh giá ngoài và đề nghị Bộ công nhận HPU là đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Cũng cần nhấn mạnh một điều là kiểm định không phải là hoạt động xếp hạng các trường đại học. Mục đích kiểm định chất lượng giáo dục trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục... Vậy nên, chúng tôi tin tưởng kết quả đánh giá, thẩm định của Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục, người trọng tài trong giáo dục.

Vậy HPU chưa đạt được những tiêu chí gì?

Theo đánh giá của đoàn chuyên gia đánh giá ngoài tại thời điểm năm 2006, HPU chưa đạt 4 tiêu chí về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và 1 tiêu chí về cơ cấu tổ chức.

Tuy nhiên nhà trường đã khắc phục và báo cáo Bộ về những cải tiến sau đánh giá. Cho đến nay, các tiêu chí đã phù hợp với yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các trường đại học.

Ông có nhận xét gì về kết quả kiểm định và công tác kiểm định?

Kiểm định chất lượng rất có tác dụng đối với trường tôi, và tôi nghĩ đối với các trường khác cũng vậy. Nhưng theo tôi trong thời gian qua, công tác kiểm định được triển khai quá chậm, vì vậy nó chưa trở thành đòn bẩy cho việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường.

Để phát triển và đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, mỗi trường cần tự đánh giá và nhìn nhận một cách trung thực, khách quan nhất vào thực trạng của mình để từ đó có kế hoạch chỉnh sửa, khắc phục, cải tiến. Bộ tiêu chuẩn kiểm định giúp các nhà trường tự soi mình trong một chiếc gương chung về giáo dục để biết mình đang ở mức độ nào, như vậy phải nói rằng có bộ tiêu chuẩn kiểm định là rất tốt. Vì vậy chúng tôi cho rằng kiểm định chất lượng là việc các trường cần làm.

Trên cơ sở Bộ tiêu chuẩn kiểm định, các trường tự đánh giá mức độ đạt tiêu chuẩn chất lượng. Khi nhà trường tự nhận thấy đã đạt các tiêu chuẩn thì đăng ký với Bộ GD-ĐT để được kiểm định.
 
“Kết quả kiểm định đã quá cũ so với thực tế” - 2
ĐH Dân lập Hải Phòng

Theo như ông nói thì các trường được kiểm định đã khắc phục và giải quyết được những hạn chế, yếu kém mà Hội đồng kiểm định đưa ra. Như vậy, bây giờ Bộ GD-ĐT công bố kết luận kiểm định này là quá muộn?

Đúng vậy! Hai mươi trường đầu tiên đã tiến hành tự đánh giá vào năm 2005 và 2006. Bộ GD-ĐT tổ chức đánh giá ngoài cho 20 trường này vào năm 2006 và 2007. Như vậy, kết quả kiểm định mà hiện nay Bộ GD-ĐT công bố là kết quả mà các trường đã đạt được tại thời điểm năm 2006, 2007. Đến nay, các trường đều đã triển khai các biện pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục tồn tại và triển khai các kế hoạch để phát triển nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, kết quả kiểm định Bộ công bố sẽ không phản ánh đúng hiện trạng của các trường đã được kiểm định năm 2006, 2007.

Ví dụ, năm 2006, HPU chỉ mới có kế hoạch để triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ. Đến nay, trường đã đưa hệ thống đào tạo tín chỉ đi vào ổn định và áp dụng với tất cả các ngành học của nhà trường.

Chúng tôi cho rằng, nếu Bộ công bố kết quả kiểm định sớm hơn sẽ không gây nên những thắc mắc và nghi ngờ không đáng có đối với kết quả đánh giá các trường.

Có dư luận cho rằng hễ kiểm định trường nào là trường đó đều đạt chất lượng?

Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục nước nhà thực hiện kiểm định chất lượng, do đó điều dễ hiểu là Bộ phải chọn những trường có uy tín, có chất lượng giáo dục và đào tạo tốt đã được xã hội công nhận, để từ đó rút kinh nghiệm triển khai ra các trường khác. Chúng ta cũng thấy rằng, ngay sau khi đánh giá 20 trường trong đợt đầu, bộ tiêu chuẩn kiểm định đã được chỉnh sửa cho phù hợp hơn.

Vì vậy chúng tôi cho rằng kết quả kiểm định đã phản ánh khách quan, trung thực chất lượng giáo dục của các trường.

Ông có kiến nghị gì về công tác kiểm định hiện nay để nâng cao chất lượng giáo dục đại học?

Bộ GD-ĐT cần triển khai công tác kiểm định cho tất cả các trường. Sau khi kiểm định Bộ nên công bố ngay kết quả. Kết quả kiểm định cần được công khai.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh
(Thực hiện)