Kết nối nhân lực - chìa khóa phát triển Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy đặt vấn đề: Ở thời điểm này nếu so sánh về lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) với các cường quốc trên thế giới ở châu Âu, điển hình là Mỹ thì nước ta đi sau đến khoảng gần 70 năm. Vậy con đường nào cho chúng ta đi?
Đó cũng là câu hỏi chính được các chuyên gia giải đáp trong tọa đàm bàn tròn “Việt Nam: Từ AK đến AI” diễn ra tại Hà Nội ngày 4/11 trong khuôn khổ Ngày hội Toán học Mở 2018. Chủ đề AK - AI là ý tưởng nối lại một chặng đường dài của đất nước từ những năm tháng rất dài của chiến tranh với biểu tượng khẩu súng AK đến thời đại số ngày hôm nay, trong đó trí tuệ nhân tạo - AI là một trong những trọng tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Việt Nam có lợi thế đào tạo Trí tuệ nhân tạo ở các trường đại học
Báo cáo thương mại năm 2018 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây có nhấn mạnh đến công nghệ số, đặc biệt AI sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến thương mại toàn cầu; cụ thể là giảm chi phí và tăng năng suất. Đồng thời, cũng tạo ra thách thức đối với các nền kinh tế trong theo kịp đổi mới sáng tạo.
Với vai trò là Tư lệnh trong quá trình đàm phán đưa Việt Nam vào WTO vào tháng 11/ 2016, ông Trương Đình Tuyển (từng là Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO gần 10 năm trước khi đang là Bộ trưởng Thương mại cũ, nay là Bộ Công thương), nhận định, với việc Việt Nam là thành viên của WTO, đồng thời đã, đang và sẽ tham gia nhiều hiệp định mậu dịch tự do mới tạo điều kiện để nước ta xâm nhập thế giới nhưng cũng gặp sức ép cạnh tranh rất lớn của các nước khác.
“Bối cảnh này, quan trọng nhất là nguồn lực, bản lĩnh vươn lên, khát vọng của chúng ta để chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học. Trong các nguồn lực cạnh tranh của quốc gia, sức cạnh tranh nguồn lực con người luôn luôn là sức cạnh tranh dài hạn và mạnh nhất, có sự cạnh tranh về nguồn lực con người sẽ đảm bảo chúng ta chiến thắng”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH & CN) Bùi Thế Duy (từng học đại học ở Úc, tốt nghiệp tiến sĩ ở Hà Lan, cựu giảng viên Khoa CNTT của ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội): Ở thời điểm này nếu so sánh về trí tuệ nhân tạo với các cường quốc trên thế giới như Mỹ hay châu Âu thì nước ta đi sau đến khoảng gần 70 năm. Vậy con đường nào cho chúng ta đi?
Ông Duy nói: “Tại sao trong các cuộc chiến Việt Nam có thể thắng được ngoại xâm, dù lúc đó so sánh về KH-CN chúng ta đi sau rất nhiều? Tôi nghĩ, cái chính ở đây là khát vọng và cách làm. Trong thời chiến, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của chúng ta được đẩy lên cao trào, mọi người dân đều sẵn sàng cầm súng - đó chính là khát vọng. Và thứ hai chính là bài học về cách tổ chức, tập hợp. Chỉ có thể tổng hợp nguồn lực từ mọi người dân thì Việt Nam với vượt qua những cuộc chiến như vậy.
Trong thời điểm hiện nay, chúng ta phải đặt lại hai vấn đề đó. Và trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng vậy. Muốn phát triển trí tuệ nhân tạo, phải tạo nên lòng yêu KH-CN trong mọi đối tượng và có hướng đi phù hợp”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy (bên trái).
Thứ trưởng Bộ KH&CN đánh giá, Việt Nam có lợi thế nhất định về đào tạo CNTT hơn một số lĩnh vực khác: “Lực lượng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo của Việt Nam phần nào có lợi thế, vì nó chiếm tỷ trọng rất lớn trong các khoa Công nghệ thông tin (cái gốc từ môn Toán học) của các trường đại học trên khắp cả nước. Người Việt Nam vốn rất mạnh về Toán, nên việc đào tạo trí tuệ nhân tạo ở các khoa CNTT của Việt Nam lớn hơn nhiều so với ở các lĩnh vực khác”.
GS. Hồ Tú Bảo (bên trái).
Theo GS. Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản), trong tình hình hiện nay, Việt Nam nên tập trung phát triển AI ở những lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, y tế, giáo dục,… Chỗ nào có dữ liệu thì chúng ta đưa AI vào phát triển. Chẳng hạn, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia để đánh giá cung cầu trong nông nghiệp tránh tình trạng được mùa - mất giá.
“Việt Nam từ thời trước đã tập trung vào học Toán, tiềm lực Toán học rất tốt do vậy nếu đánh thức được tiềm lực đó thì chúng ta sẽ thuận lợi hơn những nước láng giềng ở Đông Nam Á để đẩy nhanh phát triển AI”, GS. Hồ Tú Bảo chia sẻ.
GS. Hồ Tú Bảo chia sẻ về những lĩnh vực Việt Nam nên tập trung phát triển AI
Giải bài toán kết nối nhân lực
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của tọa đàm, hiện nay lực lượng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam rất tản mác.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy lấy ví dụ: “Ở mỗi nhóm đều có những kết quả nghiên cứu lặp lại, 10 nhóm khác nhau cùng nghiên cứu về bài toán nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ. Đó là do chúng ta chưa tạo được liên kết tổng lực. Chưa kể đến, để phát triển AI rất cần liên kết với các nhà khoa học ở các ngành khác, đặc biệt là Toán học”.
Ông Bùi Thế Duy cho hay, trong giai đoạn này, Bộ KH&CN được Chính phủ giao đầu mối về các cách thức tiếp cận CMCN 4.0 chủ yếu là kết nối và số hóa.
“Chúng tôi xây dựng chương trình nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo là trọng tâm. Trong đó, cố gắng tổ chức tập hơn nhân lực nhà khoa học trong lĩnh vực CNTT và các ngành khác để cùng ra quân trong “trận đánh - tự chiến thắng” của chúng ta. Điều đầu tiên là xây dựng dữ liệu “Hệ tri thức Việt số hóa”, bên cạnh các nguồn lực như nhân lực, vật lực, tài lực. Đặc biệt, cần kết hợp nhà nước, doanh nghiệp và các nhà khoa học cùng làm, cùng tạo bài toán mang tính thương hiệu về trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
Tiến sĩ Đào Đức Minh (Quyền giám đốc điều hành viện nghiên cứu dữ liệu lớn thuộc Vintech, phụ trách mảng trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính; tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH John Hopkins, Mỹ) kiến nghị doanh nghiệp với các trường đại học cần có sự liên kết chặt chẽ.
“Hiện tại dường như liên kết giữa các đại học và doanh nghiệp chưa được sâu sát. Để phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam cần sự hợp tác. Doanh nghiệp có các bài toán và có nguồn lực, còn trường đại học lại có nhân lực và nguồn chất xám rất tốt”.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói về từ khóa để phát triển AI tại Việt Nam: Kết nối
Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh lại: “Kết nối - thứ có trong thời chiến hiện nay chúng ta rất thiếu. Đặc trưng là kết nối để tạo dữ liệu lớn. Nối dữ liệu, tri thức của con người Việt Nam với nhau nhằm tạo các sản phẩm AI mà Việt Nam có lợi thế. Hiện nay chúng ta triển khai dự án theo phương thức kiềng 3 chân: cơ quan quản lý nhà nước tạo ra dự án để cả doanh nghiệp, viện, trường nghiên cứu cùng bắt tay vào làm. Mục đích là tạo ra các ứng dụng giải quyết các bài toán thực tế của Việt Nam”.
GS. Hồ Tú Bảo nhận định, tuổi trẻ Việt phải có khát vọng, chí tiến thủ chiếm lĩnh, tấn công vào thành trì mới - Trí tuệ nhân tạo. Mặc khác, chúng ta cũng nên chú trọng kết nối nguồn nhân lực chất lượng cao là các nhà khoa học Việt đang công tác, nghiên cứu tại nước ngoài.
Lệ Thu