Kết luận vụ tố cáo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
(Dân trí) - Ngày 2/3, Bộ GD-ĐT đã công bố kết luận xác minh nội dung tố cáo đối với ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo nội dung tố cáo, ông Trần Văn Tớp đã sao chép nhiều nội dung tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp cao ở siêu cao áp và cực cao áp” năm 1993 của PGS.TS Võ Viết Đạn trong giáo trình “Kỹ thuật điện cao áp” xuất bản năm 2007, xâm phạm quyền tác giả quy định trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
Theo nội dung phân tích, đánh giá thông tin, tài liệu, chứng cứ trong kết luận của Bộ GD-ĐT, từ các thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được, tham khảo ý kiến tư vấn của các cơ quan chuyên môn, đối chiếu với các quy định của pháp luật tại thời điểm năm 2007 cho thấy:
Về tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp cao ở siêu cao áp và cực cao áp” năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn (Tập bài giảng năm 1993):
Năm 1993, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) có tổ chức lớp bồi dưỡng cho các cán bộ kỹ thuật chuẩn bị tiếp nhận quản lý và vận hành đường dây 500kV và giao cho Bộ môn Hệ thống điện thực hiện nhiệm vụ biên soạn tài liệu, cử giảng viên trực tiếp giảng dạy cho lớp bồi dưỡng. Nội dung khóa bồi dưỡng gồm 05 chuyên đề, trong đó có chuyên đề “Kỹ thuật điện cao áp”, thời lượng giảng dạy 45 tiết được phân công cho nhóm chuyên môn Kỹ thuật điện cao áp do GS.TS Võ Viết Đạn làm trưởng nhóm. Bản gốc Tập bài giảng năm 1993 (khổ A4) có ghi tên Trường ĐHBKHN, tên tác giả Võ Viết Đạn, tên tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp cao ở siêu cao áp và cực cao áp”, năm phát hành 1993.
Tuy còn có ý kiến khác nhau về việc GS.TS Võ Viết Đạn độc lập biên soạn tài liệu này với tư cách cá nhân nhà khoa học được giao nhiệm vụ hay GS.TS Võ Viết Đạn biên soạn tài liệu có sự góp sức của nhóm chuyên môn (tài liệu là kết quả của các cuộc hội thảo nội bộ, trao đổi, thảo luận của nhóm chuyên môn) nhưng cho đến nay, Trường ĐHBKHN và các nhà khoa học có liên quan đều khẳng định GS.TS Võ Viết Đạn là tác giả của tài liệu này, không có tranh chấp về quyền đứng tên tác phẩm.
Vì vậy, theo quy định của pháp luật, Tập bài giảng năm 1993 là của GS.TS Võ Viết Đạn đứng tên tác giả và Trường ĐHBKHN là chủ sở hữu quyền tác giả.
Về giáo trình“Kỹ thuật điện cao áp: Quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp” năm 2007 của ông Trần Văn Tớp (Giáo trình năm 2007)
Kết luận cho rằng, giải trình của ông Trần Văn Tớp phù hợp với ý kiến của các nhà khoa học đã tham gia sự việc này tại thời điểm năm 2007, phù hợp với ý kiến chính thức của Trường ĐHBKHN và ý kiến của Cục Bản quyền tác giả; không mâu thuẫn với bất cứ ý kiến, tài liệu nào khác nên có căn cứ được chấp nhận. Ông Trần Văn Tớp biên soạn Giáo trình năm 2007 phù hợp với quy định tại các Điều 20, 28, 39 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Việc tố cáo ông Trần Văn Tớp xâm phạm quyền tác giả là chưa đủ cơ sở pháp lý để chấp nhận.
Rà soát, đối chiếu nội dung của Tập bài giảng năm 1993 và Giáo trình năm 2007 cho thấy tại 8/11 chương trong Giáo trình năm 2007 của ông Trần Văn Tớp (gồm 20 đề mục do người tố cáo nêu) có 1.207/3.422 dòng; 40/116 hình vẽ và 322/529 công thức giống với nội dung trong Tập bài giảng năm 1993 của GS.TS.Võ Viết Đạn.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Tớp có giải trình: “Một số nội dung trong tài liệu 1993 của PGS.TS Võ Viết Đạn là kiến thức lý thuyết chung đã có trong chương trình đào tạo kỹ sư ngành Hệ thống điện trước năm 1993. Một số nội dung chuyên môn mới trong tài liệu 1993 đã được Thầy Đạn và nhóm chuyên môn (trong đó có tôi) bàn bạc thống nhất và đã được thầy Đạn tổng hợp cô đọng vì vậy khi phân công viết giáo trình năm 2005 tôi thấy phù hợp nhất với yêu cầu cập nhật, bổ sung kiến thức mới, không cần thiết phải viết lại…”
Cùng với việc ông Trần Văn Tớp có nêu việc sử dụng Tập bài giảng năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn để biên soạn Giáo trình năm 2007 trong Lời nói đầu và đưa vào Danh mục tài liệu tham khảo của Giáo trình năm 2007, nội dung giải trình này của ông Trần Văn Tớp phù hợp với ý kiến của các nhà khoa học đã làm việc với Tổ xác minh, với ý kiến của nhóm chuyên môn Kỹ thuật điện cao áp nói riêng và ý kiến chính thức của Trường ĐHBKHN nói chung. Vào thời điểm giải quyết tố cáo, các cơ quan chuyên môn được Bộ GDĐT tham khảo cũng thừa nhận quan điểm này. Như vậy, có thể thấy việc ông Trần Văn Tớp sử dụng một số nội dung trong Tập bài giảng năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn là ngay tình, để thực hiện nhiệm vụ của Bộ môn giao và không cố ý che dấu nguồn gốc của của tài liệu được sử dụng; vì vậy, không đủ căn cứ cho rằng ông Trần Văn Tớp có dấu hiệu gian dối, vi phạm đạo đức nhà giáo và không trung thực.
Mặt khác, tuy ông Trần Văn Tớp không cố ý che dấu nguồn gốc tài liệu đã sử dụng nhưng với mức độ giống nhau như đã nêu ở trên mà không được chỉ rõ đã sử dụng từ Tập bài giảng năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn có thể thấy tố cáo về vấn đề này đã đúng một phần. Từ đó, việc ông Trần Văn Tớp đã và đang đứng tên là tác giả độc lập của Giáo trình năm 2007 cần được xem xét dưới các góc độ sau:
Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, quyền đứng tên tác phẩm thuộc quyền nhân thân của tác giả, không thể chuyển giao và không thuộc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả. Vì vậy, việc Trường ĐHBKHN cho phép ông Trần Văn Tớp sử dụng Tập bài giảng năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn khi biên soạn Giáo trình năm 2007 như đã phân tích ở mục trên không có nghĩa là cho phép ông Trần Văn Tớp được đứng tên tác giả đối với những chương hoặc đối với những nội dung (không có trích dẫn) trong Tập bài giảng năm 1993 do GS.TS Võ Viết Đạn đã biên soạn và đứng tên tác giả.
Theo các quy định của pháp luật, giáo trình là một tác phẩm khoa học và người trực tiếp sáng tạo ra là tác giả của tác phẩm đó. Ông Trần Văn Tớp xây dựng đề cương, thực hiện việc biên soạn mới một số chương và biên soạn lại một số chương khác từ Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn. Như vậy, ông Trần Văn Tớp có quyền đứng tên tác giả đối với các chương được biên soạn mới và có thể đứng tên chủ biên giáo trình.
Đối với các chương được biên soạn lại từ Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn thì tuỳ theo mức độ sử dụng, ông Trần Văn Tớp phải thực hiện một trong ba cách sau: (i) Trích dẫn rõ những nội dung đã sử dụng của GS.TS Võ Viết Đạn để đứng tên tác giả; (ii) Có thể đứng tên chung, đồng tác giả với GS.TS Võ Viết Đạn nếu đã sử dụng nhiều nội dung từ Tập bài giảng năm 1993 đến mức vượt quá quy định về trích dẫn; (iii) Có thể vẫn để GS.TS Võ Viết Đạn đứng tên nếu thấy phần chỉnh sửa là không đáng kể, chưa có sự đóng góp có tính sáng tạo đối với chương đó.
Khi thực hiện nhiệm vụ biên soạn Giáo trình năm 2007, ông Trần Văn Tớp có sử dụng nội dung Tập bài giảng năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn nhưng không chỉ rõ các nội dung đã sử dụng, đứng tên tác giả độc lập của giáo trình là chưa thực hiện đúng quy định về tác giả tại Khoản 1 Điều 736 của Bộ Luật Dân sự năm 2005. Từ đó, khi kê khai đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm 2009, ông Trần Văn Tớp đã kê khai là viết "một mình" giáo trình này trong khi một phần nội dung của giáo trình đó đã sử dụng từ Tập bài giảng năm 1993 và đã được GS.TS Võ Viết Đạn kê khai để xét công nhận chức danh giáo sư năm 1996.
Thiếu sót khuyết điểm về việc sử dụng nội dung Tập bài giảng năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn trong Giáo trình năm 2007 nhưng không chỉ rõ nội dung đã sử dụng; đứng tên tác giả độc lập của Giáo trình năm 2007 có sử dụng nội dung Tập bài giảng năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn như đã nêu trên trước hết thuộc về ông Trần Văn Tớp. Tuy vậy, việc này có nguyên nhân khách quan là tại thời điểm năm 2007, sở hữu trí tuệ còn là một lĩnh vực mới, chưa có các quy định chi tiết, rõ ràng nên các chủ thể có liên quan khó áp dụng một cách triệt để.
Ông Trần Văn Tớp đã thực hiện quy định này, không che dấu nguồn gốc của tài liệu được sử dụng (nêu tên tác giả Võ Viết Ðạn khi sử dụng Tập bài giảng năm 1993 trong Lời nói đầu và tài liệu tham khảo của Giáo trình năm 2007). Tại thời điểm đó cũng chưa có quy định cụ thể về việc biên soạn, thẩm định, trích dẫn trong công tác biên soạn giáo trình. Việc sử dụng Tập bài giảng năm 1993 của ông Trần Văn Tớp cũng không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 28 (về các hành vi xâm phạm quyền tác giả) của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 nên chưa đủ căn cứ pháp luật để chấp nhận nội dung tố cáo ông Trần Văn Tớp xâm phạm quyền tác giả quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Ông Trần Văn Tớp đã dẫn chiếu chưa chính xác về tên, năm phát hành Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn tại Lời nói đầu và tài liệu tham khảo của Giáo trình năm 2007. Các tài liệu, chứng cứ thu thập được và bản gốc Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn do Trường ĐHBKHN, gia đình GS.TS Võ Viết Đạn, PGS.TS Nguyễn Đình Thắng, ông Trần Văn Tớp lưu giữ, cung cấp cho Tổ xác minh cho thấy: Tập bài giảng “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp cao ở siêu cao áp và cực cao áp" của GS.TS Võ Viết Đạn được phát hành năm 1993 nhưng ông Trần Văn Tớp đã dẫn chiếu chưa chính xác tại Lời nói đầu: "Một số vấn đề kỹ thuật điện áp ở siêu cao áp và cực cao áp” năm 1992; tại Tài liệu tham khảo: [3] Võ Viết Đạn, "Một số vấn đề kỹ thuật cao áp và siêu cao áp", Hà Nội, 1992. Ông Trần Văn Tớp đã thừa nhận việc dẫn chiếu chưa chính xác về Tập bài giảng năm 1993 trong bản giải trình là sai sót của cá nhân nên cần phải được chỉnh sửa.
Chưa đủ cơ sở pháp lý để chấp nhận nội dung tố cáo ông Trần Văn Tớp xâm phạm quyền tác giả
Để có cơ sở kết luận về nội dung tố cáo, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và HĐCDGS liên ngành điện, điện tử, tự động hóa - HĐCDGS nhà nước nội dung đơn tố cáo của công dân, Tập bài giảng năm 1993, Giáo trình năm 2007, các tài liệu có liên quan và đề nghị Cục Bản quyền tác giả, HĐCDGS liên ngành xem xét, cho ý kiến chuyên môn về nội dung tố cáo của công dân đối với ông Trần Văn Tớp.
Ngày 3/2, Bộ GD-ĐT đã có kết luận như sau:
Nội dung tố cáo ông Trần Văn Tớp đã sao chép nhiều nội dung tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp cao ở siêu cao áp và cực cao áp” năm 1993 của PGS.TS Võ Viết Đạn trong giáo trình “Kỹ thuật điện cao áp” xuất bản năm 2007 là đúng một phần. Cụ thể: Ông Trần Văn Tớp có sử dụng một số nội dung Tập bài giảng năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn trong Giáo trình năm 2007 nhưng không chỉ rõ nội dung đã sử dụng; đứng tên tác giả độc lập của giáo trình có sử dụng một số nội dung trong Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn và từ đó kê khai viết một mình giáo trình này khi đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2009; dẫn chiếu chưa chính xác về Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn trong Giáo trình năm 2007.
Việc người tố cáo cho rằng ông Trần Văn Tớp xâm phạm quyền tác giả quy định trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 là chưa đủ cơ sở pháp lý để chấp nhận. Thực tế ông Trần Văn Tớp biên soạn Giáo trình năm 2007 theo nhiệm vụ được giao, có ký hợp đồng và thực hiện việc biên soạn giáo trình theo quy định của Trường ĐHBKHN; có nêu việc sử dụng nội dung Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn tại Lời nói đầu và Danh mục tài liệu tham khảo; Giáo trình năm 2007 đã được Trường ĐHBKHN tổ chức thẩm định, xuất bản, xác nhận là tài liệu học tập biên soạn phục vụ công tác đào tạo.
Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với ông Trần Văn Tớp
Về biện pháp xử lý và kiến nghị, đối với ông Trần Văn Tớp, Bộ GD-ĐT yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân về việc sử dụng nội dung Tập bài giảng năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn khi biên soạn Giáo trình năm 2007 nhưng không chỉ rõ các nội dung đã sử dụng; đứng tên tác giả độc lập của giáo trình có sử dụng một số nội dung trong Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn; dẫn chiếu chưa chính xác về Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn trong Giáo trình năm 2007.
Chỉ rõ các nội dung đã sử dụng từ Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn; xác định rõ tác giả và/hoặc chủ biên của Giáo trình năm 2007 tuỳ thuộc vào mức độ sử dụng Tập bài giảng năm 1993 theo quy định của pháp luật; đính chính các sai sót về dẫn chiếu trong Giáo trình năm 2007.
Giao Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chỉ đạo, kiểm tra ông Trần Văn Tớp trong việc thực hiện các nội dung nêu trong Kết luận này; phối hợp với Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật thực hiện việc đính chính, bổ sung, chỉnh sửa Giáo trình năm 2007 theo quy định của pháp luật.
Tổ chức rút kinh nghiệm về công tác biên soạn giáo trình, tránh để xảy ra các sai sót tương tự; sửa đổi, bổ sung văn bản quy định về công tác biên soạn giáo trình của Trường, trong đó quy định cụ thể về quy trình giao nhiệm vụ biên soạn, xét duyệt đề cương, trích dẫn, đứng tên tác giả, tổ chức thẩm định, các điều kiện để được phép biên soạn tác phẩm phái sinh theo quy định của pháp luật, nhuận bút tác giả.
Bộ GD-ĐT giao cho Vụ Tổ chức cán bộ, phối hợp với Hiệu trưởng Trường ĐHBKHN xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng về sai sót của ông Trần Văn Tớp trong bối cảnh hiện nay để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp.
Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, rà soát, đề xuất việc hoàn thiện các quy định về biên soạn giáo trình, quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hồng Hạnh