Vụ Hiệu phó bị “tố” sao chép giáo trình: Người tố cáo làm “sai lệch” thông tin

(Dân trí) -Cuốn “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS.TS Võ Viết Đạn (Hà Nội, 1993) thực chất chỉ là bài giảng cá nhân, chưa được coi là giáo trình. Vì thế, việc nói PGS.TS Trần Văn Tớp sao chép giáo trình là không chính xác.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hieu-pho-truong-dh-bach-khoa-ha-noi-bi-to-sao-chep-giao-trinh-950306.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;  Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bị tố sao chép giáo trình</b></a>

Như Dân trí đã thông tin với bạn đọc về việc Bộ GD-ĐT vừa nhận được đơn tố cáo PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Đảng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sao chép giáo trình của người khác.

Bìa cuốn sách “Kỹ thuật điện cao áp - quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp” 
Bìa cuốn sách “Kỹ thuật điện cao áp - quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp” của PGS.TS Trần Văn Tớp và tài liệu giảng dạy năm 1993 của PGS.TS Võ Viết Đạn.

Theo tìm hiểu của Dân trí thì người đứng đơn tố cáo là ông Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên bộ môn Hàn (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Bản thân ông Thành cũng gửi đơn tố cáo với các cơ quan báo chí và cơ quan chức năng, cuốn sách “Kỹ thuật điện cao áp - quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp” của PGS.TS Trần Văn Tớp, NXB Khoa học và Kỹ thuật phát hành năm 2007 đã có những chương chép gần như 100% cuốn giáo trình “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS.TS Võ Viết Đạn, xuất bản năm 1993.

Tuy nhiên kiểm tra nhanh thông tin này trên cơ sở dữ liệu của Thư viện Quốc gia Việt Nam cho thấy: Không tồn tại bản lưu của cuốn “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS.TS Võ Viết Đạn.

Mới chỉ là bài giảng chưa phải là giáo trình

Trao đổi với Dân trí sáng 2/10, GS.TS Lã Văn Út, nguyên trưởng bộ môn Hệ thống điện (nay là Viện Điện) - ĐH Bách khoa Hà Nội, người chuyên theo dõi về giáo trình của bộ môn cho biết: Cuốn “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS.TS Võ Viết Đạn không phải là giáo trình và cũng không được thông qua theo đúng quy định về viết giáo trình. Đây chỉ là một trong bốn cuốn tài liệu được viết ra nhằm phục vụ học viên của lớp bồi dưỡng cho các kỹ sư sẽ vận hành ở trung tâm Điện lực Quốc gia và các trạm 500 Kv. Sở dĩ như vậy là thời gian đó bộ môn có tham gia thiết kế đường dây 500Kv từ năm 1990 đến 1994. Trước khi đưa đường dây này vào vận hành vào năm 1993, lúc đó Bộ Năng lượng có yêu cầu bộ môn bồi dưỡng cho một số lớp. Trong hợp đồng họ rất muốn “ăn chắc” nên có yêu cầu các thầy giảng thì có tài liệu phát đến từng học viên, nếu khó khăn trong in ấn thì sẽ hợp tác giúp đỡ. Trên cơ sở yêu cầu này thì cuốn tài liệu của PGS.TS Võ Viết Đạn được hình thành. Ngoài các học viên của lớp học này thì một số thầy ở bộ môn cũng được tặng cuốn tài liệu này.

Cuốn giáo trình năm 1972 của PGS.TS 
Cuốn giáo trình năm 1972 của PGS.TS Võ Viết Đạn, tài liệu năm 1993 giống như một thành quả của việc tiếp thu kiến thức mới cập nhật mà cuốn giáo trình năm 1972 chưa có. 

“Qua đây có thể khẳng định cuốn tài liệu này không phải là giáo trình cũng không phải là tài liệu tham khảo. Như vậy, đứng về nguyên tắc thì bản quyền là không có. Tên cuốn tài liệu thì bộ môn xác nhận là do thầy Đạn viết nhưng nói về lý trong việc bản quyền bảo hộ thì không đủ cơ sở pháp lý. Vì thế việc tố cáo nói là sao chép giáo trình là không đúng” - GS.TS Lã Văn Út nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, năm 1972, thầy Võ Viết Đạn có cuốn giáo trình “Kỹ thuật Điện cao áp”. Từ những năm 1990 đã có sự giao lưu tài liệu trong và ngoài nước, trong khi đó bộ môn điện tham gia thiết kế xây dựng đường dây siêu cao áp 500Kv, do đó bộ môn rất cần cập nhật những kiến thức về cao áp và siêu cao áp. Tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” năm 1993 giống như một thành quả của việc tiếp thu kiến thức mới cập nhật mà cuốn giáo trình năm 1972 chưa có. Vào thời điểm năm 1993 GS. Lã Văn Út có đề nghị tổ chuyên môn cho tái bản quyền giáo trình năm 1972 để cập nhật thông tin. Nhưng cho tới sau năm 1993 PGS.TS Võ Viết Đạn cũng chưa có ý muốn tái bản cuốn giáo trình của mình. Vào năm 2003, PGS.TS Võ Viết Đạn qua đời.

Thực hiện viết sách theo yêu cầu của bộ môn

Với việc PGS.TS Võ Viết Đạn qua đời mà vẫn chưa có một cuốn giáo trình cập nhật nên vào khoảng năm 2006 GS. Lã Văn Út có đề nghị PGS. Trần Văn Tớp, PGS. Nguyễn Đình Thắng và một số người khác nên viết chung hoặc như thế nào đó để ra được cuốn giáo trình cập nhật.

GS. Lã Văn Út khẳng định: cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp đã cập nhật được khá nhiều nội dung của cuốn tài liệu năm 1993 và 1972. Việc cập nhật và giống nhiều hay ít đối với sách giáo khoa là chuyện bình thường.

“Cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp là viết theo yêu cầu của bộ môn, việc cập nhật là hiển nhiên, cập nhật theo tập tài liệu của PGS. Đạn là hợp lý, đây không những là sản phẩm mới cần được đưa vào mà còn như một sản phẩm chung của nhóm chuyên môn là đường dây siêu cao áp” - GS. Út nói.

Biên bản thẩm định giáo trình của PGS.TS Trần Văn Tớp năm 2007.
Biên bản thẩm định giáo trình của PGS.TS Trần Văn Tớp năm 2007.

Trước câu hỏi nên chăng cuốn sách “Kỹ thuật điện cao áp - quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp” của PGS.TS Trần Văn Tớp cần có cả tên PGS.TS Võ Viết Đạn? Chia sẻ về vấn đề này GS. Út bộc bạch: Đây là vấn đề bộ môn trước đây đã từng đặt ra những cũng là vấn đề khó nói. Trong giai đoạn sau năm 1993 đến năm 2003 không bản sách và không cập nhật. Bên cạnh đó, trong thời gian viết chung PGS. Đạn cũng không mời ai tham gia cùng.

Trong cuốn sách của mình ở lời nói đầu, PGS.TS Trần Văn Tớp cũng đã khẳng định: Tài liệu này được biên soạn dựa trên kinh nghiệm giảng dạy môn học Kỹ thuật điện cao áp và tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” do PGS.TS Võ Viết Đạn biên soạn năm 1992 phục vụ công tác vận hành và quản lý hệ thống truyền tải siêu cao áp 500Kv Bắc - Nam. Bên cạnh đó ở phần cuối sách liệt kê tài liệu tham khảo cũng đã nêu tên hai tài liệu này của PGS. Đạn.

PGS. Nguyễn Đình Thắng, cùng tổ chuyên môn với PGS. Trần Văn Tớp cho biết thêm, trước khi cuốn giáo trình của PGS. Tớp được thông qua thì nhóm chuyên môn phải họp nhiều lần, thông qua các chuyên đề và góp ý để được ra sách.

Được biết, ngày 16/9 vừa qua, sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Thành, Viện Điện đã có cuộc họp với Bộ môn Hệ thống điện liên quan liên quan tới nội dung trên. Tuy nhiên kết luận cuối cùng của vụ việc còn phải chờ Thanh tra Bộ GD-ĐT xác minh làm rõ.

Nguyễn Hùng