Intel cam kết hỗ trợ giáo dục Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Trong thời gian vừa qua, Bộ Thông Tin & Truyền Thông và Intel Việt Nam đã cùng phát động sáng kiến “Máy tính cho cuộc sống” với nỗ lực đem đến những chiếc máy tính giá rẻ cùng kiến thức công nghệ đến cho người dân mọi miền.

Một trong những hoạt động thiết thực của sáng kiến này là việc phổ cập tin học cộng đồng trong chương trình đi bộ xuyên Việt “Hành Trình Xanh” do Tổ chức Hành Trình Xanh thuộc Viện Nghiên Cứu Văn Hóa Phương Đông và Intel Việt Nam phối hợp thực hiện. Hành trình đã kết thúc ở TP.HCM tại Bến Nhà Rồng hôm 12/8 vừa qua với những kết quả đáng khích lệ: 24,000 người đã được phổ cập kiến thức tin học, cùng lúc, gần 100 máy tính được trao tặng cho các em học sinh vượt khó học giỏi và các trường học có nhu cầu.
 
Phóng viên của chúng tôi đã có buổi trò chuyện với bà Debjani Ghosh - Giám đốc Intel khu vực Đông Nam Á về chủ trương thay đổi cuộc sống bằng công nghệ và giáo dục của tập đoàn thông qua những hoạt động thiết thực này, và các chương trình hỗ trợ cho ngành giáo dục cũng như cam kết trong tầm nhìn 2020 của Chính phủ Việt Nam từ phía Intel.
 
PV: Được biết, trong thời gian qua, Intel đã và đang thực hiện chủ trương góp phần thay đổi cuộc sống người dân thông qua công nghệ và hỗ trợ giáo dục. Vậy quá trình triển khai trên thế giới đã diễn ra như thế nào, và tại Việt Nam đã thực hiện được những gì?
 
Bà Debjani Ghosh: Thực tế, chúng ta đang chứng kiến ở Việt Nam, cũng như ở các quốc gia đang phát triển khác, khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn đang rất lớn. Khoảng 80% dân số hiện tại của Việt Nam sống ở các khu vực nông thôn gặp nhiều hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ và máy tính. Intel đã và đang có những nỗ lực hỗ trợ dài hạn với mục đích cân bằng được năng lực và hiểu biết về công nghệ của người dân nông thôn với thành thị. Từ đó giúp họ đạt những bước phát triển tiếp theo để hỗ trợ cho cuộc sống, như tìm kiếm những công việc đòi hỏi chuyên môn cao hơn, thay vì chỉ làm những công việc phổ thông. Để làm được việc đó, bước đầu tiên phải là giáo dục và hỗ trợ cho giáo dục.
 
Intel cam kết hỗ trợ giáo dục Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - 1
Bà Debjani Gosh tại Lễ khởi động chương trình “Máy tính cho cuộc sống” tại Hà Nội tháng 5 vừa qua
 
PV: Intel đánh giá như thế nào về mức độ hưởng ứng của người dân Việt Nam so với người dân các nước khác trong quá trình triển khai cùng một chương trình hỗ trợ giáo dục ở các nước?
 
Bà Debjani Ghosh: Kết quả dễ thấy nhất là người dùng tin tưởng máy tính không chỉ là phương tiện để chat, xem hình, video… Họ biết cách sử dụng máy tính vào việc giáo dục cho thế hệ trẻ. Trong cuộc gặp gỡ với VNPT Bến Tre mới đây , tôi được biết họ đã đặt những chiếc máy tính lên xe buýt và đi đến các vùng rất xa trong tỉnh để giới thiệu với người dân về máy tính, các công cụ trên máy tính, cách sử dụng những nội dung mà máy tính và Internet mang đến. Người dân địa phương hưởng ứng rất nhiệt tình, trẻ em cũng như người lớn xếp hàng dài để lần đầu tiên được chạm vào máy tính. Họ tỏ ra rất hứng thú tìm hiểu những tính năng và khả năng mà máy tính có thể mang lại cho cuộc sống của họ.
 
PV: Những năm trước đây, Intel phối hợp với Bộ Giáo dục & đào tạo để tổ chức các chương trình hỗ trợ giáo viên theo hướng khai thác ứng dụng phần mềm. Nhưng trong thời gian gần đây chương trình “Máy tính cho cuộc sống” thì liên kết với Bộ Thông tin & truyền thông chú trọng hỗ trợ phần cứng nhiều hơn. Phải chăng đây là sự thay đổi về chiến lược hỗ trợ của Intel, chuyển sự hỗ trợ từ giáo viên sang học sinh và người tiêu dùng đầu cuối?
 
Bà Debjani Ghosh: Chúng tôi vẫn đang tiến hành song song các hoạt động dành cho giáo dục, trong đó có giáo viên và học sinh, và người dùng đầu cuối. Đến thời điểm này, chúng tôi đã đào tạo hơn 88.000 giáo viên thông qua chương trình Intel Teach. Chương trình đạt được kết quả tốt với những hỗ trợ từ phía Bộ Giáo dục & đào tạo Việt Nam. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra tầm nhìn rõ ràng đến năm 2020. Năm ngoái, Chủ tịch Tập đoàn Intel, Paul Otellini, đã sang Việt Nam và cam kết gắn liền vai trò của Intel vào tầm nhìn 2020 của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đang thực hiện những bước đi đầu tiên trong năm đầu tiên thực hiện cam kết đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục những chương trình dành cho mọi đối tượng, mọi thành phần, mọi thị phần ở Việt Nam.
 
PV: Intel đã hài lòng với việc thực hiện phổ cập tin học ở Việt Nam trong thời gian qua hay chưa?
 
Bà Debjani Ghosh: Chúng tôi triển khai chương trình “Máy tính cho cuộc sống” từ tháng 5/2011. Ba tháng vừa qua mới chỉ là giai đoạn đầu tiên của chương trình này. Mục tiêu cao nhất của Intel là giúp người dân nâng cao hiểu biết về sử dụng máy tính, và dùng máy tính như là một công cụ hỗ trợ thường xuyên. Một trong các hoạt động chính của 3 tháng vừa qua là chương trình “Hành trình xanh” bắt đầu từ Nghệ An vào TP.HCM. Trong đó, chúng tôi đã tổ chức những lớp học dạy cho 24.000 trẻ em và người dân Việt Nam để trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về máy tính. Song song, chúng tôi còn có chương trình PC Party ở các tỉnh - thành phố lớn, tài trợ phòng lab cho 5 trường học không có khả năng trang bị máy tính nhưng lại thực sự cần cho việc dạy và học, gần 50 máy tính được trao cho các học sinh nghèo đã viết thư về cho chương trình “Máy tính cho cuộc sống” để chia sẻ những suy nghĩ và mong muốn sở hữu máy tính, dùng máy tính vào việc học...
 
Intel cam kết hỗ trợ giáo dục Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - 2
Một trong những lớp phổ cập tin học cộng đồng của Intel
 
PV: Intel nghĩ thế nào nếu ai đó nói rằng, các chương trình hỗ trợ giáo dục của Intel là nhằm mục đích tăng thị phần của Intel, kích thích người dân mua nhiều máy tính hơn?
 
Bà Debjani Ghosh: Nếu một quốc gia muốn phát triển khả năng cạnh tranh thì quốc gia đó sẽ phải làm gì và thông qua những công nghệ gì? Câu trả lời chỉ có thể là công nghệ số và công nghệ cao mà mỗi quốc gia tiếp nhận, bổ sung, cung cấp cho thị trường. Chính vì vậy, Intel đang đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt ngành công nghiệp với mục đích làm sao để hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam, người dân Việt Nam có những khả năng và cơ hội tiếp cận công nghệ, máy tính dễ dàng hơn, cũng như việc sử dụng máy tính không chỉ có ở thành thị. Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ sở hữu máy tính thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt 14%. Vậy thì làm sao để nâng cao cạnh tranh và tầm nhìn của quốc gia, cũng như hiểu biết của người dân, đó mới là điều quan trọng mà chúng tôi hướng tới chứ không chỉ là thị phần.
 
C.K.N - Q.T
(Thực hiện)