Indonesia: Giáo viên trèo đèo lội suối, mang con chữ tới tận nhà học sinh

(Dân trí) - Nhiều giáo viên tại các vùng nông thôn Indonesia không quản ngại khó khăn trong việc đi lại và cả nguy cơ lây nhiễm virus corona để mang “con chữ” tới tận nhà cho học sinh.

Thầy giáo Henrikus Suroto mong muốn giúp đỡ học sinh của mình không bị mất cơ hội được học tập trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các trường học ở ngôi làng hẻo lánh Kenalan (Indonesia) đóng cửa.

Vì vậy, thầy Suroto không quản ngại những con đường núi và đèo dốc hiểm trở để đến tận nhà học sinh, dạy học cho những em nhà nghèo, không có điều kiện học online.

Indonesia: Giáo viên trèo đèo lội suối, mang con chữ tới tận nhà học sinh - 1
Giáo viên Indonesia tới tận nhà dạy học cho học sinh trong dịch Covid-19.

“Không ai bắt tôi làm việc này. Tự bản thân tôi thôi thúc mình hành động”, người thầy giáo 57 tuổi cho hay. “Tôi cảm thấy có lỗi vì phá vỡ quy định cấm tổ chức dạy học trực tiếp, nhưng tình hình tại đây rất khó khăn. Giải pháp duy nhất là dạy học trực tiếp cho học sinh”.

Thầy Suroto là một trong số nhóm giáo viên trong làng không quản ngại nguy hiểm do đường xá hiểm trở, thời tiết xấu và cả nguy cơ lây nhiễm Covid-19 để tới tận nhà các học sinh có điều kiện khó khăn và dạy học cho các em.

Các giáo viên đeo khẩu trang khi tới dạy học cho học sinh, nhưng nguy cơ bị nhiễm bệnh vẫn hiện hữu.

Avan Fathurrahman, giáo viên tiểu học tại đảo Madura, Đông Java, tới dạy học cho 11 học sinh/ngày. Fathurrahman thừa nhận ông quan ngại về khả năng bị nhiễm bệnh từ những học sinh có thể mắc Covid-19 nhưng “tiếng gọi thôi thúc bản thân dạy học đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ. Tôi không thể thoải mái ở nhà khi biết rằng học sinh của mình không thể học hành tử tế”.

Những chia sẻ của ông Fathurrahman đã thu hút nhiều sự chú ý trên mạng xã hội Indonesia.

Indonesia: Giáo viên trèo đèo lội suối, mang con chữ tới tận nhà học sinh - 2
Nhiều vùng nông thôn Indonesia chưa đủ điều kiện hạ tầng để học online.

Bên cạnh kêu gọi các trường học chuyển sang dạy online, các chương trình giáo dục cũng được chiếu trên kênh truyền hình quốc gia Indonesia.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục Nadiem Makarim thừa nhận có nhiều khó khăn trong việc giảng dạy online ở các vùng sâu vùng xa, nơi không có Internet.

“Chúng ta phải dựa vào các giáo viên - những người phải bước chân lên đường để tới dạy tại nhà cho học sinh”, ông Makarim nói.

Christina Kristiyani, chuyên gia giáo dục tại Đại học Sanata Dharma, cho biết cơ sở hạ tầng của Indonesia chưa đủ đáp ứng để phục vụ cho học online, đặc biệt là có chi phí quá cao tại các vùng nông thôn.

“Tôi chỉ có thể nhắc lũ trẻ học bài vì tôi không thể dạy chúng như giáo viên được”, Orlin Giri, một bà mẹ sống tại East Nusa Tenggara – một trong những khu vực nghèo nhất Indonesia, cho hay. “Chúng tôi không có tiền để lắp mạng Internet”.

Fina, một giáo viên trên đảo Borneo, cho biết nhiều phụ huynh trong vùng chỉ học hết tiểu học hay trung học cơ sở, hoặc thậm chí không được đi học.

Với họ, việc cho con tới trường đã là nỗ lực rất lớn. Cô Fina cũng cho biết: “Đại dịch đã dạy chúng ta rằng, dù công nghệ rất hữu ích, nhưng không thể thay thế giáo viên”.

Giới chức Indonesia đang xem xét mở cửa trở lại trường học, nhưng nhiều ý kiến phản đối cho rằng việc này là quá sớm khi Indonesia vẫn chưa thành công trong việc “là phẳng đường cong” đại dịch.

Trong khi đó, nhiều học sinh Indonesia đang mong ngóng ngày được quay trở lại trường. “Cháu thấy chán khi ở nhà, cháu nhớ trường học, bạn bè và thầy cô”, Gratia Ratna Febriani, một học sinh tại làng Kenalan, cho biết.

Chính vì vậy, cô giáo trung học cơ sở Yunedi Sepdiana Sine cho biết cô sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu tới nhà dạy học cho 50 học sinh/tuần. “Các học sinh rất nhớ giáo viên nên tôi thấy mình có ích. Đó là điều khiến tôi cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa”.

Minh Hương

Theo Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm