1. Dòng sự kiện:
  2. Căng thẳng Chính phủ Mỹ - ĐH Harvard

HV Quan hệ quốc tế đào tạo gì và làm ở đâu?

(Dân trí) - Với đặc tính riêng là đào tạo các chuyên ngành đối ngoại, HV Quan hệ quốc tế là điểm dừng chân cho những người ưa thích sự năng động, giao tiếp…Sau bao nhiêu năm tuyển sinh các chuyên ngành khối D thì năm 2008 trường lần đầu tiên tuyến sinh khối A.

Hầu hết các thí sinh đăng kí dự thi vào trường chỉ hiểu một cách khá đơn giản là HV Quan hệ Quốc tế là một trường thuộc sự quản lý của Bộ Ngoại giao nên chắc hẳn sau khi tốt nghiệp sẽ được làm tại đơn vị của Bộ này.

Tuy nhiên trên thực tế thì không hoàn toàn như vậy, sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành đào tạo của trường có thể đảm nhận ở nhiều vị trí công việc khác nhau.

Dưới đây là những thông tin ngành nghề do Ban giám hiệu nhà trường trực tiếp tư vấn và hỗ trợ.

1. Cử nhân quan hệ quốc tế

Chương trình Cử nhân Quan hệ quốc tế được thiết kế theo mô hình ngành chính, ngành phụ. Ngành chính Quan hệ quốc tế nhằm đào tạo cán bộ có kiến thức chuyên sâu về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, có kỹ năng phân tích các vấn đề quốc tế một cách khoa học và Ngành phụ Ngoại ngữ giúp sinh viên sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Trung).

Cử nhân QHQT sau khi tốt nghiệp có thể đảm đương các công việc đối ngoại và hợp tác quốc tế tại các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương hoặc địa phương; Công tác nghiên cứu và giảng dạy về QHQT tại các cơ quan nghiên cứu hoặc cơ sở đào tạo; Các tổ chức xã hội và doanh nghiệp, các cơ quan thông tin, truyền thông, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và phi chính phủ…

2. Cử nhân Luật quốc tế

Chương trình Cử nhân Luật quốc tế ñược thiết kế theo mô hình ngành chính, ngành phụ. Ngành chính Luật quốc tế gồm: khối kiến thức cơ bản về pháp luật Việt Nam, khối kiến thức hệ thống về Pháp luật quốc tế và khối kiến thức bổ trợ về Quan hệ quốc tế. Ngành phụ Ngoại ngữ giúp sinh viên sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ.

Vị trí mà các cử nhân Luật quốc tế có thể đảm nhận rất đa dạng, bao gồm: các bộ phận về luật pháp quốc tế, hợp tác quốc tế, hoặc luật pháp nói chung của các Bộ, ngành hoặc các doanh nghiệp; các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài nước; các trường đại học, viện nghiên cứu; các tổ chức quốc tế liên chính phủ và phi chính phủ; các công ty luật, thương mại, dịch vụ quốc tế…

3. Cử nhân Kinh tế quốc tế

Chương trình Cử nhân Kinh tế quốc tế được thiết kế theo mô hình ngành chính phụ. Ngành chính Kinh tế quốc tế trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức về kinh tế quốc tế, các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết trong hai lĩnh vực quan trọng là Thương mại quốc tế và Tài chính quốc tế. Ngành phụ Ngoại ngữ giúp sinh viên sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ.

Những vị trí mà các cử nhân Kinh tế quốc tế có thể đảm nhận rất đa dạng, bao gồm: vị trí cán bộ nghiên cứu, hoạch định chính sách hoặc tác nghiệp thực tế tại các bộ phận phụ trách kinh tế đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan Bộ, Ngành, Doanh nghiệp, Tổ chức tài chính, Ngân hàng, Tổ chức quốc tế, Cơ quan thông tin đại chúng, Các cơ quan nghiên cứu, trường đại học...

4. Cử nhân Tiếng Anh/Tiếng Pháp-Quan hệ Quốc tế

Chương trình Cử nhân tiếng Anh/tiếng Pháp - Quan hệ Quốc tế được thiết kế theo mô hình ngành chính-phụ. Ngành chính tiếng Anh/tiếng Pháp trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức ngôn ngữ, văn hoá-văn học, kiến thức tiếng và kiến thức chuyên ngành tiếng Anh/tiếng Pháp Quan hệ Quốc tế. Ngành phụ Quan hệ quốc tế cung cấp cho sinh viên một số kiến thức cơ sở và kiến thức chung của ngành Quan hệ quốc tế.

Các cử nhân tiếng Anh/tiếng Pháp - QHQT có thể đảm nhận các vị trí phiên dịch, biên dịch, biên tập, nghiên cứu, giảng dạy… tại các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các Sở Ngoại vụ, các bộ phận đối ngoại của các cơ quan, Bộ, Ngành, các tổ chức Quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp, các trường đại học, các cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình...

Nguyễn Hùng