Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT: Môn Địa lý

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố đề cương ôn tập các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2007. Dân trí xin cung cấp lần lượt khung đề cương ôn tập này. Dưới đây là hướng dẫn ôn tập chi tiết môn Địa lý.

Khi làm bài thi môn Địa lý, thí sinh cần phải có những kỹ năng sau:

1. Đọc và phân tích bản đồ, lược đồ, các loại biểu đồ, đồ thị, bảng số liệu.

2. Vẽ các loại biểu đồ, đồ thị. Biết chọn biểu đồ phù hợp với nội dung cần thể hiện.

3. So sánh, phân tích các mối quan hệ: giữa tự nhiên với tự nhiên, tự nhiên với kinh tế - xã hội, giữa các yếu tố kinh tế - xã hội với nhau.

NHỮNG NỘI DUNG KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG

Xu hướng phát triển của nền kinh tế - xã hội thế giới và khu vực. Công cuộc đổi mới nền kinh tế - xã hội ở nước ta.

Chương I. Các nguồn lực chính để phát triển kinh tế - xã hội

1. Vị trí, lãnh thổ Việt Nam và ý nghĩa của nó đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước ta.

2. Tình hình dân cư, nguồn lao động và chiến lược phát triển dân số, sử dụng có hiệu quả nguồn lao động của Nhà nước.

3. Đường lối phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở vật chất kĩ thuật.

Chương II. Những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội

1. Đặc điểm của nguồn lao động, tình hình sử dụng lao động và vấn đề việc làm.

2.Thực trạng nền kinh tế và nguyên nhân; sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và theo lãnh thổ.

3. Tình hình vốn đất đai, hiện trạng và các biện pháp sử dụng đất nông nghiệp ở các vùng khác nhau.

4.Tầm quan trọng của sản xuất lương thực, thực phẩm; tình hình sản xuất lương thực, thực phẩm; các vùng trọng điểm lương thực thực phẩm.

5. Ý nghĩa của việc phát triển cây công nghiệp, hiện trạng phát triển và phân bố các cây công nghiệp, các vùng chuyên canh cây công nghiệp.

6. Cơ cấu ngành công nghiệp, sự phân hoá lãnh thổ công nghiệp.

7. Những hoạt động cơ bản của kinh tế đối ngoại, tình hình phát triển của kinh tế đối ngoại và những tồn tại cần khắc phục.

Chương III. Những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trong các vùng

1. Đồng bằng sông Hồng: Vấn đề dân số và biện pháp giải quyết; những thuận lợi và khó khăn trong vấn đề sản xuất lương thực thực phẩm, thực trạng và biện pháp khắc phục những khó khăn.

2. Đồng bằng sông Cửu Long: Vấn đề sử dụng và cải tạo tự nhiên; vấn đề lương thực, thực phẩm.

3. Duyên hải miền Trung: Những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển kinh tế, vấn đề hình thành cơ cấu nông - lâm - ngư nghiệp, vấn đề hình thành cơ cấu công nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng.

4. Trung du và miền núi phía Bắc: ý nghĩa của việc phát huy các thế mạnh của vùng; vấn đề khai thác các thế mạnh: khai thác và chế biến khoáng sản, thuỷ điện; trồng cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới; chăn nuôi đại gia súc; kinh tế biển.

5. Tây Nguyên: Những thuận lợi và khó khăn trong phát việc triển kinh tế; vấn đề phát triển cây công nghiệp lâu năm, khai thác và chế biến lâm sản, khai thác thuỷ năng.

6. Đông Nam Bộ: Những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển kinh tế, vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong công nghiệp, dịch vụ, nông - lâm nghiệp, phát triển tổng hợp kinh tế biển.

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)