Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT
Đối với môn Văn, chương trình ôn tập có toàn bộ phần Văn học VN và phần Văn học nước ngoài lớp 12. Cũng cần lưu ý là có 4 bài không có trong phạm vi ôn tập cuối năm.
Môn Văn (Chương trình không phân ban)
Hạn chế chương trình ôn tập: Bao gồm toàn bộ phần Văn học Việt Nam và phần Văn học nước ngoài lớp 12.
Tuy nhiên cần lưu ý, 4 bài sau đây không có trong phạm vi ôn tập cuối năm mặc dù có in trong sách giáo khoa Văn học 12 tập 1 (vì những bài này đã được chuyển từ chính khóa sang đọc thêm):
Vãn cảnh (trích Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh), Thời và thơ Tú Xương (của Nguyễn Tuân), Huệ Chi trước lễ cưới (trích Cửa biển của Nguyên Hồng), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi).
Ngoài ra có 4 bài sau đây chỉ học chính khóa đoạn trích (phần còn lại ở mỗi bài cũng đã chuyển sang đọc thêm); do đó phần ôn tập cuối năm chỉ đề cập đến đoạn trích đã học, không có phần đọc thêm: Tâm tư trong tù (Tố Hữu), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Các vị La Hán chùa Tây Phương (Huy Cận), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên).
Phần Văn học nước ngoài, chương trình ôn tập cuối năm gồm 6 tác giả với 6 tác phẩm hoặc đoạn trích: Gorki với tác phẩm Một con người ra đời, Lỗ Tấn – Thuốc, Ê xê nin – Thư gửi mẹ, Aragông – En xa trước gương, Hêminguê – Ông già và biển cả (trích), Sôlôkhôp – Số phận con người (trích).
Yêu cầu ôn tập:
1. Phần Văn học Việt Nam: Đối với bài khái quát giai đoạn văn học, HS cần lưu ý những thành tựu văn học qua các thời kỳ phát triển và một vài đặc điểm chung. Đối với bài khái quát về tác gia, cần phải nắm chắc quá trình sáng tác và đôi nét về phong cách nghệ thuật của từng tác gia.
Đối với những bài giảng văn, HS phải: Nhớ chính xác tên tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời và thể loại của tác phẩm; tóm tắt chính xác, đầy đủ nội dung tác phẩm (nếu là truyện), phải học thuộc lòng những bài thơ ngắn, những đoạn thơ tiêu biểu của những bài thơ hoặc đoạn trích dài;
Nhất thiết phải nắm chắc giá trị nội dung và nghệ thuật của từng tác phẩm; Biết tập hợp các tác phẩm thành từng nhóm; từ đó rút ra những nét chung của nhóm tác phẩm; đồng thời thấy được sự độc đáo của từng tác phẩm trong nhóm tác phẩm (về cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật).
2. Phần Văn học nước ngoài: Đối với mỗi bài đều phải nắm được sơ lược về tiểu sử, sự nghiệp sáng tác của mỗi tác giả, giá trị bao trùm của tác phẩm hoặc đoạn trích đã học.
3. Bên cạnh việc ôn tập về kiến thức, HS cần chú ý nhiều đến việc ôn luyện kĩ năng làm văn; kĩ năng dùng từ, đặt câu; kĩ năng dựng đoạn, đưa dẫn chứng, phân tích dẫn chứng... Cách tốt nhất là làm nhiều bài văn khác nhau theo những đề bài ở sách giáo khoa, hoặc cũng có thể sử dụng một số đề dưới đây trong quá trình ôn luyện:
Đề 1:
Câu 1 (2 điểm): En xa Tơriôlê đã có vai trò như thế nào trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Lui Aragông?
Câu 2 (8 điểm): Anh chị hãy phân tích sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị (kể từ khi cô bị bắt làm con dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra tới khi trốn khỏi Hồng Ngài) trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.
Đề 2:
Câu 1 (2 điểm): Anh chị hãy trình bày ngắn gọn những điểm cần lưu ý về hoàn cảnh ra đời bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
Câu 2 (2 điểm): Vì sao có thể nói, truyện Đôi mắt của nhà văn Nam Cao là tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thế hệ nhà văn đi theo cách mạng?
Câu 3 (6 điểm): Cảm nhận của anh chị về bài thơ dưới đây:
Chiều tối (Hồ Chí Minh): Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ, Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không; Cô em xóm núi xay ngô tối, Xay hết, lò than đã rực hồng. (Trích Nhật ký trong tù. Theo Văn học 12, NXB Giáo dục 2002).
Môn Tiếng Anh (Chương trình 3 năm, 7 năm)
I. Chương trình 3 năm: Nắm vững nội dung chương trình lớp 12 theo SGK Tiếng Anh 12 của NXB GD. Chú trọng những vấn đề cụ thể sau:
1. Đọc hiểu: Đọc hiểu nội dung các đoạn văn (khoảng 100 – 150 từ) thuộc các chủ điểm đã học như: nói về bản thân, sở thích cá nhân, việc làm, đất nước và con người nước Anh, việc học tiếng Anh, tiểu sử một số danh nhân, một số nhà khoa học nổi tiếng, nói về sức khỏe, môi trường.
2. Viết: Viết chuyển đổi câu sử dụng các cấu trúc câu đã học, nối câu, ghép câu.
3. Kiến thức ngôn ngữ:
Về từ loại:
Động từ: Thời của động từ: Yêu cầu nắm được hình thái và cách dùng của các thời: Simple present; Simple past; Present perfect; Simple future; Present continuous; Past continous. Dạng bị động (Passive Voice) của động từ với các thời trên. Dạng V-ing của động từ.
Dạng động thái (Modal verbs); Danh từ: Danh từ số ít, số nhiều, danh từ đếm được và không đếm được; Tính từ: So sánh tính từ. Cấu tạo tính từ; Trạng từ: So sánh trạng từ. Cấu tạo trạng từ; Đại từ: Ôn tập và củng cố cách sử dụng các đại từ quan hệ trong các câu phức; Giới từ: Ôn tập và củng cố cách sử dụng các giới từ cơ bản đã học trong chương trình.
Về cú pháp: Ôn tập củng cố và nắm vững các câu đơn cơ bản với các dạng tường thuật, phủ định và nghi vấn. Nắm vững trật tự từ trong các loại câu. Củng cố đề nắm vững cách sử dụng các câu phức với các liên từ, đại từ quan hệ đã học. Nắm vững cách sử dụng các câu điều kiện loại I và II.
II. Chương trình 7 năm:
Nắm vững nội dung chương trình lớp 12 theo SGK English 12 của NXB GD. Chú trọng các vấn đề cụ thể sau:
1. Đọc hiểu: Đọc hiểu nội dung các đoạn văn (khoảng 150 – 200 từ) về các chủ điểm đã học như: nói về đất nước và con người nước Anh, việc học tiếng Anh, cuộc sống của thanh niên, nghề nghiệp, môi trường và biện pháp bảo vệ môi trường, phong tục tập quán, giao thông, y tế và sức khỏe, nói về một số ngành khoa học...
2. Viết: Viết chuyển đổi câu sử dụng các cấu trúc đã học. Viết nối câu, ghép câu.
3. Kiến thức ngôn ngữ: Nắm vững các kiến thức như yêu cầu của chương trình học 3 năm và thêm: Nắm được dạng và cách sử dụng các thời Past perfect, Present perfect continuous. Động từ nguyên thể có và không có “to”.
Ôn tập nắm vững sự hòa hợp giữa chủ ngữ và vị ngữ. Nắm cách sử dụng một số động từ có 2 hoặc 3 từ (phrasal verbs) đã học trong chương trình. Nắm được cách cấu tạo các loại từ. Nắm được dạng và cách sử dụng một số thành tố phụ (tiền tố, hậu tố) đã học trong SGK 12.
Sử dụng một số tính từ có giới từ đi kèm đã học trong SGK 12. Ôn tập và củng cố cách sử dụng các loại từ nối trong câu. Nắm vững cách sử dụng được cách nói gián tiếp và các loại câu cơ bản. Nắm vững cách sử dụng các loại mệnh đề quan hệ, mệnh đề chỉ mục đích.
III. Các dạng bài tập với cả 2 chương trình:
Ôn tập để nắm vững cách làm các dạng bài tập trong SGK, đặc biệt các bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan với dạng câu hỏi lựa chọn.
Nguồn: Bộ GD-ĐT
Theo Tiền Phong