Thanh Hóa:
Hơn 80 tỷ đồng tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
(Dân trí) - Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học người dân tộc thiểu số, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, tỉnh Thanh Hóa đã thông qua nguồn kinh phí hơn 80 tỷ đồng cho chương trình này.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Mục tiêu của đề án là tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học người dân tộc thiểu số, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục Mầm non và chương trình giáo dục Tiểu học. Đồng thời, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 35% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục Mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.
Đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 98% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục Mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.
Đồng thời, hàng năm có 100% học sinh Tiểu học người dân tộc thiểu số được tập trung tăng cường tiếng Việt.
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành, đơn vị có liên quan khảo sát thực trạng, thống kê số học sinh người dân tộc thiểu số, xác định số học sinh người dân tộc thiểu số cần chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt. Huy động tối đa trẻ 4 - 5 tuổi vào học lớp mẫu giáo và thực hiện tốt chương trình làm quen với tiếng Việt của trẻ lớp mẫu giáo 5 tuổi.
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh Tiểu học theo hướng tích hợp vào các môn học và các hoạt động giáo dục...
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức; huy động cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tham gia dạy tiếng Việt cho cha mẹ trẻ và trẻ em người dân tộc thiểu số; huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí; tranh thủ sự hỗ trợ các tổ chức quốc tế...trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 80,415 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 53,6 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 26,7 tỷ đồng. Kinh phí để thực hiện do ngân sách tỉnh cấp từ nguồn chi thường xuyên cho giáo dục và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác từ cộng đồng, doanh nghiệp, tài trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế.
Duy Tuyên