Quảng Nam:

Hơn 500 học sinh được giáo dục về nhận thức bom, mìn

(Dân trí) - Nhân Ngày Nhận thức nguy hiểm của bom, mìn 4/4, hôm nay 4/4, tổ chức rà phá bom mìn quốc tế MAG đưa chương trình giáo dục phòng tránh tai nạn bom, mìn và vật liệu chưa nổ còn sót sau chiến tranh vào trường học tại Quảng Nam.

Dịp này, MAG và UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cho hơn 500 em học sinh tại Trường THCS Nguyễn Hiền (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) để hưởng ứng Ngày Nhận thức nguy hiểm của bom, mìn.
 
Chuyên gia hướng dẫn các em học sinh các phương tiện rà phá bom, mìn
Chuyên gia hướng dẫn các em học sinh các phương tiện rà phá bom, mìn.

Tại đây, các em học sinh được giáo dục, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về tác hại của bom, mìn còn sót lại như trình chiếu video, trò chơi nhỏ, các câu hỏi giao lưu…

Bên cạnh đó, các thành viên MAG đã giới thiệu cho các em học sinh biết những thông tin cơ bản về bom, mìn góp phần giúp học sinh hiểu được nguyên nhân gây tai nạn bom mìn, vật liệu chưa nổ thường gặp cũng như cách phòng tránh.

Thầy Trần Kim Cương - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết: “Bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh trên mảnh đất Bình Đào nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung đã gây nhiều tai nạn thương tâm sau ngày giải phóng. Việc cả cộng đồng cùng chung tay góp sức để phòng tránh tai nạn bom, mìn sau chiến tranh là hành động rất cần thiết”.
 
Các em học sinh thực hành sử dụng phương tiện rà tìm bom, mìn
Các em học sinh thực hành sử dụng phương tiện rà tìm bom, mìn.

Quảng Nam là một trong những địa phương có mật độ ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh lớn nhất cả nước. Theo số liệu của tỉnh Quảng Nam, từ năm 1995 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 15.000 người bị thương vong do bom mìn còn sót lại, trong đó có 6.500 người chết, số còn lại bị thương tật suốt đời.

Việc triển khai các hoạt động truyền thông về tác hại của bom, mìn là rất cần thiết; thông qua hoạt động truyền thông này, các em học sinh được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích về tác hại bom, mìn từ đó các em học cách ứng xử và cảm thông với người khuyết tật, giúp đỡ người khuyết tật.

Ngoài ra, qua buổi học ngoại khóa ngày, các em học sinh đã được chứng kiến các loại bom, mìn được vô hiệu hóa là công cụ trực quan sinh động giúp học sinh nhận biết nguy hiểm, cách phòng tránh cũng như cách thức rà phá và cảnh báo nguy hiểm cho cộng đồng khu vực có bom mìn.

Theo số liệu khảo sát cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 20% diện tích bề mặt lãnh thổ nước ta đang bị ô nhiễm bởi bom, mìn sau chiến tranh. Từ sau giải phóng đến năm 2007, đã có hơn 104.000 người chết và bị thương bởi hậu quả của bom, mìn.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm