Hơn 3.000 HS phải lưu ban vì một quyết định ngược đời

(Dân trí) - Tự đề ra một kỳ thi “khảo sát” riêng ngoài chương trình giáo dục, lấy kết quả thi thay thế điểm kiểm tra học kỳ 2, buộc học sinh lưu ban. Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) quyết định cho 3246 học sinh phải lưu ban, trong số đó 387 em đã bỏ học.

Từ một “đề án”… không giống ai

 

Huyện miền núi Thạch Thành vừa phải trải qua cơn lũ lịch sử kinh hoàng, lại xôn xao trước một quyết định khá bất ngờ của Chủ tịch UBND huyện: tổ chức cho học sinh Tiểu học và THCS thi khảo sát vào cuối tháng 8.

 

Từ ngày 25 đến 28/8/2007, khi chưa bắt đầu năm học, toàn huyện Thạch Thành tổ chức đợt thi “khảo sát” đối với hai cấp Tiểu học và THCS theo chủ trương của Chủ tịch huyện Đỗ Minh Quý, dựa trên một “đề án” nhằm đánh giá lại chất lượng học sinh, thông qua đó đánh giá chất lượng giáo viên”.

 

Dù đây là đợt thi ngoài chương trình giáo dục quy định, do UBND huyện tự đề ra, nhưng kết quả thi hai môn Văn, Toán lại được dùng thay cho điểm kiểm tra học kỳ II năm học trước, tính lại điểm đối với học sinh. Kết quả, 3.246 học sinh (Tiểu học gồm 975 em, THCS 2.271 em) phải nhận quyết lưu ban. Đáng tiếc là trong số đó, nhiều học sinh không thuộc diện yếu kém, có lực học trung bình và khá.

 

Theo quy định ngành giáo dục, đối với cấp Tiểu học và THCS chỉ có hai kỳ được lấy điểm chính thức trong học bạ: thi kết thúc học kỳ I và học kỳ II. Ngay cả kỳ thi khảo sát chất lượng đầu năm học cũng không được tính vào điểm tổng kết.

 

Điều nghịch lý là điểm kết quả thi lại được thay thế cho điểm chuẩn học kỳ II năm học trước, tính lại toàn bộ điểm trung bình năm. Từ đó UBND và Phòng GD-ĐT Thạch Thành đã có quyết định: cho toàn bộ 3.246 học sinh nhận quyết đinh lưu ban.

 

Theo quy định, điểm tổng kết năm, kết quả xác nhận sĩ số học sinh được lên lớp đã báo cáo về Phòng GD-ĐT, sau đó trình Sở GD-ĐT duyệt. Việc thay điểm của UNBD huyện Thạch Thành hoàn toàn sai trái với quy định ngành.

 

Thống kê của Phòng GD-ĐT cho thấy, có tới 444 học sinh của năm học 2006-2007 đã được lên lớp, vào điểm sổ học bạ xong thì nhận quyết định lưu ban. Toàn bộ học bạ đã bị thay và chữa điểm.

 

Nhiều giáo viên và phụ huynh tỏ ra rất bức xúc, việc tự đề ra kỳ thi khảo sát chỉ nên đánh giá chất lượng, năng lực học sinh. Nhưng lấy điểm kỳ thi đó thay thế điểm học kỳ II năm trước, quyết định việc lên lớp hoặc lưu ban của học sinh là một việc làm sai trái. Nhiều học sinh quá xấu hổ và bất ngờ vì bị lưu ban ngay cả khi dã lên lớp nên bỏ học.

“Nếu công nhận việc làm của Chủ tịch Đỗ Minh Quý là đúng, thì kết quả dạy học, quyết định lên lớp đối với những trường hợp học sinh trên của các trường, của phòng Giáo dục, của Sở GD-ĐT Thanh Hóa đều vô nghĩa” – Phụ huynh Bùi Văn Thanh (đội 4 xã Thạch Bình) phát biểu.

 

Chủ tịch huyện: “Chúng tôi làm đúng, do tôi đi trước cả… Bộ GD-ĐT”

 

Tại công văn “khẩn” hướng dẫn số 178/PGD THCS ngày 30/8/2007 do Phó phòng GD-ĐT huyện Thạch Thành Lương Công Bằng ký, gửi các trường THCS có nội dung: “lấy kết quả thi hai môn Văn, Toán đầu năm 2007-2008 thay cho điểm kiểm tra học kỳ 2 năm học 2006-2007, từ đó tính điểm trung bình học kỳ 2, tính điểm cả năm học và đánh giá xếp loại học lực, xét lên lớp”. Tuy nhiên, công văn này còn có “lưu ý”: Việc cho điểm đánh giá xếp loại học sinh không thực hiện trên hồ sơ (Sổ điểm, học bạ…), các trường lập danh sách riêng.

 

Hơn 3.000 HS phải lưu ban vì một quyết định ngược đời - 1

Theo cách giải trình của Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Đỗ Minh Quý, đây là một trong những chủ trương đúng đắn của UBND huyện. Từ cuối năm 2004, ông Quý đã “xây dựng” đề án gồm 3 nội dung: “Xây dựng cơ sở vật chất trường học - nâng cao chất lượng cán bộ giáo viên - đánh giá lại chất lượng học sinh toàn huyện”.

 

Từ chối công bố “đề án” về đợt thi vừa qua, ông Đỗ Minh Quý cho biết: “Đầu năm 2005, chúng tôi đã triển khai khi đã thông qua các cấp nghành trong huyện, mời cả Sở GD-ĐT Thanh Hóa về dự. Đến nay, đã có 310 giáo viên yếu kém phải nghỉ dạy, dự kiến năm 2007 sẽ giảm tiếp 150 cán bộ giáo viên vì kém chất lượng chuyên môn”.

 

“Về đợt thi, chúng tôi làm luôn luôn đúng, chẳng qua chúng tôi là người đi trước. Người ta nói “hai không” tôi đã làm trước “hai không” về không ngồi nhầm lớp. Thậm chí làm giảm biên chế và đánh giá giáo viên chúng tôi còn làm trước cả Bộ trưởng. Bộ trưởng cũ phát biểu 4 vấn đề trước Quốc hội, chúng tôi làm đều trúng cả. Từ 4/2004, chúng tôi đã bắt đầu tiến hành đánh giá rồi”.

 

“Theo tôi, việc 387 học sinh bỏ học xuất phát từ nhiều nguyên nhân như gia đình khó khăn, mất gốc kiến thức từ các năm trước, chứ không hoàn toàn do xấu hổ mà bỏ học” - ông Đỗ Minh Quý khẳng định thêm. Nhưng theo điều tra của chúng tôi, số lượng học sinh bỏ học sau khi có quyết định lưu ban tăng tới mức đột biến.

 

Người dân đều bất ngờ

 

Rất nhiều phụ huynh và học sinh đều tỏ ra bất ngờ và bất bình trước quyết định trên tại Thạch Thành. Hàng trăm gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong diện phải cứu trợ sau cơn lũ vừa qua, vẫn nỗ lực sắm cho con mình bộ SGK kịp khai giảng năm học mới. Nhưng đành xếp lại, bỏ không.

 

Hơn 3.000 HS phải lưu ban vì một quyết định ngược đời - 2
 Học sinh Mai Thành trước cuốn sách lớp 9 mà em chỉ học được đúng 2 tuần.

 

Em Mai Thành (thôn 4 Tân Sơn, xã Thành Kim) hốt hoảng thật sự trước sự xuất hiện đường đột của chúng tôi vì tưởng các thầy giáo lại đến… thông báo tiếp. Em buồn rầu: “Mới khai giảng được hai tuần, em được thông báo phải lưu ban. Cả lớp sững sờ, bố mẹ em tức tốc lên gặp hiệu trưởng cũng chỉ được trả lời theo chủ trương của huyện”.

 

Ông Mai Luân, phụ huynh em Mai Thành buồn rầu chỉ đống sách giáo khoa mới sắm cho con: “Cháu nhà tôi thuộc diện học khá, đã lên lớp 9 rồi lại thấy buộc phải về lớp 8. Quanh xã này, có cả trăm gia đình gia đình khó khăn mới sắm được bộ SGK cho con, đành xếp lại vào tủ, chờ đợi năm học  tới có may mắn mới được dùng!”.

 

Bà Lê Thị Thơ (thôn 4 Tân Sơn, xã Thành Kim) bức xúc: “Trong xóm còn có học sinh được giấy khen, nhưng thi xong vẫn lưu ban. Lạ thật, chẳng biết đổi mới phương pháp, đánh giá chất lượng thế nào, chứ như vậy, hàng trăm học sinh lên lớp vẫn lưu ban không xấu hổ bỏ học mới là lạ”.

 

Trường có lượng học sinh bỏ học nhiều như trường THCS Thạch Cẩm (41 học sinh), Thạch Sơn (41), Thạch Tượng (37), Thành Long (32), Thành Vinh (27) đều thuộc những địa bàn khó khăn, từ những năm trước, giáo viên đã phải mất rất nhiều công sức vận động học sinh đi học.

 

Phó Hiệu trưởng trường THCS Thạch Sơn Nguyễn Xuân Hãnh cho biết, sau khi tổ chức thi và xét kết quả, trường đã có 56 học sinh thuộc diện lên lớp phải làm lại học bạ chuyển xuống lưu ban lớp dưới, trong đó, 7 em thuộc diện này đã bỏ học.

 

Trả lời với phóng viên về giải pháp khắc phục hiện trượng học sinh bỏ học, ông Đỗ Minh Quý nói: “Chúng tôi làm luôn luôn đúng. Các ban ngành trong huyện đã nỗ lực vận động học sinh quay lại lớp, còn quay lại hay không là quyền của các em”.

 

Nhận định về hiện tượng trên, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa Lê Xuân Đồng khẳng định, Sở không hề có chủ trương như thế, việc thay điểm trên là sai về nguyên tắc. Phòng Giáo dục huyện Thạch Thành phải kiểm chứng lại thông tin nguyên nhân học sinh bỏ học.

 

Nhiều khả năng sẽ phải tổ chức gặp gỡ lại gia đình và học sinh để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhằm vận động học sinh trở lại lớp, cũng như tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức học sinh yếu kém. Chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý sau khi có thanh tra vụ việc.

                                                                                                

Hoàng Anh Thắng