Hơn 3 điểm/môn có thể đỗ đại học: Không nên đánh đổi chất lượng lấy số lượng
(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, trường đại học không vì tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm sàn quá thấp, không đánh đổi chất lượng lấy số lượng, không nên căn cứ vào nguồn tuyển để hạ điểm sàn.
Hơn 3 điểm/môn có thể đỗ đại học
Một số trường đại học vùng, đại học địa phương đã công bố điểm sàn xét tuyển nộp hồ sơ. Theo đó, mức điểm sàn nhiều ngành của nhiều trường đại học chỉ từ 12 - 13 điểm trở lên, như vậy trung bình chỉ hơn 3 điểm mỗi môn, nếu có điểm ưu tiên là có thể đậu đại học).
Ví dụ như Trường ĐH Bạc Liêu thông báo mức điểm nhận hồ sơ từ 13 điểm trở lên với tất cả ngành không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Riêng hai ngành Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, mức sàn là 12 điểm. Mức điểm này gồm điểm 3 môn, bài thi tương ứng theo tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên khu vực.
Điểm xét tuyển năm 2019 của trường ĐH Bạc Liêu
Trường ĐH Cửu Long, nhiều ngành điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển là 12,5. Mức điểm xét tuyển này bao gồm tổng điểm thi 3 môn xét tuyển cộng với điểm ưu tiên khu vực và điểm ưu tiên đối tượng.
Nếu ở khu vực 1 (cộng 0,75 điểm) và nhóm ưu tiên (cộng 2 điểm), thí sinh sẽ được cộng tối đa 2,75 điểm. Như vậy chỉ cần điểm thi 9,25 điểm (hơn 3 điểm/môn), thí sinh đã đủ điều kiện xét tuyển ĐH.
Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của trường ĐH Cửu Long
Trường ĐH Lâm nghiệp, điểm nhận hồ sơ ngành cao nhất là Công nghệ vật liệu (vật liệu mới), Công nghệ sau thu hoạch với mức 18, các ngành còn lại từ 13 điểm trở lên.
Theo thông tin từ các trường này, đây chỉ là điểm sàn để nhận hồ sơ xét tuyển. Các trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Được biết, năm 2018, toàn hệ thống có khoảng hơn 30 trường có ngành lấy điểm chuẩn 13, chủ yếu là các trường tư thục, trường thuộc một số tỉnh ở địa bàn khó khăn và trường đào tạo khối ngành nông lâm, thuỷ lợi… Đặc biệt là những trường đầu ngành của khối nông lâm, thuỷ lợi đều có ngành phải lấy điểm thấp nhất trong hệ thống. Nhưng những trường ở địa bàn không thuận lợi vẫn không đủ nguồn tuyển.
Tuy nhiên, với phổ điểm thi năm nay từ kết quả THPT quốc gia, mức điểm trung bình của thí sinh cao hơn năm 2018.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, nếu căn cứ vào tỷ lệ thí sinh đạt từng ngưỡng điểm thì năm nay trường nào xác định điểm sàn 13 chỉ tương đương với mức 12 điểm của năm 2018.
Các trường lấy điểm sàn thấp, chỉ khổ cho thí sinh theo học
Khổ cho các học sinh theo học
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, nhiều trường đại học lấy điểm sàn từ 12 - 13 điểm, chất lượng đầu vào sẽ không đảm bảo. Tỷ lệ đầu vào yếu như vậy sẽ khổ thí sinh, các em rất vất vả khi theo học. Các trường không nên “vét” thí sinh để đảm bảo uy tín của trường.
Theo GS Đức, những ngành có điểm sàn thấp như vậy đều là những ngành học truyền thống khó tuyển, khó tìm được việc làm sau khi ra trường như các ngành khoa học cơ bản, toán, lý, địa chất, lâm nghiệp… đây là do nhu cầu xã hội tự điều chỉnh.
Như vậy, các trường này phải đối phó với thực tế khó tuyển sinh, phải lấy điểm sàn thấp vì nếu không lấy thấp “chạm đáy” như vậy thì không tuyển sinh được.
GS Đức chia sẻ, các ngành truyền thống khó tuyển này, các trường đại học nên tuyển ít chỉ tiêu để nâng cao chất lượng.
Bên cạnh đó, các trường cũng nên chuyển đổi thành trường đa ngành, đa lĩnh vực và chỉ tuyển những ngành phù hợp, ở nước ngoài cũng chuyển đổi như vậy, ví dụ: trường ĐH Tokyo không có cử nhân toán mà họ chuyển đổi thành cử nhân khoa học. Các trường ở Việt Nam cũng nên đổi tên ngành, ví dụ ngành Sinh học thì đổi thành ngành Công nghệ sinh học….
Tuy nhiên, với hiện tượng điểm sàn đại học thấp ở những ngành truyền thống, GS Đức kiến nghị, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ các ngành này; có chính sách hỗ trợ học bổng để thu hút học sinh theo học, nhiều nước trên thế giới họ cũng phải làm như vậy với các ngành truyền thống khó tuyển. Bên cạnh đó, nhà trường phải có kiến nghị với cơ quan quản lý và tự đổi mới.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, không phải tất cả những trường lấy điểm sàn thấp đều là những trường kém chất lượng. Nguồn tuyển chỉ là một trong những tiêu chí để tham khảo để xác định điểm sàn. Trường nào có nhiều thí sinh lựa chọn ĐKXT thì có thể nâng điểm sàn lên đến mức cao hơn.
“Các trường không được phép căn cứ vào nguồn tuyển để hạ điểm sàn. Không vì tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm sàn quá thấp. Giáo dục đại học là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào thì các trường cũng không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển" – bà Phụng nhấn mạnh.
Hồng Hạnh