Đà Nẵng:
Hơn 1.000 SV có nguy cơ bị buộc thôi học
(Dân trí) - Hơn 1.000 SV Đại học Bách khoa Đà Nẵng đang bàng hoàng, sửng sốt trước nguy cơ bị buộc thôi học do không đủ điểm theo Qui chế mới của Bộ GD-ĐT về “đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính qui theo hệ thống tín chỉ” (gọi tắt là Qui chế 43).
1.028 sinh viên khoá 2006 và 2007 đang học theo hệ thống tín chỉ tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có nguy cơ bị buộc thôi học do kết quả học tập không đạt theo cách tính điểm mới theo Qui chế 43. Trong số SV thuộc diện buộc thôi học, có 1 số thực sự yếu kém, còn phần lớn là đang kêu “oan”.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết: “Việc này cũng làm chúng tôi đau đầu và tìm biện pháp giảm thiểu, nhưng thực tế cũng do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả mang lại cũng không được bao nhiêu. Phần do sinh viên chưa quen với cách học ở bậc đại học, phần do các môn học 2 năm đầu các thầy cô rất khắt khe, lại do trường khác đến dạy (ĐH Sư phạm, Kinh tế, Ngoại ngữ).
Thêm vào đó, thầy cô chúng ta quen việc cho điểm theo thang điểm 10, và thường cho điểm 5, 6, 7 và dưới 5 là phổ biến (dĩ nhiên do sinh viên không làm bài tốt theo yêu cầu của đề bài). Sinh viên chỉ có 1,2 môn điểm 4 tức là điểm 0 theo thang điểm mới là khó gỡ, nguy cơ không đủ điểm bị buộc thôi học trong khi theo cách tính điểm cũ, điểm trung bình chung các em này đạt trên điểm 5”.
Đối với hơn 1.000 sinh viên bị xét buộc thôi học theo Qui chế mới, PGS.TS Trần Văn Nam cho biết: Ban giám hiệu nhà trường đã họp bàn và thống nhất là sẽ cho thôi học 161 sinh viên kém nhất. Đây là những em học lực yếu kém, bỏ học, bỏ thi. Số còn lại, các em sẽ phải kéo dài thời gian học tập thêm 1 năm nữa (nếu các em đồng ý) để các em cải thiện lại điểm của mình.
“Vì có cho các em này lên lớp cũng không thể trả các tín chỉ đã thiếu và cũng không thể học tiếp kiến thức của năm tiếp theo, việc này cũng như là áp dụng cho SV học theo năng lực của mình. Nhưng kết luận này chưa chính thức vì còn phải chờ ý kiến đồng ý của lãnh đạo Đại học Đà Nẵng” - thầy Nam nói.
Ban giám hiệu nhà trường đã tìm cách gỡ rối nhưng nếu theo Qui chế 43, với thang điểm mới khá rắc rối như trên, cách gỡ rối trên chỉ là giải pháp tình thế. Và không chỉ riêng trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, theo PGS.TS Trần Văn Nam cho biết tình trạng tương tự cũng xảy ra với trường Đại học Cần Thơ. Rõ ràng việc áp dụng Qui chế 43 cụ thể là áp dụng thang điểm mới đánh giá và kết luận kết quả học tập cho sinh hệ chính quy được đào tạo theo hệ thống tín chỉ vẫn còn nhiều bất cập.
Theo điều 22 của Qui chế 43, thang điểm 10 được qui đổi ra thang điểm 4 để đánh giá học lực sinh viên như sau: Từ 8.5-10 điểm tương ứng với điểm A (4điểm); từ 7.0- 8.4 tương ứng với điểm B (3 điểm); từ 5.5- 6.9 tương ứng với điểm C (2 điểm); từ 4.0- 5.4 tương ứng với điểm D (1 điểm) và dưới 4.0 tướng ứng với điểm F (0 điểm).
Với thang điểm này, theo điều 16 của Qui chế 43, sẽ buộc thôi học đối với sinh viên năm thứ 1 có điểm TB dưới 1.2, sinh viên năm thứ 2 có điểm TB dưới 1.4, sinh viên năm thứ 3 có điểm TB dưới 1.6 và SV năm tư có điểm TB dưới 1.8
Ví dụ: Sinh viên A đăng ký học 6 môn: môn số 1: 4 tín chỉ (TC): 5 điểm; môn 2: 3 TC: 4 điểm, môn 3: 3 TC: 6 điểm, môn 4: 2 tín chỉ 7 điểm, môn 5: 3 TC: 4 điểm, môn 6: 2 TC: 5 điểm.
Nếu tính theo thang điểm 10 thông thường, điểm số của sinh viên A là: (4x5) + (3x4) + (3x6) + (2x7) + (3x4) + (2x5)/17 (tổng số tín chỉ) = 86/17 = 5.06: kết quả học tập đủ điểm lên lớp.
Nhưng tính theo thang điểm 4 mới ban hành, điểm số của sinh viên A sẽ là: 4x1 + 3x0 + 3x2 + 2x3 + 3x0 + 2x1/17= 18/17 = 1.05: theo Qui chế 43, sinh viên này bị buộc thôi học.
1.028 SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng có nguy cơ bị buộc thôi học do kết quả học tập không đạt theo cách tính điểm mới này. |
Khánh Hiền