Vĩnh Long:

Hơn 1.000 HS học kỹ năng sống trong thời đại số

(Dân trí) - Chiều 24/2, hơn 1.000 học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) hào hứng tham gia buổi tọa đàm “Kỹ năng sống trong thời đại số” .

Diễn giả của buổi tọa đàm là ông Lý Trường Chiến - chuyên gia kinh tế và sáng lập chương trình xã hội Kỹ năng sống trong Thời đại số và doanh nhân trẻ Phạm Thanh Tri Vị đến từ TPHCM.

Tại buổi tọa đàm, diễn giả khái quát thế nào là thời đại số, thời đại số với học sinh, đồng thời diễn giả phân tích những mặt tích cực của thời đại số phục vụ cho cuộc sống như việc vận dụng internet, báo điện tử, truyền hình... bổ sung kiến thức, phục vụ giải trí của con người. Ngoài ra, diễn giả còn chỉ ra những mặt hạn chế của việc lạm dụng kỹ thuật số của các em học sinh để chơi game, dùng điện thoại ghi cảnh đánh nhau tung lên mạng…
 
Hơn 1.000 HS học kỹ năng sống trong thời đại số - 1
Diễn giả Lý Trường Chiến trò chuyện với HS Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) trong buổi tọa đàm.

Điểm làm các diễn giả bất ngờ là ngoài những vấn đề xoay quanh đề tài “kỹ năng sống trong thời đại số”, các học sinh còn quan tâm rất nhiều đến giá trị đạo đức trong nghề nghiệp, so sánh giữa bằng cấp giả và năng lực thật, cũng như những lo lắng của các em học sinh về lối sống “mắc kê nô” - mặc kệ nó của một số người.

Theo diễn giả Lý Trường Chiến, kết quả của thời đại số là đã giúp các em nắm bắt thông tin một cách mau lẹ về những việc diễn ra ngoài xã hội. Vì vậy, người lớn cần hành động đúng, các bậc phụ huynh quan tâm đến việc định hướng thông tin (chọn kênh thông tin, giải trí cho con - PV) quản lí việc sử dụng công nghệ của con cái một cách chừng mực để các em không bị “nhiễu sóng tiêu cực” từ mặt trái của thời đại số.

Thầy Nguyễn Thế Vinh - phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, hoạt động mời các chuyên gia nói chuyện với học sinh nhà trường là hoạt động thường xuyên của nhà trường, nhằm trang bị thêm những kiến thức mở (ngoài những kiến thức trên lớp - PV), những kỹ năng sống cần thiết cho các em trong các quan hệ giữa các em với nhau, với cha mẹ, thầy cô và với những người xung quanh.

Theo thầy Vinh, thông qua những buổi tòa đàm như thế này, ngoài việc cung cấp cho các em những kiến thức bổ ích phù hợp với lứa tuổi học trò thì còn rèn luyện tính tự tin, khả năng diễn đạt trước công chúng cho các em.

Ngô Nguyễn