“Home stay” - lựa chọn tối ưu
Nếu không có người thân ở nước ngoài, du học sinh phải lựa chọn nơi ở trọ như ký túc xá, nhà thuê độc lập hoặc “home stay” - hình thức ở chung với một gia đình người bản xứ.
Đối với các sinh viên (SV) mới du học năm đầu, còn lạ lẫm với văn hóa và môi trường sống của nơi đến, việc chọn “home stay” là giải pháp tối ưu - ít nhất là trong những năm tháng đầu tiên. Nếu làm một phép so sánh, lựa chọn này còn an toàn hơn cả một sinh viên từ các tỉnh đến TP.HCM trọ học và may mắn được sống chung với một chủ nhà thuê tử tế, thân thiện... Bởi nếu một gia đình muốn trở thành “home stay” cho du học sinh, họ phải đăng ký và chịu sự quản lý của nhà trường.
Có thêm cơ hội học ngoại ngữ
Ở các nước như Pháp, Mỹ, Anh, Nhật… đều có ký túc xá, nhà cho thuê dành cho SV nước ngoài đến trọ học. Cũng như ở Việt Nam, ký túc xá mang lại cho SV sự thoải mái vì được ở chung với bạn bè cùng độ tuổi, chi phí lại thấp, thuận tiện giao thông khi đến trường...
Nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể được xét duyệt ở ký túc xá. Còn nhà thuê thì có giá cao. Khi mới du học, bạn không có nhiều bạn bè thân quen cùng chia tiền nhà để giảm chi phí nên việc thuê nhà riêng là vượt ngoài tầm với hoặc tốn kém không cần thiết.
Cách an toàn và tiết kiệm ngân sách tốt nhất là chọn “home stay”, đặc biệt là trong năm đầu tiên du học. Home stay là hình thức ở trọ chung với chủ nhà, được sinh hoạt chung như trong một gia đình nhưng SV vẫn có phòng ốc riêng biệt.
Một số gia đình “home stay” lo cho du học sinh các bữa ăn với chi phí tiền ăn không cao. Tất cả sinh hoạt chung đó sẽ giúp du học sinh giao tiếp ngoại ngữ với người bản xứ tốt hơn, nắm bắt kịp văn hóa sống của người dân địa phương nhanh hơn, rất có ích trong việc hòa nhập.
Bạn Hồ Anh Nguyệt (du học sinh Việt Nam của Trường ĐH Cambridge khóa 2009-2013) chia sẻ kinh nghiệm giao tiếp ngoại ngữ với chủ nhà khi ở “home stay”: “Người Anh hay Mỹ rất thoải mái trong giao tiếp nhưng cũng vô cùng tôn trọng sự riêng tư. Nếu bạn không cởi mở, không tạo ra được những câu chuyện khi gặp nhau thì họ nghĩ rằng bạn cần yên tĩnh để học tập.
Với người nước ngoài, bạn cần phải chủ động bắt chuyện, tự tin và cởi mở… Vào những ngày cuối tuần, không phải đi học, bạn hãy cùng họ nấu ăn, nấu những món ăn truyền thống và lắng nghe những câu chuyện thú vị hay cùng họ đón mừng những ngày lễ hội lớn trong năm”.
“Host stay” dành cho HS dưới 18 tuổi
Ngoài “home stay” còn có “host stay”, hay còn gọi là “host family”. Hai hình thức này về cơ bản không có gì khác biệt, vì đều là ở trọ trong một gia đình người bản xứ với phòng riêng có Internet, điện nước sinh hoạt. Ngoài ra, được sử dụng mọi vật dụng khác trong nhà như một thành viên trong gia đình họ. Tuy nhiên, “host stay” mang tính chất như một gia đình giám hộ, dành cho du học sinh dưới 18 tuổi.
Tại Mỹ, nếu dưới 18 tuổi, không có thân nhân, không ở nội trú thì bạn sẽ được gửi đến “host stay”. Tại New Zealand hay Anh quốc cũng vậy, tất cả học sinh quốc tế dưới 18 tuổi phải ở “host family” do nhà trường chỉ định. Nhà trường sẽ chọn lựa kỹ càng “host family” và đại diện nhà trường sẽ viếng thăm “host family” hai lần trong một năm.
Khi chọn “home stay” và “host stay” do nhà trường giới thiệu, du học sinh sẽ được sống thử trong hai tuần hoặc bốn tuần, tùy thỏa thuận. Trong thời gian sống thử này, SV cần quan sát tinh tế mọi khía cạnh như lối sống, giờ giấc, khẩu vị ăn uống và những vấn đề bạn cho là ảnh hưởng quan trọng đến đời sống học tập của mình. Điều này sẽ giúp SV quyết định đúng đắn nếu chọn ở tiếp hay thay đổi gia đình khác.
Vì sự an toàn, đa phần du học sinh trong năm đầu tiên rất thích “home stay”. Nhưng cũng không ít bạn cho rằng quá khó khăn trong việc hòa nhập vì một số gia đình sống rất ích kỷ, có những nguyên tắc sinh hoạt khó khăn... Tuy nhiên, dù bạn sống ở đâu, gia đình nào cũng cần nắm rõ những nguyên tắc tối thiểu trong sinh hoạt để hòa nhập dễ dàng hơn như thông báo cho gia đình “home stay” nếu bạn không ăn cơm ở nhà; giúp đỡ gia đình những việc vặt; giữ phòng bạn sạch sẽ ngăn nắp và xếp gọn; luôn lễ phép, thân thiện và quý trọng tài sản của gia đình; phải xin phép gia đình “home stay” khi muốn mời bạn về nhà chơi; chuyện tiền trọ hay các khoản sinh hoạt phí bạn cũng nên đóng đúng hẹn…
Chi phí home stay ở Úc
Phòng đơn
- 275 USD/tuần bao gồm điện, nước, ba bữa ăn.
- 250 USD/tuần bao gồm điện, nước, hai bữa ăn (sáng và tối).
- 235 USD/tuần bao gồm điện nước và ăn sáng mỗi ngày.
- 210 USD/tuần bao gồm điện nước.
Phòng chung (ở tối đa hai người)
- 230 USD/tuần/người, gồm điện, nước, hai bữa ăn.
- 180 USD/tuần/người, gồm điện nước.
- 145 USD/tuần/người, gồm điện nước. |
Theo Thụy Lê
Pháp luật TP.HCM