Hôm nay, 371 học sinh tranh tài ở cuộc thi khoa học kỹ thuật phía Bắc
(Dân trí) - Sáng 9/3, tại Bắc Ninh, Bộ GD-ĐT đã tổ chức khai mạc cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học năm 2015 khu vực phía Bắc. Đây là cuộc thi tổ chức hằng năm của Bộ GD-ĐT bắt đầu từ năm học 2011-2012. Thí sinh đạt giải cao ở cuộc thi này được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ.
Bộ GD-ĐT cho biết, tính chung cả nước, cuộc thi năm 2015 có 64 đơn vị dự thi (61 sở và 3 trường phổ thông trực thuộc) với 385 dự án của 677 học sinh được chọn từ hơn 5.000 dự án dự thi tại các cuộc thi cấp tỉnh; tăng 07 đơn vị dự thi và 86 dự án so với cuộc thi năm 2014.
Ở khu vực phía Bắc gồm 30 Sở GD-ĐT tỉnh, thành phố và 3 trường Trung học phổ thông trực thuộc từ Thừa Thiên - Huế trở ra. Có tổng số 205 dự án của 371 học sinh tham gia. Cụ thể, ở cấp THPT có 150 dự án của 271 học sinh, ở cấp THCS có 55 dự án của 100 học sinh. Tổng số lĩnh vực tham gia là 15.
Ở khu vực phía Nam gồm 31 Sở GD-ĐT tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào. Có tổng số 180 dự án của 306 học sinh tham gia. Cụ thể, ở cấp THPT có 130 dự án của 220 học sinh, ở cấp THCS có 50 dự án của 81 học sinh. Tổng số lĩnh vực tham gia là 14. Cuộc thi toàn quốc của khu vực phía Nam sẽ được tổ chức từ ngày 15-17/3/2015 ở Đồng Tháp.
Cuộc thi góp phần đổi mới giáo dục phổ thông
Tại buổi lễ khai mạc, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (ViSEF) nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kĩ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống nhằm hình thành năng lực học sinh; tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kĩ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương; Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường phổ thông.
Bên cạnh đó, thông qua tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và tham gia các cuộc thi cấp địa phương và cấp quốc gia, trình độ và năng lực giáo dục nói chung, năng lực nghiên cứu khoa học và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học nói riêng của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao; Góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp và các hình thức giáo dục theo hướng tích cực, đổi mới kiểm tra đánh giá trong nhà trường phổ thông. Thông qua các cuộc thi, không chỉ các học sinh có dự án dự thi mà nhiều học sinh khác đã có thêm những động lực mới cho quá trình học tập, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cuộc thi đã tạo môi trường tốt cho học sinh vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn và thúc đẩy thực hành tiếng Anh.
Quan trọng hơn là tăng cường mối liên hệ giữa các cơ sở giáo dục đại học với giáo dục phổ thông; khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào đổi mới giáo dục phổ thông; tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh phổ thông khai thác các nguồn lực trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học.
Lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng vào giáo dục phổ thông: cha mẹ, người thân của học sinh tham gia hướng dẫn khoa học; các doanh nghiệp tham gia tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học; tạo cơ hội cho các nhà khoa học và doanh nghiệp có mối liên hệ để thúc đẩy các ứng dụng khoa học vào thực tiễn.
“Cuộc thi góp phần tích cực đổi mới giáo dục phổ thông định hướng phát triển năng lực học sinh theo tinh thần Nghị Quyết 29/NQ-TW, hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học đã được triển khai một cách có hiệu quả, chất lượng các dự án dự thi thể hiện qua các cuộc thi cấp cơ sở đã có bước phát triển rõ rệt” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định tại buổi lễ khai mạc.
Liên tục tăng cả số lượng lẫn chất lượng
Cuộc thi ViSEF có 17 lĩnh vực khoa học: Khoa học động vật; Khoa học xã hội và hành vi; Hoá sinh; Sinh học tế bào và Phân tử; Hoá học; Khoa học máy tính; Khoa học Trái đất và hành tinh; Kỹ thuật: Vật liệu và công nghệ sinh học; Kỹ thuật: Kỹ thuật điện và cơ khí; Năng lượng và vận tải; Khoa học môi trường; Quản lý môi trường; Toán học; Y khoa và khoa học sức khoẻ; Vi trùng học; Vật lý và thiên văn học; Khoa học thực vật. Tham dự Cuộc thi, thí sinh xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu, đồng thời trình bày kết quả nghiên cứu của mình dưới dạng giới thiệu poster tại gian trưng bày để giám khảo đánh giá theo quy trình chấm thi từng lĩnh vực: Các Tiểu ban giám khảo từng lĩnh vực đánh giá dự án và phỏng vấn thí sinh tại gian trưng bày, chấm điểm, xếp giải theo từng lĩnh vực khoa học; Chấm thi toàn Cuộc thi: Ban giám khảo chọn một số dự án có kết quả xếp giải cao của các lĩnh vực, tổ chức chấm chung để chọn giải toàn Cuộc thi; thí sinh trình bày dự án, trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh; Đánh giá năng lực tiếng Anh: Học sinh có dự án được chọn vào vòng thi toàn cuộc có thể đăng kí đánh giá năng lực tiếng Anh để chọn dự án dự thi Intel ISEF (cuộc thi khoa học kĩ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học được tổ chức ở Mỹ).
Bộ GD-ĐT cũng cho biết thêm, cuộc thi đã thu hút, tập hợp được nhiều nhà khoa học từ các trường đại học, cao đẳng, học viện tham gia hướng dẫn, góp ý, chấm, chọn các dự án tham gia từ cuộc thi cấp tỉnh/thành phố đến cấp quốc gia.
Ở cuộc thi hằng năm, một số trường đại học trong nước và nước ngoài đã đến tham dự, trao giải và công bố tuyển thẳng vào bậc đại học của đơn vị mình đối với các thí sinh đạt giải. Theo quy định, những thí sinh đạt giải cao ở cuộc thi này có cơ hội được tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Cũng theo thống kê từ Ban tổ chức, sau khi Bộ GD-ĐT chính thức đưa cuộc thi ViSEF vào tổ chức hằng năm thì hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học trong phạm vi cả nước liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2013, toàn quốc có 33 Sở GD-ĐT tham gia cuộc thi cấp quốc gia, với tổng số 140 dự án dự thi. Năm 2014, đã có 55 sở GD-ĐT và 2 trường THPT trực thuộc tham gia với 299 dự án; năm 2015 có 61 sở GD-ĐT và 3 trường THPT trực thuộc tham gia dự thi.
Liên tục tham gia Hội thi khoa học, kĩ thuật quốc tế (International Science and Engineering Fair - Intel ISEF) tại Hoa Kì trong những năm qua, đoàn học sinh Việt Nam đều có dự án đoạt giải (1 giải Nhất năm 2012; 2 giải Tư năm 2013; 2 giải Tư và 1 giải Đặc biệt năm 2014). Tỷ lệ dự án đoạt giải của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình 25% của Intel ISEF.
Nguyễn Hùng