Đà Nẵng:
Hội nghị tập huấn công tác khuyến học toàn quốc
(Dân trí) - Ngày 18/3, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị tập huấn công tác khuyến học cho cán bộ chủ chốt của Hội khuyến học ở 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Hội nghị do Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm chủ trì, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Hội Khuyến học ở 63 tỉnh, thành.
Hội nghị nhằm quán triệt Quyết định 281/QĐ - TTg về Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020”. Trong khuôn khổ Hội nghị, Hội Khuyến học Việt Nam cũng ra mắt Ban vận động tài trợ các hoạt động của Hội
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học nhấn mạnh: “Học tập thường xuyên, học tập suốt đời đã trở nên cần thiết đối với tất cả mọi người nếu muốn sống, làm việc và tồn tại trong thời đại này. Xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân là xây dựng một hệ thống giáo dục suốt đời. Công tác khuyến học không chỉ ở trong phạm vi trường học mà có sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, gia đình, dòng họ và cộng đồng ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với từng cá nhân, đối với duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và truyền thống hiếu học của dân tộc nói riêng và đặc biệt trong việc khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi thành viên học tập suốt đời”.
Xã hội học tập chỉ có thể xây dựng thành công khi từng gia đình với tư cách là tế bào của nó trở thành “Gia đình học tập”, từng dòng họ trở thành “Dòng họ học tập” và từng cộng đồng dân cư, cộng đồng cơ quan, xí nghiệp, trường học, doanh nghiệp… trở thành “Đơn vị học tập”.
Mục tiêu của Đề án là xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Công đồng học tập”, “Đơn vị học tập” để triển khai nhân rộng từ năm 2016 trong phạm vi cả nước.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam được tập huấn nâng cao nhận thức về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình,dòng tộc và cộng đồng; 70% gia đình được công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, 50% dòng họ là “Dòng họ học tập”, 60% cộng đồng (thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố…) là “Cộng đồng học tập”. Đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các tỷ lệ này tương ứng là 60%, 40% và 50%; và 50% các cơ quan, trường học, doanh nghiệp… được công nhận “Đơn vị học tập”.
Với các đại biểu tham dự Hội nghị, như chia sẻ của ông Cao Đình Hòe - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An thì các nội dung được tập huấn lần này có ý nghĩa thiết thực là để các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở các Hội khuyến học các cấp, đặc biệt là cán bộ chuyên trách quán triệt Đề án một cách sâu sắc. Từ đó, tổ chức tập huấn ở từng cơ sở, địa phương, làm sao thống nhất tinh thần của Đề án từ trên xuống. Những đổi mới trong công tác khuyến học theo tinh thần của Đề án góp phần vào mục tiêu Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hội nghị lần này cũng tạo cơ hội cho các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở các Hội cơ sở trao đổi những kinh nghiệm, những mô hình hay trong công tác khuyến học, hun đúc ý chí, nhiệt huyết của những người làm công tác khuyến học. Qua đó, ngày càng khẳng định vai trò của Hội Khuyến học trong việc xây dựng xã hội học tập.
Khánh Hiền