Hội Khuyến học Phú Thọ vận động, hỗ trợ tới HS,SV lên tới 91,5 tỷ đồng

(Dân trí) - Năm 2020 là một năm đầy biến động do đại dịch Covid-19 nhưng các cấp Hội Khuyến học Phú Thọ đã vận động, hỗ trợ cơ sở vật chất, trao học bổng cho HS,SV lên tới 91,5 tỷ đồng.

   Hội Khuyến học - Cánh tay nối dài của ngành giáo dục 

Với chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt, liên kết các lực lượng cùng làm khuyến học, là cánh tay dài, cầu nối góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp "trồng người" trên quê hương Đất Tổ.

Trong quá trình hoạt động, Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ luôn chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, giải pháp tạo điều kiện cho các hoạt động khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Hội Khuyến học Phú Thọ vận động, hỗ trợ tới HS,SV lên tới 91,5 tỷ đồng - 1

Đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao thưởng cho học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba Quốc gia và học sinh đạt giải thi Quốc tế các môn văn hóa.

Với đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở đều am hiểu tường tận về thực tiễn giáo dục, đặc biệt sự tâm huyết và trách nhiệm cao, các cấp Hội đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, từng bước làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, giáo viên và người dân về tầm quan trọng của khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;

Đồng thời, các cán bộ Hội đã sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng và "mô hình hóa" các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường, góp phần duy trì quy mô, tăng thêm các điều kiện thuận lợi, tạo công bằng xã hội và môi trường giáo dục lành mạnh, đóng góp vào nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tiêu biểu là các hoạt động vận động và giúp đỡ để ngăn chặn học sinh có nguy cơ bỏ học; vận động học sinh trở lại lớp; cho trẻ khuyết tật đến trường; mở lớp học tình thương cho học sinh thất học, cơ nhỡ, khuyết tật; hỗ trợ giúp đỡ học sinh, sinh viên thuộc các gia đình nghèo, vượt khó vươn lên học tốt.

Từ năm 2009 đến nay, các cấp Hội đã trao trên 350 nghìn suất học bổng, quà, 2.800 xe đạp, hàng trăm nghìn cuốn vở và nhiều quần, áo, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; khen thưởng hàng triệu lượt học sinh, sinh viên, vận động viên, giáo viên, huấn luyện viên đạt thành tích xuất sắc; hỗ trợ xây dựng phòng học, mua bàn, ghế, trang thiết bị, máy tính, tặng tủ sách khuyến học,... với tổng trị giá trên 760 tỷ đồng.

Năm 2020 là một năm đầy biến động do đại dịch Covid-19 và hiện tượng thiên tai bất thường gây ra, mặc dù có nhiều khó khăn, song các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ cơ sở vật chất, trao học bổng, tặng quà, khen thưởng học sinh, sinh viên, vận động viên, giáo viên, huấn luyện viên,... thông qua các chương trình: "Học bổng 1+n", "Tiếp sức cho em đến trường", "Vì em hiếu học", "Chắp cánh ước mơ", "Mái ấm khuyến học", "Trao gửi yêu thương", trao tặng máy tính,...với tổng trị giá trên 91,5 tỷ đồng.

"Tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học"

Phong trào "Tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học" tiếp tục thu hút sự tham gia của các cơ sở giáo dục, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức.

Trong năm 2020 các cấp hội phối hợp với ngành Giáo dục chỉ đạo các chi hội khuyến học nhà trường "Mổ lợn nhựa khuyến học" thu được 32.026 triệu đồng. Thông qua các hoạt động góp phần chung tay góp sức cùng với ngành Giáo dục duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học, hỗ trợ phụ huynh, tạo điều kiện hỗ trợ phương tiện dạy học trực tuyến cho các em học sinh trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, trên tinh thần dừng đến trường nhưng không dừng học, thiên tai bão lũ, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học tỉnh còn vận động, ủng hộ học sinh vùng lũ của 5 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế số tiền 110 triệu đồng,...

Hội cũng đã chủ động trong thực hiện chức năng tư vấn, phản biện xã hội việc thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển giáo dục phù hợp với yêu cầu của ngành Giáo dục và thực tế địa phương theo quy định của pháp luật.

Tham gia phản biện đề án của ngành giáo dục

Trong năm 2020, Hội tham gia tư vấn phản biện 2 đề án của ngành Giáo dục (Đề án xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Đề án phát triển Trường THPT Chuyên Hùng Vương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030).

Không ngừng quan tâm đến hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh, các trung tâm học tập cộng đồng đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy đáp ứng nhu cầu học tập của mọi đối tượng.

Trong năm mở được 1.041 lớp, thu hút 72.673 học viên theo học. Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các nhà trường trong công tác giáo dục truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho học sinh; vận động các tập thể, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Từ phong trào thi đua khuyến học đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tập thể và cá nhân làm khuyến học tốt, nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình học tập tiêu biểu đem lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập", "Công dân học tập"; mô hình "Tiếng trống, tiếng kẻng khuyến học", "Giờ vàng khuyến học" (Cẩm Khê, Tam Nông), "Tết cho em", "Hỗ trợ học bổng 1+1; 1+n", "Tiếp sức cho em đến trường", "Nhà mái ấm khuyến học", "Cây bưởi khuyến học" (Đoan Hùng), "Cây đào khuyến học" (Thị xã Phú Thọ), "Tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học" (Việt Trì, Đoan Hùng, Thanh Ba, Tam Nông),…

Kết quả hoạt động khuyến học, khuyến tài trong thời gian qua đã thực sự có sự lan tỏa, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, tác động đến các tầng lớp nhân dân, đến mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội; tạo điều kiện cho ngành Giáo dục phát triển vững chắc.

Quy mô trường, lớp được duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh; kỷ cương, nền nếp trong các cơ sở giáo dục được giữ vững; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng, hợp lý về cơ cấu bộ môn; chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục ổn định và có chuyển biến theo hướng tích cực, chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước đột phá luôn đứng trong tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải cao trong các kỳ thi học giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực.

Tính riêng trong năm 2020, Phú Thọ có 53 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia (13 giải Nhì, 13 giải Ba và 27 giải Khuyến khích), xếp thứ 12/63 tỉnh, thành; 01 học sinh đoạt giải Khuyến khích Olympic Sinh học quốc tế; 01 học sinh tham gia Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng thế giới MOSWC năm 2020 đạt giải Nhất vòng chung kết quốc gia, được tham gia Vòng chung kết thế giới (tổ chức tại Mỹ năm 2021).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, điểm trung bình của Phú Thọ đạt 6,52 (tăng 0,84 điểm so với năm 2019), tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,5% (tính cả thí sinh tự do); có 411 điểm 10 (đứng thứ 2 toàn quốc), có 271 học sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển vào đại học từ 27 điểm trở lên (07 học sinh từ 29 điểm trở lên); có 01/02 học sinh của cả nước đạt 3 điểm 10 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội; tham gia cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", là 1 trong 10 Sở Giáo dục và Đào tạo đứng đầu cả nước về số lượng giáo viên, học sinh tham gia và có chất lượng tốt nhất.

Hướng tới một xã hội học tập

Hiện tại, Phú Thọ duy trì, giữ vững phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 2, xóa mù chữ đạt mức độ 2; cơ sở vật chất trường, lớp từng bước được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu tối thiểu tổ chức các hoạt động dạy, học, đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; toàn tỉnh có 753 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 82,5% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra).

Đặc biệt, cô Hà Ánh Phượng, giáo viên người Mường tại Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn gây tiếng vang lớn khi là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 (do tổ chức giáo dục Varkey Foundation bình chọn và vinh danh), giải thưởng được ví như "Giải nobel dành cho giáo dục", không chỉ để lại dấu ấn trong nền giáo dục mà còn trở thành niềm tự hào của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các hoạt động của Hội đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng sâu rộng trong toàn xã hội về khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời hướng tới một xã hội học tập; là cánh tay dài, cầu nối góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng quê hương Đất Tổ ngày càng phồn thịnh./.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm