Học viện Báo chí và Tuyên truyền không xét tuyển sớm có điều kiện
(Dân trí) - Thí sinh phản ánh Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh sai quy chế khi không công bố danh sách trúng tuyển sớm nhưng nhà trường khẳng định "không sai".
Phản ánh đến báo Dân trí, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cho rằng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền làm sai quy chế tuyển sinh khi không công bố danh sách thí sinh trúng tuyển sớm bằng xét học bạ.
"Em đợi tới ngày cuối cùng (30/7) xem mình trúng tuyển không để đăng ký nguyện vọng 1 mà nhà trường vẫn không công bố khiến em không chủ động trong việc đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD&ĐT", thí sinh cho biết.
Trả lời phóng viên Dân trí ngày 2/8, ông Trần Văn Thư, Trưởng Ban Quản lý Đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, đơn vị này có xét tuyển bằng học bạ nhưng không áp dụng hình thức này để xét tuyển sớm như thí sinh phản ánh.
Điều này được nêu rõ trong đề án tuyển sinh mà nhà trường đã công khai từ đầu năm nhưng có lẽ một số thí sinh không đọc kỹ đề án nên chưa nắm rõ.
Cụ thể, theo quy định của trường này từ cuối tháng 3, nhà trường tổ chức xét tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 theo các phương thức: Xét tuyển học bạ THPT, xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
Trong đó, thí sinh tốt nghiệp năm 2021, 2022, 2023 đăng ký xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT từ ngày 2/4-2/6/2023. Kèm với đó, thí sinh khai thông tin xét tuyển theo đường dẫn và kèm theo hồ sơ đăng ký xét tuyển theo quy định.
"Như vậy, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào trường bằng cách xét học bạ hoặc các hình thức còn lại chứ không phải hình thức xét tuyển sớm của trường.
Đồng thời, các em phải đăng ký việc xét tuyển bằng học bạ trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để lọc ảo", ông Thư cho biết.
Cũng theo ông Thư, sở dĩ nhà trường không xét tuyển sớm bởi tỷ lệ hồ sơ "ảo" sẽ rất cao do nhiều em không nhập học, nhà trường khó kiểm soát.
Nếu chỉ vì một vài ngành "hot" khiến tỷ lệ ảo nhiều, ảnh hưởng đến những ngành khác là không nên. Do đó, chuyên gia này khẳng định, phản ánh của thí sinh trên đây chưa chính xác.
Được biết năm nay, Học viện tiếp tục không tổ chức thi năng khiếu báo chí và chỉ xét tuyển bằng 3 phương thức, gồm: Xét học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và học bạ, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với phương thức xét tuyển học bạ, nhà trường dành 15% chỉ tiêu. Tùy nhóm ngành, điểm xét tuyển sẽ bằng tổng điểm trung bình năm học kỳ THPT (trừ kỳ II lớp 12), điểm trung bình năm học kỳ các môn Ngữ văn, hoặc Lịch sử hoặc tiếng Anh.
Phương thức xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh và học bạ trường cũng dành 15% chỉ tiêu. Để được xét tuyển, thí sinh cần đạt từ 6.5 IELTS, SAT 1200/1600 hoặc tương đương, học bạ năm kỳ (trừ kỳ II lớp 12) từ 7 trở lên, hạnh kiểm tốt.
Riêng thí sinh xét tuyển các chương trình đào tạo nhóm ngành 1 báo chí, tổng điểm trung bình 5 học kỳ môn ngữ văn THPT (không tính học kỳ II năm lớp 12) đạt tối thiểu 7,0 trở lên.
Thí sinh xét tuyển các chương trình đào tạo trong nhóm ngành 4 điểm tổng điểm trung bình 5 học kỳ môn tiếng Anh THPT (không tính học kỳ II năm lớp 12) đạt tối thiểu 7,0 trở lên.
Phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, Học viện dành 70% chỉ tiêu.
Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đó thường là các phương thức xét tuyển như: Xét học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của một số trường, tuyển sinh riêng, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng…
Thí sinh xét tuyển theo các phương thức này sẽ nộp hồ sơ sớm theo quy định của từng trường và trường cũng có quyền công bố xét tuyển sớm nhưng kết quả chỉ là tạm thời, có điều kiện.
Kết quả này chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo quy định, đến 17h00 ngày 4/7, các trường đại học sẽ hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống; cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.