Học trò muốn vui chơi cũng phải chờ... tới phiên
(Dân trí) - Thiếu sân chơi, nhiều trường học ở TPHCM phải sắp xếp sân chơi cho học sinh theo hình thức luôn phiên lớp chơi lớp nghỉ. Nhưng thế vẫn còn may so với những trường không có sân chơi, mong muốn chạy nhảy là điều xa xỉ với học trò.
Chơi luân phiên và chơi trên… giấy
Đên trường tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp, TPHCM) vào giờ ra chơi, có thể thấy học trò được sắp xếp cho giờ chơi rất nề nếp. Nhiều học sinh (HS) ngồi ở thư viện đọc sách, nhiều em ngồi trong lớp, chơi ở hành lang. Những HS ra ngoài sân thì chủ yếu cũng chỉ tham gia vào các hoạt động tĩnh như đọc sách, ngồi trò chuyện…
Nhiều nhóm HS chơi các trò chơi vận động như ném dép, chạy vòng, mèo đuổi chuột… cũng hết sức khó khăn vì sẽ liên tục bị cụng đầu hoặc bị va chạm vào nhau. Những động tác chạy nhảy của các em đều phải “co cụm” lại, không mấy khi thoải mái.
Một HS lớp 3, đang ngồi đọc sách với bạn ở gốc cây cho biết giờ ra chơi, em thường chỉ ngồi đọc sách, rất ít khi chạy nhảy vì: “Nếu tụi con nghịch ngợm, chạy nhảy quá sẽ bị các bạn trong đội cờ đỏ nhắc nhở ngay. Hơn nữa chạy hay bị quệt vào các bạn, con không thích”.
Trường mầm non 19/5 (Q.7) ngày đầu xây dựng từ năm 1996 có diện tích sân chơi chưa đến 900m2, trong khi số trẻ ngày càng tăng, tỷ lệ diện tích sân chơi càng bị thu hẹp. Các nhóm nhà trẻ rất khi có cơ hội được ra sân, chủ yếu chỉ ở trong lớp để nhường thời gian chơi cho các anh chị lớp lớn. Chưa kể, vào mùa mưa hoặc triều cường sân bị ngập thì trẻ mất hẳn chỗ chơi.
“Chúng tôi đã nâng toàn bộ sân chơi khu vực trước trường để chấp ngập úng. Phía sân sau của trường có một khu vực bỏ trống, quy hoạch để làm đường nhưng dự án treo, người dân xung quanh thường vứt rác, phóng uế nên chúng tôi để xuất cải tạo thêm 200m2 sân chơi cho trẻ. Tuy vậy, vẫn không đủ để đảo bảo cho hoạt động thể lực, vui chơi của trẻ”, bà Phan Thị Hạnh - hiệu trưởng Trường mầm non 19/5 cho hay.
Đến Trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5), chẳng ai không khỏi xót xa với tình cảnh học trò bị “đóng” trong hộp. Trường chỉ là hai khối nhà ghép được xây dựng từ trước năm 1975 và được sử dụng làm trường học khoảng 25 năm nay không hề có sân chơi. Hành lang nhỏ hẹp trước lớp hay bãi dựng xe ở lầu trệt cũng là sân chơi của HS.
Tuy nhiên, ngôi trường 7 lầu với lối cầu thang đi lại nhỏ, cao rất nguy hiểm nên mỗi khi các em lên xuống đều phải có GV chỉ dẫn để đảm bảo an toàn. An toàn nhất cho HS giờ ra chơi là loay những phòng học cực kỳ nhỏ đã chèn kín bàn ghế. Các em gần như không có điều kiện để vận động trừ giờ thể dục tổ chức trên… sân thượng. Nhiều HS của trường bày tỏ mong ước được có sân chơi qua những bức vẽ trên giấy.
Học sinh thiệt thòi
Bà Tôn Nữ Phương Thắm - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cho hay diện tích sân chơi của hai cơ sở trường quá chật hẹp, không đủ cho HS vui chơi hoạt động. Để các em đều có cơ hội được vui chơi, trường xếp lịch các lớp luân phiên lên thư viện đọc sách, giảm tải cho khu vực sân chơi.
“Kể các em chơi ngoài sân thì các hoạt động thể chất cũng rất hạn chế, chúng tôi buộc phải nhắc nhở các em không chạy nhảy quá để đảm bảo an toàn cho mình và cho bạn bè. Các trò chơi tĩnh cũng được khuyến khích nhiều hơn”, bà Thắm nói. Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cũng cho rằng việc sân chơi nhỏ hẹp, HS rất thiệt thòi vì thiếu hoạt động thể chất ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng nguy cơ béo phì.
Biết rằng không tốt nhưng vì thực tế thiếu sân chơi, nhiều trường ở TPHCM ngoài việc thu xếp cho HS theo kiểu “cuốn chiếu” còn phải khuyến khích các em bớt vận động vì sự an toàn. Chưa kể, như bà Thắm cho hay, diện tích sân chơi của nhiều trường ngày càng bị thu hẹp do không được mở rộng mà số HS tăng mỗi năm, nhu cầu xây dựng các phòng chức năng…
Tại Trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, cô Huỳnh Thị Bực - hiệu trưởng nhà trường cho hay, HS chưa bao giờ có khái niệm vui chơi đúng nghĩa do không có sân chơi hàng chục năm nay. Qua nhiều đời hiệu trưởng, chờ được xây ngôi trường mới để các HS bớt thiệt thòi nhưng rồi kế hoạch xây trường mới được duyệt từ 16 năm trước vẫn chưa thực hiện. Năm học nào thầy cô và HS cũng hồi hộp chờ và động viên mình sắp có trường mới rồi.
Thiếu sân chơi, tỷ lệ HS đông cũng là một trong những nguyên nhân nhiều trường mầm non ở TPHCM nằm trong diện “chờ” đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của TPHCM nằm trong nhóm thấp nhất nước.
Ở lứa tuổi các em việc vận động, chạy nhảy là rất cần thiết cho sự phát triển thể chất, tạo sự thích thú cho học tập. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, việc thiếu sân chơi không chỉ dẫn đến nguy cơ béo phì mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của HS. Thiếu chỗ chạy nhảy, các em dễ cáu bẳn, ức chế, dễ phát sinh các mâu thuẫn với bạn bè.
Hoài Nam