Học trò Huế sáng tạo với nghệ thuật xếp giấy
(Dân trí) - Dạy trẻ mầm non về nghệ thuật xếp giấy Origami, hai học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Huế đã giành giải Nhì hội thi khoa học kỹ thuật Intel ISEF toàn quốc 2013, giải Nhất lĩnh vực Khoa học xã hội hành vi.
Với đề tài “Nâng cao khả năng nhận thức và ngôn ngữ cho trẻ 5 đến 6 tuổi ở TP Huế thông qua nghệ thuật xếp giấy Origami”, hai học sinh lớp 11A4 Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Huế - Nguyễn Đăng Minh Quân và Nguyễn Thị Bảo Ngọc đã giành 2 giải thưởng cao tại hội thi khoa học kỹ thuật Intel ISEF toàn quốc 2013.
“Khả năng ghi nhớ sử dụng sự vận động khéo léo ở 2 tay ở trẻ khi xếp giấy Origami sẽ ảnh hưởng quan trọng đến 2 bán cầu não hoạt động. Ví dụ, các trẻ thường phát triển trí não vào khoảng 6 tuổi với người nghiêng về nghệ thuật thì bán cầu não phải sẽ phát triển hơn, trẻ thích tính toán sẽ phát triển bán cầu não trái. Nếu làm lợi cả 2 bán cầu não thì bé sẽ toàn diện hơn” - Bảo Ngọc nói về lợi ích lớn nhất mà đề tài đem lại.
Xuất phát ý tưởng là Minh Quân, với khả năng xếp giấy Origami rất giỏi từ lúc 4 tuổi. Lớn lên em đã cùng niềm đam mê xếp giấy theo nghệ thuật Nhật Bản này và quen nhiều người bạn nước ngoài. Một số người thân nhất của em có chung đam mê là anh Riki Saito, một CEO về kinh doanh người Nhật, bà Karen Freedman một bác sĩ về hưu người Mỹ, bà Vass Idikok cô giáo người Đức. Đây là 3 người mà Quân làm quen trên mạng, sau đó rất thân. Em được các bạn cho bản quyền các mẫu xếp giấy về Origami mà họ đang nghiên cứu.
Từ đó, Quân muốn chia sẻ nghệ thuật thú vị này đến các gia đình có con nhỏ để các em có thể thỏa sức với thế giới nghệ thuật sắc màu đầy trí tuệ. “Khi xếp giấy, chúng ta dễ tiếp cận về môn hình học không gian trên những hình khối, tỷ lệ nên đa số người thích xếp giấy hay đi theo con đường kiến trúc, nghệ thuật, sư phạm, toán học hay trở thành nghệ nhân” - Quân nói.
Qua khảo sát 12 trường mầm non qua phụ huynh, giáo viên, sau đó dạy thử ở 2 trường mầm non là Phú Hội và Mầm Non 2, Quân và Ngọc đã lần lượt đặt câu hỏi về màu sắc, thực vật để phân loại nhận thức các em là rất tốt, tốt, khá, trung bình… và phân loại ngôn ngữ như tính chủ động, phát biểu, khả năng diễn đạt ngôn ngữ.
Từ đó, 2 em đưa ra trước các cháu các mẫu giấy xếp trước tạo sự tò mò, và bắt đầu dạy xếp hình từ các mẫu đơn giản đi lên. Ví dụ như dạy xếp bông hoa có 4 bước, xếp con chó có 7 bước… Kết quả thu về rất khả quan, sau 2 ngày dạy ở mỗi trường, tỷ lệ từ 60-70% các em xếp đẹp và thường bé nam xếp đẹp hơn bé nữ. “Các em hứng thú lắm, mong có những ngày hôm sau sẽ được xếp các mẫu khác. Ở trường mầm non Phú Hội, các em thích chúng em nên còn vẽ tặng một bức tranh” - Ngọc kể lại.
Sau khi kiểm tra, Ngọc và Quân yêu cầu các em xếp lại hình mà không có hướng dẫn. Có đến một nửa các em xếp đẹp. Khảo sát qua phụ huynh, giáo viên, các em tìm thêm được những đường hướng phát triển qua đề tài của mình hơn nữa.
Cái lợi của việc xếp giấy, theo Quân là trẻ rất hứng thú với việc tạo ra những sản phẩm mà trẻ yêu thích. Đồng thời, rèn luyện sự ghi nhớ, khả năng tập trung, tính kiên nhẫn ở trẻ. Và quan trọng là phát triển được ngôn ngữ với các khả năng nghe-nói-đọc-hiểu; nâng cao nhận thức về đặc điểm, màu sắc, hình sáng.
Đặc biệt, các em khi lắp ráp nhiều đồ vật, con thú, sinh hoạt con người để tạo thành một thế giới ước mơ của các em, tức là trẻ đã nhận ra mối tương quan giữa các đối tượng với nhau. Bên cạnh đó, sẽ rèn luyện trẻ tiết kiệm, bảo vệ môi trường khi các sách, báo, giấy cũ sẽ được làm nguồn nguyên liệu xếp hình chứ không cần mua giấy thủ công.
Theo ThS. Hoàng Thị Kiều Dung - Hiệu trưởng THPT Nguyễn Huệ, nhà trường luôn tạo điều kiện để các học sinh phát triển tài năng. Hàng năm đều có nghiên cứu khoa học rất sôi nổi trong giới học sinh. Đây là hoạt động ngoại khóa trọng tâm để các em đổi mới phương pháp học tập, sáng tạo, tạo nên một phong cách học mới. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng theo sát các em để tư vấn thêm những định hướng đúng.
Quân hướng dẫn các bé cách xếp giấy.
Đại Dương