Học trò hiến kế học tốt và yêu thích môn Lịch sử

(Dân trí) - Học sinh THPT đến từ mọi miền đất nước cùng có mặt trong một cuộc tọa đàm đóng góp ý kiến "Làm sao để học tốt và yêu thích môn Lịch sử" tại Hà Nội.

Nằm trong chùm hoạt động Vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam”, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Làm sao để học tốt và yêu thích môn lịch sử” tại Hà Nội chiều ngày 11/1.


Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo ưu tú Vũ Minh Giang, anh Lê Quang Tự Do - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn ; thạc sĩ Nguyễn Thị Nhâm Huyền – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng cùng chủ trì buổi toạ đàm “Làm sao để học tốt và yêu thích môn lịch sử”

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo ưu tú Vũ Minh Giang, anh Lê Quang Tự Do - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn ; thạc sĩ Nguyễn Thị Nhâm Huyền – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng cùng chủ trì buổi toạ đàm “Làm sao để học tốt và yêu thích môn lịch sử”

Chủ trì buổi tọa đàm là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo ưu tú Vũ Minh Giang, anh Lê Quang Tự Do - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhâm Huyền – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng. 85 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi "Tự hào Việt Nam" trên toàn quốc cùng với bạn bạn học sinh các trường THPT trong địa bàn Hà Nội cũng góp mặt trong cuộc tọa đàm này.

Giáo sư Vũ Minh Giang là người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghiên cứu và phát triển bộ môn lịch sử trong giáo dục. Ông khuyến khích các em học sinh nêu ý kiến và đưa ra các phương pháp giúp tăng hiệu quả học Sử.

Bạn Đào Duy Tân, HS THPT chuyên Thái Bình chia sẻ: "Ở ngay lớp em, có nhiều bạn trong tiết Sử không chú ý, bỏ bê môn Sử. Theo em là do cách dạy Sử của chúng ta. Giáo viên chỉ biết truyền đạt những con số khô khan, khi thi thì chỉ có những đề đóng, không khuyến khích sự sáng tạo, động não của học sinh. Đây là sự thật mà chúng ta phải thừa nhận và tìm hướng để giải quyết".

Một bạn HS Phan Đình Phùng có ý kiến khác: "Em phản đối ý kiến rằng tất cả mọi học sinh đều ghét môn Lịch sử. Ở trường em có rất nhiều bạn thích môn Lịch sử, bởi vì cách dạy Sử ở trường em có nhiều điều mới lạ".

Bạn Tuấn Hùng, HS Phan Đình Phùng cho biết: "Em nghĩ vấn đề là do sách giáo khoa của chúng ta. Em thích đọc các cuốn sách Sử hơn là học Lịch sử trong SGK, giáo trình. Em đọc SGK Lịch sử hơn 100 trang mới có 10 hình minh hoạ, rất khô khan".

Các em học sinh sôi nổi đóng góp ý kiến về cách học Sử hiệu quả và làm thế nào để môn Sử được yêu thích hơn trong học đường
Các em học sinh sôi nổi đóng góp ý kiến về cách học Sử hiệu quả và làm thế nào để môn Sử được yêu thích hơn trong học đường

Nguyễn Đức Mạnh, HS trường THPT Chu Văn An có rằng: "Theo thống kê ở trường em, 70% các bạn học sinh yêu thích môn Lịch sử. Theo em, việc học sinh có thích học Lịch sử hay không do nhiều yếu tố, trong đó có vai trò của xã hội, xã hội đề cao Lịch sử thì môn học này mới phát triển.

Nhà trường cần tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử nước nhà, lịch sử của trường; giáo viên phải truyền được cảm hứng cho học sinh; các phương tiện truyền thông đại chúng cần phải tuyên truyền các câu chuyện lịch sử... Ví dụ như em sang Singapore, em thấy người ta treo những bức hình nhân vật lịch sử ở những nơi công cộng, đặt tên đường là những danh nhân lịch sử, đó là cách để tuyên truyền lịch sử".

Bạn Trịnh Hương Giang, lớp 12D5 THPT Phan Đình Phùng bày tỏ mong muốn: "Em nhận thấy rằng môn Lịch sử đòi hỏi quá nhiều thời gian học thuộc, quá thiên về lý thuyết. Em mong muốn là các thầy cô khi biên soạn sách giáo khoa nên thiên về định tính hơn là định lượng".

Nguyễn Thị Ngân, THPT Thác Bà, Yên Bái chia sẻ bí quyết học lịch sử: "Theo em, khi học Lịch sử phải hiểu Lịch sử, nếu chỉ học thuộc thì không thể nhớ được lâu. Cách học Sử của em là học tiêu đề, sau đó học các dữ kiện chính chứ không học từng chữ như học vẹt".

Cô giáo Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên Lịch sử THPT Phan Đình Phùng: "Nỗi niềm của các thầy cô giảng dạy Lịch sử là xã hội ngày nay coi trọng môn tự nhiên, không coi trọng các môn xã hội. Dù học sinh thích nghe thầy cô giảng Lịch sử nhưng không lựa chọn thi, cho dù đăng ký tham gia đội tuyển của trường thi môn Lịch sử nhưng cuối cùng nhiều em lại xin rút vì phụ huynh không đồng ý.

Phụ huynh không cho con theo đuổi môn Sử vì các trường đại học hiện nay ngày càng ít tuyển học sinh khối C, cha mẹ sợ tương lai của con không tốt... Hiện tượng này đặc biệt rõ nét ở học sinh cuối cấp. Điều này ảnh hưởng nhiều tới tâm huyết trong nghề của các thầy cô dạy lịch sử".

Học sinh từ mọi miền đất nước góp ý kiến trong buổi toạ đàm này
Học sinh từ mọi miền đất nước góp ý kiến trong buổi toạ đàm này

Em Lê Thị Thu Uyên đến từ Ninh Bình nhận xét: "Chúng ta có hơi ít các bộ phim, phim hoạt hình về lịch sử. Nhiều bạn trẻ còn thuộc lịch sử Trung Quốc và Hàn Quốc hơn cả lịch sử Việt Nam. Em cho rằng cần có thêm nhiều những sản phẩm phim ảnh, vì nó giúp cho chúng ta ghi nhớ tốt hơn, tưởng tượng tốt hơn".

Một học sinh ngoại quốc, bạn Rufino Aybar, lớp 11D1, trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: "Theo bố mẹ từ Tây Ban Nha sang Việt Nam từ lớp 1. Em xem nhiều bộ phim về lịch sử Việt Nam, rất yêu thích nhưng gần đây chương trình học phổ thông lại coi Lịch sử là môn phụ, điều này làm giảm đi tầm quan trọng của môn Lịch sử.

Em nghĩ là cần đề ra những giải pháp để cải thiện chất lượng học cũng như giảng dạy, qua đó giúp học sinh nắm bắt được và hiểu được lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đầu tiên, cần đổi mới chương trình sách giáo khoa, mặc dù đã có nhiều sửa đổi nhưng nội dung chưa phù hợp với thanh thiếu niên ngày nay.

Thứ hai, cần sử dụng tranh ảnh, tài liệu, phim ảnh…về lịch sử Việt Nam trong mỗi tiết học để các bài giảng sinh động và hấp dẫn hơn. Thứ ba là tổ chức các kỳ thi tìm hiểu về các nhân vật lịch sử; tổ chức các chuyến tham quan các di tích sự, bảo tàng, tượng đài… qua đó, nuôi dưỡng lòng yêu thích môn lịch sử trong mỗi học sinh".

Cô giáo Lê Thị Mỹ Dung - GV môn Lịch sử trường Phan Đình Phùng:"Việc dạy học trong trường hiện nay: Những thầy cô đang trực tiếp giảng dạy bộ môn Lịch sử hiện nay rất áp lực. Đầu tiên, chương trình sách giáo khoa có lượng kiến thức quá nhiều, trong khi đó, thời lượng tiết học Lịch sử quá ít, dẫn đến tình trạng thầy cô giáo phải tìm cách để truyền tải hết lượng kiến thức đó đến với học sinh, điều này khiến các bài giảng không được đầu tư sâu. Đây là một trong những lý do khiến học sinh oải không mấy hứng thú với bộ môn Lịch sử.

Thứ 2, việc đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử chưa thực sự hiệu quả, lối dạy truyền thống, thầy dạy trò chép vẫn xuất hiện trong giờ học lịch sử. Thứ 3, xã hội hiện nay coi trọng các môn khoa học tự nhiên, điều này phần nào khiến môn Lịch sử bị coi nhẹ. Thực tế, nhiều học sinh cho biết rất thích nghe về những câu chuyện lịch sử nhưng lại không chọn làm môn thi vì lý do là cha mẹ không đồng ý cho con thi môn này , đại đa số phụ huynh cho rằng các em theo đuổi môn Lịch sử không có tương lai bằng các môn khoa học tự nhiên".

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến đống góp của các em học sinh và giáo viên về vấn đề học Sử, Giáo sư Vũ Minh Giang tổng kết: "Những gợi ý của các em học sinh là rất quý. Ai cũng nói lịch sử là quan trọng nhưng nó quan trọng như thế nào chưa phải ai cũng nói được đầy đủ. Điều các em nên nhớ là tầm quan trọng của lịch sử. Có 5 điều các em cần nhớ.

Đầu tiên, lịch sử là bộ môn có sứ mệnh giúp cho một cộng đồng nhận thức chính mình (mình là ai, sở trường sở đoản như thế nào, tâm tình của người mình ra sao...). Vì vậy, lịch sử cần được trang bị từ bé cho tới lớn, không được cắt xén. Thứ hai, kinh nghiệm, bài học lịch sử phải được coi là một kho tàng quý giá vô tận.

Lịch sử phải làm nhiệm vụ là cánh cửa trao lại những bài học kinh nghiệm ấy cho các thế hệ về sau, không chỉ là lịch sử trong nước mà cả lịch sử thế giới. Thứ ba là học lịch sử để nắm bắt được quy luật vận động của xã hội. Thứ tư, lịch sử giúp cho con người trở nên giàu có về tri thức, uyên bác. Thứ năm, lịch sử dạy tư duy hệ thống, chúng ta có thể đem câu chuyện cách đây hàng trăm năm áp dụng vào hôm nay...".

Mai Châm