Câu chuyện giáo dục:

Học trò chê “cô Tấm không chịu khó gì hết trơn”

(Dân trí) - Mỗi khi gặp nghịch cảnh, khó khăn không thấy cô Tấm tìm cách gì đó để vượt quá mà chỉ biết... ôm mặt khóc - cô học trò phản bác lại ý kiến cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám chịu thương chịu khó.

Câu chuyện được người mẹ chia sẻ tại buổi ra mắt sách "Triết học cho trẻ em" với chủ đề “Mùa hè tự do” vừa diễn ra tại một buổi ngoại khóa ở TPHCM. Con gái chị sau đọc và học truyện Tấm Cám, nghe phân tích cô Tấm hiền lành, chịu thương chịu khó, chán liền phàn nàn: “Cô Tấm không chịu khó gì hết trơn. Mỗi khi gặp nghịch cảnh cô chỉ toàn ôm mặt khóc thôi chứ không hề suy nghĩ hay tìm cách nào đó để khắc phục khó khăn”.

Tư duy con trẻ rất đa chiều nếu không bị ép bởi cách nhìn của người lớn
Tư duy con trẻ rất đa chiều nếu không bị "ép" bởi cách nhìn của người lớn

Từ lập luận của mình, cháu hiểu rằng khi gặp khó khăn, trước hết mỗi người phải tự nỗ lực, phải xoay sở đủ mọi cách để vượt qua. Trong cuộc sống, không có ông Bụt bà Tiên nào được sắp đặt sẵn mà chỉ cần nghe tiếng khóc là hiện lên giải quyết hết được mọi việc.

Đó là bài học mà con chị có được từ truyện Tấm Cám - có thể không giống bài học theo mô típ quen thuộc cứ thật thà thì… mặc kệ số phận sẽ có quý nhân phù trợ.

Nhưng nếu đặt trong khuôn khổ một truyện cổ tích, một bài học mà cô Tấm là hiện thân của cái thiện, được mặc định là hiền lành, thật thà, chịu thương chịu khó, liệu cách lập luận của cháu có được chấp nhận?

Nhà giáo Đinh Thanh Phương chia sẻ, chị cũng từng giật mình và có phần hoang mang nghe con trai bày tỏ quan điểm là thích và thương các nhân vật phản diện hơn là các nhân vật chính diện sau khi đọc truyện.

Tuy nhiên, người mẹ không lên án con hay yêu cầu con phải… suy nghĩ lại cho “thẳng” ngay lập tức mà chị đặt câu hỏi: "Sao con lại thương… người ác?".

Con chị trả lời rằng những người ác rất đáng thương bởi họ đang lầm đường lạc lối mà không biết mình đang làm sai. Thay vì bị mọi người hắt hủi thì họ cần được thương cảm, được giúp đỡ để chọn đường đúng.

Còn cháu thích các nhân vật phản diện bởi khi gặp sự cố, họ có rất nhiều cách thông minh, nhiều mưu mô. Còn các anh hùng, các cô gái là nhân vật chính thường toàn ngu ngơ, không biết gì, chỉ được mỗi thật thà, chính trực.

Người mẹ không khỏi bất ngờ với tư duy của con vì nó không nằm trong hệ thống tư duy mà mình được mặc định sẵn.

Nhờ lắng nghe con mà nhà giáo này có cơ hội để định hướng cho con. Cô phân tích rằng chúng ta có thể học ở những nhân vật phản diện những chiêu thức, mưu mô thông minh nhưng cần nhớ họ đang sử dụng những điều này để phục vụ cho mục đích không tốt. Và việc muốn giúp đỡ cái ác cũng phải có chiêu thức chứ không sẽ dẫn đến nhiều hậu họa.

Tư duy của con trẻ rất bay bổng, rất kỳ diệu, chỉ có cái nhìn của người lớn dễ bị đóng khung trong sự hạn hẹp, khuôn khổ và cả vì những lo lắng, toan tính. Bố mẹ và thầy cô sẽ học được từ trẻ rất nhiều nếu biết lắng nghe và không lên án khi các em có cái nhìn, tư duy đa chiều, thậm chí là ngược chiều với mình. Quan trọng là người lớn đã đủ tầm nhìn rộng mở để biết cuộc sống này, thế giới này muôn màu muôn sắc mà ở đó con trẻ có thể không giống mình, không như “mẫu hình” mà mình mong muốn. Thứ người lớn kỳ vọng nào chắc đã hay hơn, tốt hơn điều các em có.

Như lời cô giáo Phương, người lớn nếu có đủ thời gian và đủ để con trẻ tin cậy, các em sẽ cho chúng ta biết rất nhiều điều bất ngờ, nhiều điều hay.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)